net.princevn

New Member
Đề: Hằng ngày đến lớp em đều nghe âm thanh quen thuộc của trống trường. Hãy tả lại cái trống ấy



BÀI THAM KHẢO 1


Một ngày học mới bắt đầu, cổng trường em đã mở rộng, học sinh lũ lượt cắp sách đến trường. Chợt vang lên tiếng Tùng! Tùng! Tùng!...Đó là tiếng gọi chúng em vào lớp của chiếc trống trường em đấy.



Trống được treo trên chiếc giá bằng gỗ đặt trước phòng bảo vệ. Thân trống hao hao giống cái chum đựng nước, giữa thân phình to ra, hai đầu khum lại vì nó được làm bằng thanh gỗ uốn cong, đều đặn và khép liền vào nhau bằng keo dán gỗ. Thân trống được sơn màu đỏ tươi, màu của sự mạnh mẽ và chiến thắng. Giữa thân có hai vòng đai thắt bằng mây. Nhờ có vòng đai này mà trống được treo trên giá, không phải để chạm đất. Hai đầu trống bịt bằng da trâu thuộc kỹ, căng thật phẳng làm mặt trống. Hai mặt trống ở hai đầu là hình tròn phẳng đều nhau. Chúng đã cộng tác với thân trống và dùi trống để tạo ra âm thanh, một thứ âm thanh rất đỗi quen thuộc với chúng em. Tiếng trống vang xa, lúc rành rọt ba tiếng gọi học sinh vào lớp, lúc "xả hơi" vang một hồi dài báo hiệu giờ tan trường, lúc "cầm càng" theo nhịp "Cắc, tùng! Cắc tùng!" cho chúng em tập thể dục.



Mỗi khi nghe tiếng trống, lòng em bỗng rộn ràng. Tiếng trống giúp thầy và trò trong nhà trường thực hiện đúng giờ giấc của buổi học. Trống là hiệu lệnh điều khiển các hoạt động của chúng em. Trống thắp sáng từng nụ cười rạng rỡ của chúng em ở dưới mái trường.



Ngày tháng trôi qua, em được lên lớp mới, được học trường mới, có bạn mới nhưng tiếng trống ngày ấy vẫn còn văng vẳng trong ký ức. Em xem trống như người bạn thân thiết của mình.





BÀI THAM KHẢO 2





Tuổi học trò chúng em được xem là lứa tuổi thần tiên đầy thú vị. Ai lớn lên mà không được cắp sách đến trường quả là một thiệt thòi lớn trong cuộc đời. còn ai đi học thì làm sao quên được âm thanh và hình ảnh trống trường. Trống là bạn của tuổi thơ.



Trống được làm bằng gỗ, đặt trên một cái giá chắc chắn. Trống trường em được đặt trước phòng bảo vệ. Thân trống làm từ một loại gỗ quý, phình to ở giữa, sơn màu đỏ, giữa thân có vòng đai thắt bằng mây. Mặt trước được làm bằng da trâu thuộc kỹ. Mỗi khi chạm mạnh hay gõ vào mặt trống, những âm thanh vang lên. Khi thì reo hò, giục giã. Khi thì nghiêm trang, trầm mặc, lúc thì lưu luyến, thiết tha. Hơn ba năm qua, trống luôn thủy chung với chúng em, đém từng vòng quay của kim đồng hồ treo tường để báo hiệu giờ vào lớp, giờ ra chơi và lúc tan trường. Trống đồng hành cùng với chúng em suốt cả năm học.



Trống là hiệu lệnh điều khiển các hoạt động của chúng em. Em rất yêu trống trường, yêu ngôi trường thân quen. Em nguyện chăm ngoan, học giỏi từ mái trường này.



Theo Những bài văn mẫu 4*
 
BÀI LÀM 2



Cũng không biết cái trống có tự bao giờ, hồi vào lớp Một, em đã thấy trống ngồi chễm chệ trên cái giá đặt ngay ở phòng bảo vệ, và bây giờ trống vẫn nằm ở đấy. Hơn ba năm rồi, trống vẫn thủy chung với chúng em, đếm từng vòng quay của chiếc đồng hồ treo tường để báo hiệu giờ ra vào lớp cho chúng em học tập, sinh hoạt, vui chơi…



Sáng nay, đến lượt em và Hương trực nhật. Chúng em đến lớp sớm hơn mọi ngày. Trực nhật xong rồi mà vẫn không nghe tiếng trống. Lúc này đã là bảy giờ kém năm phút. Lẽ ra giờ này, các khối lớp đã tề tựu đông đủ dưới sân cờ. Bỗng ba hồi còi vang dài lên. Em quay lưng hỏi Hương:



- Sao không đánh trống mà lại thổi còi nhỉ?

- Mình cũng chẳng biết nữa!



Không chỉ có em và Hương bắn khoăn, thắc mắc mà các bạn ở các lớp khác cũng nhao nhao lên hỏi. Sau khi đội ngũ đã chỉnh tề, thầy phụ trách Đội thông báo:



- Hôm nay, thầy phải dùng còi thay cho hiệu lệnh trống. Thứ bảy vừa rồi, mặt trống bị thủng, nhà trường đã đi sửa, hơn bốn năm rồi còn gì!



Hương quay sang em thầm thì:



- Vắng tiếng trống có một ngày mà không khí trường mình như lắng xuống, Oanh nhỉ!



- Ừ, không chỉ lắng xuống mà mình cảm giác buồn buồn thế nào ấy!



Thế là suốt cả ngày hôm đó, chỉ có tiếng còi làm hiệu lệnh. Mỗi lần nghe tiếng còi vang lên, em cảm giác rờn rợn trong người, cảm giác như tiếng còi của một chú công an giao thông đường phố thổi phạt vi cảnh một người nào đó. Không biết ngày mai đã có trống chưa?



Sáng nay vừa mới bước đến cổng trường đã nghe các bạn reo ầm lên: "Có trống rồi! Có trống rồi!". Em chạy ù vào lớp, bỏ cặp xuống hộc bàn rồi rủ một số bạn đến phòng bảo vệ xem trống.



Chú vẫn chễm chệ trên cái giá như thuở nào. Bộ áo khoác bạc màu, loang lổ đã được thay bằng một tấm áo đỏ chói. Cái thân trụ được ghép bằng những thanh gỗ phình to ở giữa, làm cho cái bụng của chú lúc nào cũng căng tròn như bụng phệ của một ông chủ tiệm phở vậy. Bây giờ em mới có dịp ngắm chú kĩ càng hơn. Chú có đến hai mặt. Các mặt đều được làm bằng những tấm da bò hay da trâu đính vào thân trống bằng vô số những chiếc đinh tre cật. ở giữa hai mặt trống, người ta vạch một đường tròn vành vạch tượng trưng cho cái miệng của chú. Hễ cứ vỗ vào cái miệng lúc nào cũng mở tròn ấy, là chú có thể cất lên những khúc nhạc trầm ấm vang vọng cả một vùng. Khi thì hối hả thúc giục, khi thì hò reo náo động, khi thì nghiêm trang trầm mặc, khi thì lưu luyến thiết tha...thật kì diệu biết bao!



Không phải riêng chúng em mà cả các anh, các chị những lớp trước đã từng học ở đây, mỗi lần nghe tiếng trống trường điểm nhịp, đều gợi lại cho mình biết bao những kỉ niệm. Ba hồi trống náo nức rộn ràng buổi tựu trường nghe âm vang như một ngày hội. Sáu tiếng trống báo hiệu giờ vào học. Một nhịp trống ba rộn rã niềm vui giờ giải lao và một hồi dài ngân vang tha thiết như lưu luyến tiễn đưa chúng em về nhà sau một buổi học căng thẳng nhưng thú vị.



Chiếc trống trường em là vậy đấy. Nó như một người bạn đồng hành của đời học sinh chúng em và cũng là người nhạc trưởng chỉ huy "bản hợp xướng" học tập vô cùng tài giỏi ở trường em, tạo cho mọi hoạt động học tập, sinh hoạt đi vào nề nếp kỷ luật.



Theo 153 bài văn mẫu 4*
 
BÀI THAM KHẢO 3



Cái trống có mặt ở ngôi trường em học không biết đã bao năm rồi. Cô giáo chủ nhiệm bảo ít nhất cũng mười hai năm, thế mà trông vẫn còn tốt.



Trống cao có lẽ xấp xỉ bằng cậu học trò lớp Bốn như chúng em. Trống khum khum hình bầu dục, hai đầu thon lại, thân to, hai học sinh nối tay nhau mới ôm đủ một vòng quanh trống.



Hai bề mặt trống là hai lớp da trâu hay da bò dày, nhẵn thín, màu vàng ngà hơi cũ. Mặt trống nhìn tựa như bề mặt nồi bánh cuốn của bà Hai cạnh nhà em. Bao quanh mặt trống là thanh gỗ mỏng dẹt, sơn đỏ vàng, được đóng đinh tre gắn liền với thân trống.



Thân trống được ghép từ các mảnh gỗ chắc chắn sơn màu đỏ thắm, phình to ở giữa. Chỗ ấy được gọi là bụng trống. Bao quanh bụng là một đai mây bện xoắn vào nhau, lớn bằng ngón tay cái. Nhìn từ xa trống như được mang chiếc thắt lưng giản dị.



Thường lệ trước giờ vào học, bác bảo vệ cầm cái dùi trống dài bằng cả cánh tay em để đánh vào mặt trống. Lúc đầu bác đánh chậm. Càng về sau nhịp tay bác càng nhanh càng mạnh dồn dập. Ấy là lúc trống rung lên tỏa vào không trung những âm thanh kỳ lạ. Tùng...tùng...tùng!



Trống trường chỉ vang lên vào những giờ đáng ghi nhớ: Lúc khai giảng, phút bắt đầu của tiết học, giờ ra chơi, giờ kết thúc buổi học và lúc bế giảng. Những khi nghe tiếng trống tan trường em mừng vui hể hả. Ngược lại, đôi khi đang chạy nhảy, trống lại báo hết giờ ra chơi, ai nấy đều tiếc rẻ. Mỗi lần hè đến, nghe trống trường báo hiệu bế giảng niên học, lòng chúng em xao xuyến, bâng khuâng, buồn vui lẫn lộn.



Trống trường thật sự là bạn đồng hành của tuổi học trò chúng em. Mai đây, chúng em lớn lên có thể sẽ đi đến bất cứ noi nào trên đất nước song tiếng trống trường vẫn mãi bập bùng trong kỷ niệm.



Theo 153 bài văn hay 4*
 

quach_tieuthu

New Member
BÀI LÀM 4



Khi tiếng ve bắt đầu kêu râm ran trên những cây phượng già đã thay lá mới cũng chính là lúc mà tiếng trống biết mình sắp chia tay với các bạn học sinh. Chín tháng trời gần gũi thân thương biết bao những vui buồn đầy kỉ niệm, bây giờ phải xa nhau không khỏi lưu luyến.



Ba tháng hè dài đằng đẵng, tui buồn bã nằm yên trên giá, tui vẫn hằng mong có bạn nào đến thăm nhưng đều bặt tin. Có lẽ các bạn đang say sưa với mùa hè đầy thú vị của mình. tui vẫn nằm yên, thời gian đã phủ cho tui một lớp bụi bên ngoài. Một vài chú nhện khờ khạo vui mừng khi tìm thấy tui ở vị trí thuận lợi để xây tổ. Chú bắt đầu giăng những sợi tơ bé xíu vào tường rồi vào thân tôi. Những chú chuột rục rịch dưới sàn nhà, thỉnh thoảng không hiểu vì cớ gì trèo lên tường, không buồn chạy lẩn lút với cặp mắt lấm lét sợ sệt như mọi ngày, mà bây giờ nghênh ngang bước lên người tôi, để lại những dấu chân bé tí trên mặt bụi mịn. Chiếc áo màu đỏ thắm bây giờ loang lổ những vết chân chuột như chiếc áo rách tả tơi. Những ngày ấy, tui nhớ da diết tháng ngày đã qua và trông chờ ngày gặp lại các bạn.



Rồi một hôm, khi tiếng ve bắt đầu ngưng hát, không khí bớt oi nồng, tui hồi hộp chờ ngày khai giảng. "Xẹp....xẹp" những tiếng dép xa xa vọng lại, tiếp nữa là tiếng cười nói vui vẻ. "Két". Cánh cửa phòng động đậy. Quả thật các bạn đã đến. Đầu tiên các bạn đặt tui xuống lau chùi kĩ lưỡng. Từ khi ấy, tui trở lại tròn khum khum như cái chum đựng nước, cái bụng phình to như một vận động viên cử tạ. Thân hình được ghép bằng những thanh gỗ đẹp và hai đai mây bện chặt ở vòng ngoài. Bộ áo khoác thường ngày của tui màu đỏ thẫm được may từ thời tui mới ra đời và luôn được các anh chị học trò lau chùi thường ngày nên lúc nào cũng thấy mới. Ở phía hai đầu là hai tấm da trâu được dính vào thân tui bằng vô vàn những chiếc đinh làm bằng tre cật. Người ta gọi là mặt trống. Đúng tui có hai cái mặt. Chính giữa hai cái mặt nhẵn thín ấy là cái miệng tròn vành vạnh được người ta tạo ra cho tôi. Hễ vỗ vào cái miệng ấy là tui lại la hét om sòm như một kẻ ba hoa lắm chuyện. Lau chùi xong xuôi đâu vào đấy, các bạn phủi tay, trầm trồ khen ngợi: "Đẹp trai quá!" tui nghe mà mát cả bụng. Sau đó các bạn mang tui ra tập dượt, chuẩn bị cho ngày tựu trường. Ban đầu tui "ca một vài bản" nhưng âm thanh vẫn còn khô khan chưa hấp dẫn. Dần dần tiếng ca của tui trầm ấm vang vọng hẳn lên.



các bạn thấy đấy, tui tuy đơn sơ nhưng lại có ích cho đời nhiều lắm. Mỗi lần tui đi "nằm viện" thì y như rằng, mọi hoạt động học tập của các bạn bị đảo lộn và buổi học trở nên đơn điệu, tẻ nhạt. Những lúc đó có mặt tui thì cuộc sống sinh hoạt, học tập của các bạn trở nên sôi động và rất nề nếp. tui giúp các bạn biết giờ vào học, giờ giải lao, giờ tan trường. tui còn giúp các bạn tham gia hào hứng vào những ngày lễ hội thật tưng bừng và sôi nổi. Tiêng tui lăn tròn theo từng gót son của các bạn nhắc nhở các bạn học bài, vui chơi. Tiếng của tui chắp cánh ước mơ của các bạn bay xa đến bên bờ khát vọng của mai sau.



Tiêng tui luôn reo vui theo gió, với tiếng chim ca. Nó có thể tạo nên không khí trang nghiêm hay náo nức vui tươi. Cũng có lúc gợi lại cho các bạn muôn vàn kỉ niệm đẹp đẽ của tuổi học trò. Vâng, tui là thế đấy.



Theo 153 bài văn hay 4*
 

Các chủ đề có liên quan khác

Top