Nhiều hướng dẫn viên du lịch ở Đà Nẵng phải thốt lên: Khi du khách có yêu cầu thì hầu như loại hình hay sản phẩm du lịch nào ở Đà Nẵng cũng có. Núi có chuyện núi, sông có chuyện sông, biển có chuyện biển và nội thành có chuyện ở nội thành. Nhưng đưa khách đến nơi thì họ lại lắc đầu ngán ngẩm bởi không có cái gì ra cái gì cả! Cái gì cũng có, mà chẳng có thứ gì! Du lịch Đà Nẵng: Tắm biển xong rồi đi đâu? Du khách đến Đà Nẵng, dạo phố rồi... đi đâu nữa?
Nằm ở cuối Hành lang kinh tế Đông - Tây và là trung điểm của tam giác Di sản văn hoá thế giới Mỹ Sơn - Hội An - Huế, theo chiến lược phát triển du lịch quốc gia, Đà Nẵng được quy hoạch trở thành trung tâm du lịch lớn của miền Trung và cả nước. Với tiềm năng, lợi thế về du lịch biển, lại vừa được Tạp chí Forbes chọn là 1 trong 6 nơi có bãi biển đẹp nhất hành tinh càng tạo thêm sự hấp dẫn và ấn tượng cho thành phố. Thế nhưng khách du lịch đến tham quan và ở lại với Đà Nẵng trên thực tế không nhiều.Theo Sở Du lịch Đà Nẵng, từ đầu năm đến nay tổng lượng du khách đến thành phố đạt 659.000 lượt, tăng 15% so với năm 2004; trong đó khách quốc tế đạt gần 210.000 lượt. Tổng doanh thu du lịch đạt 373 tỷ đồng, tăng 11% so với năm 2004. Tuy nhiên, những con số này không phản ảnh rõ một thực tế là hầu hết tour du lịch của các đoàn tàu cập cảng Đà Nẵng hay các đoàn khách du lịch Caravan... chỉ đi qua TP này để đến tham quan các nơi lân cận như Hội An, Mỹ Sơn (Quảng Nam), cố đô Huế, Phong Nha - Kẻ Bàng (Quảng Bình), DMZ (Quảng Trị)...Điển hình như du khách trên tàu Clipboard Odysey vừa cập cảng Tiên Sa gần đây nhất, có lịch trình tham quan với điểm đến là Hội An, Mỹ Sơn và ở lại khách sạn ở Hội An, sau đó trở lại cảng Tiên Sa và... rời Đà Nẵng. Còn khách du lịch Caravan thì đến Quảng Trị, Huế, Quảng Bình, nếu có ghé qua Đà Nẵng thì chủ yếu cũng chỉ để vào thăm... Hội An. Và như thế, Đà Nẵng chỉ là cái... "bến xe" trên "Con đường du lịch miền Trung" của du khách các nơi mà thôi.Vì sao vậy? Không phải đến bây giờ mà đã từ lâu, người ta đã nói đến cái thiếu lớn nhất của Đà Nẵng vẫn là sản phẩm du lịch. Nếu có cũng chỉ là những sản phẩm nửa vời, thiếu hẳn yếu tố đặc trưng, độc đáo. Không phải vô cớ khi có người nhận xét, sản phẩm du lịch của Đà Nẵng đa dạng, nhưng suy cho cùng lại chẳng có thứ gì. Nói "chữ" một chút là... "bá nghệ, bá tri; vị chi... bá láp"!Để thu hút du khách không chỉ đơn thuần ngồi chờ họ đến mà phải có những bước đi đột phá từ cái đơn giản, nhỏ nhặt nhưng mang tính hiệu quả. Làm thế nào để có những loại hình du lịch có tính cạnh tranh cao nhưng lại không lạc hậu với thế giới. Giờ đây khi du khách yêu cầu hướng dẫn tham quan toàn thành phố, có lẽ không ít người Đà Nẵng sẽ lúng túng vì ngoài Bảo tàng Chàm ra thì có rất ít điểm gọi là “ấn tượng” để giới thiệu. Du lịch Đà Nẵng: Tắm biển xong rồi đi đâu? Bãi biển tuyệt vời, nhưng du lịch đâu chỉ có tắm biển? Du lịch trên sông Hàn? Có đấy! Nhưng tàu du lịch sông Hàn chỉ có thể đi một đoạn ngắn từ cầu Nguyễn Văn Trỗi ra cửa vịnh Đà Nẵng rồi quay lại, chứ không thể đi xa hơn vì không chui được qua gầm cầu. Tàu du lịch Cát Tiên không bị vướng cầu Nguyễn Văn Trỗi thì lại quá nhỏ, thiếu dịch vụ phục vụ. Chợ đêm ư? Cũng có! Nhưng chỉ là đoạn đường ngắn vài chục mét, lèo tèo vài ba gian hàng hoa quả, vài gian hàng bán đồ ăn uống vừa đơn điệu, lại vừa chen chân với... rác.Vào dịp hè suốt dọc bãi biển Đà Nẵng luôn đông nghịt người, nhưng phần lớn là người dân thành phố, sau đó mới là khách từ các khác trong nước đến. Du khách nước ngoài có chăng chỉ tập trung ở khu vực bãi biển trước khách sạn 5 sao Furama. Loại hình du lịch lặn biển tuy đã khởi động từ mấy năm nay nhưng do công tác quảng bá, tiếp thị quá kém nên người Đà Nẵng lẫn du khách vẫn chưa biết làm sao để ngắm những rặng san hô với những đàn cá đủ màu. Thể thao biển bằng môtô nước, cano, câu mực đêm... cũng có và cũng lèo tèo, không gây được hứng thú cho du khách... Thậm chí loại hình "giải trí đặc biệt dành cho người nước ngoài" (tạm gọi là casino) cũng có ở Furama Resort, nhưng cũng trong tình cảnh chung là còn quá nhỏ bé và chẳng mấy ấn tượng!Các điểm du lịch sinh thái vùng núi như Bà Nà, Sơn Trà... cũng thật sự chưa thu hút, lôi cuốn du khách. Đến Bãi Bụt, Bãi Rạn, Bãi Nam… ở bán đảo Sơn Trà toàn thấy “dân ta” là chính. Cũng vậy, thật khó tìm thấy một đoàn khách nước ngoài ở khu nghỉ mát Bà Nà - Suối Mơ. Trước đây, ở Bà Nà có loại hình du lịch thể thao leo núi, trecking nhưng do không có bảo hiểm cho khách, khiến du khách không an tâm nên lần hồi cũng... huỷ luôn. Khu du lịch sinh thái suối Lương được coi là khá nổi đình nổi đám hiện nay thì cũng rất hiếm thấy bóng dáng du khách nước ngoài, nhất là sau khi do sai lầm trong quy hoạch khiến con suối này đã bị hệ thống giao thông thuộc đường hầm Hải Vân chặn mất nguồn nước và trở nên khô cạn.Du lịch Đà Nẵng: Tắm biển xong rồi đi đâu? Mua bức tượng này từ Non Nước về làm quà lưu niệm ư? Không dám đâu! Tìm hàng lưu niệm cũng khó!Sở thích của bất cứ du khách nào, trong nước hay ngoài nước, là mua quà lưu niệm cho người thân, bạn bè mỗi khi đi du lịch. Hàng càng độc đáo, càng mang tính đặc trưng của vùng, miền nơi đến du lịch lại càng hấp dẫn. Cũng không thể không tính tới yếu tố gọn nhẹ, giá cả hợp túi tiến. Từ nước gần ta như Lào đến Singapore, Nhật Bản, Hàn Quốc…, du khách đều dễ dàng mua được những món quà đơn giản mà ý nghĩa, tất nhiên là hầu hết đều gắn với biểu trưng, biểu tượng của quốc gia hay một địa phương nào đó của họ.Đà Nẵng có biểu tượng (logo) từ hơn 2 năm nay, ngoài ra còn núi Ngũ Hành, Bảo tàng Chàm và cả cầu sông Hàn. Nếu làm ra các sản phẩm lưu niệm gắn với những biểu tượng này thì khách đến Đà Nẵng khó lòng bỏ qua chuyện mua về làm quà lưu niệm. Thế nhưng, không chỉ du khách từ nơi xa đến mà kể cả người Đà Nẵng khi muốn tặng quà cho bè bạn ở các nơi cũng khó mà tìm ra một sản phẩm nào đó có mang biểu tượng của TP mình.Hàng lưu niệm của Đà Nẵng lâu nay chủ yếu chỉ là đồ đá mỹ nghệ Non Nước, có thể đẹp đấy, ngắm thì được nhưng mấy ai mua để mang đi xa, trong khi hình thức, kiểu dáng cũng chưa phải là phong phú và ít mang đặc trưng điển hình của Đà Nẵng. Hôm 25/11 vừa qua, Chi nhánh Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tại Đà Nẵng kết hợp với UBND quận Ngũ Hành Sơn đã công bố kết quả cuộc thi sáng tác logo làng đá mỹ nghệ Non Nước và đã chọn được logo cho làng đá nổi tiếng này. Nhưng khi nào logo này chính thức xuất hiện trên các sản phẩm của làng đá mỹ nghệ Non Nước như một sự khẳng định về thương hiệu thì đó vẫn còn là vấn đề thời gian.Cũng trong chuyện mua sắm, Đà Nẵng hiện không có siêu thị miễn thuế, điều thu hút du lịch mua sắm khá mạnh. Kể cả nhu cầu về một con phố du lịch, trên đó không chỉ có chuyện đi bộ mà là một tụ điểm để các quầy bar, cà phê, hàng lưu niệm, ẩm thực đủ hấp dẫn với du khách... tuy đã được ngành du lịch đặt ra từ lâu nhưng đến bây giờ vẫn chưa ngã ngũ. Ngành này thì đề nghị đường Bạch Đằng, Viện kia lại đề nghị đường Hùng Vương! Chính sự xộc xệch này mà nhiệt tình của ngành đề xuất bị giảm nhiều và vì thế không biết đến bao giờ phố đi bộ, hay phố du lịch mới có thể hình thành được ở Đà Nẵng...Nhìn chung, ở Đà Nẵng hầu như loại hình du lịch nào cũng có nhưng chẳng cái nào là hoàn hảo, tiêu biểu và nổi bật. Căn nguyên của việc này, có lẽ là vì Đà Nẵng đã xem du khách chỉ có một loại đối tượng là du lịch nghỉ dưỡng hay du lịch văn hóa nên đầu tư nhiều vào các khách sạn, resort. Và chỉ có vậy! Trong khi đó, theo Tổ chức Du lịch thế giới thì có đến hơn 20 loại hình du lịch khác nhau với những nhu cầu sản phẩm khác nhau, một số trong đó rất dễ hiểu, dễ làm như: du lịch mua sắm, ẩm thực, thám hiểm, giao lưu cộng đồng dân cư bản địa...; cụ thể đối với mỗi loại hình du khách có một số sản phẩm đặc trưng.
 

Các chủ đề có liên quan khác

Top