hotgay_boy90

New Member
Tả con đường quen thuộc từ nhà em đến trường.



Bài làm 1




Từ nhà đến trường ,tui có thể đi men theo rất nhiều ngả đường . Nhưng con đường tui yêu thích, thường đi là con đường Nguyễn Thị Lựu.



Con đường láng nhựa đen bóng, phẳng lì, rộng đủ cho hai chiếc xe ô tô tải đi ngược chiều tránh nhau. Bên trái là nhà dân, mấy hiệu sách, nhiều cửa hàng hai, ba tầng san sát. Bên phải là một số trường học và cơ quan công sở. Vỉa hè khá rộng. Hàng cây xanh tỏa bóng mát, phần lớn là cây mới được trồng sáu, bảy mươi năm nay. Hoa bằng lăng nở tím con đường vào dịp cuối xuân đầu hè.



Trong ánh nắng ban mai, từng tốp học sinh ăn mặc đồng phục, ba lô sách đeo vắt vẻo sau lưng, cổ quàng khăn đỏ, tay nắm tay đi học. Các cô cậu vừa đi vừa nói chuyện, bàn tán xôn xao, cất tiếng cười rúc rích. Mỗi lúc, xe cộ phóng qua một chiều, người đi lại tấp nập, hối hả. Tươi xinh nhất là các nữ sinh trung học : áo dài trắng thướt tha, mái tóc dài bóng mượt, cặp sách xách bên tay, duyên dáng bước đi. Đàn chim sâu trên các tán cây, ngọn cây kêu “lích rích”,hót ríu rít như chào mừng, như giục chúng em rảo bước đến trường.



Phía cuối đường Nguyễn Thị Lựu, chúng em đã nhìn thấy ngôi trường mái ngói tường vôi hiện ra. Từ các nẻo đường, hàng trăm bạn nhỏ nối đuôi nhau đổ về cổng trường. Em cảm giác đông vui như trẩy hội.



Mái trường tuổi thơ, con đường đi học tuổi thơ sao mà thân thuộc và đáng yêu thế? Nguyễn Thị Lựu, cái tên đẹp, con đường đẹp một thời thơ bé với bao mộng đẹp đâu dễ quên? Chân nhẹ bước mà lòng em xôn xao.



Hà Thúc Quỳnh, Lớp 3A

Trường Tiểu học Phủ Lạng – Bắc Giang*





Bài làm 2



Sáng nào cũng vậy, em đi học lúc bảy giờ. Ra khỏi ngõ là em bước đi ung dung trên con đường liên thôn, liên xã tới trường.

Điện đã về làng hơn năm, sáu năm về trước. Mọi con đường lầy lội ngày xưa, nay đã được rải đá, rải nhựa, lát xi măng phẳng lì. Vẻ đẹp của con đường quê là mềm mại, uốn mình theo hàng tre hàng cây, qua dòng kênh, đồng lúa.



Qua khỏi cổng làng , em đi rẽ ngoặt sang chùa Sơn Đồng, bến đò Hậu, có ba cây gạo nở hoa đỏ rực vào cuối xuân như những tháp đèn sừng sững giữa trời xanh. Cỏ hai bên vệ đường đọng sương mai long lanh như hạt ngọc. Đầu cầu Diệc, các bạn nhỏ lố nhố đứng đợi nhau, cất tiếng gọi nhau í ới!



Còn độ ba trăm mét nữa là chúng em đến trường. Thầy Luận, cô Chi, thầy Giáp…đã đi xe đạp, xe máy lướt qua. Hai bên dòng sông Diệc, nước trong xanh là đồng lúa, đồng màu bao la bát ngát. Cảnh quê hương êm đềm , no ấm, thanh bình hiện rõ trên màu xanh của nền trời, màu xanh của đồng lúa và dòng sông. Nhiều hôm đi học, em đã mang theo cánh cò trắng đến lớp.

Em đã nhìn thấy cây bàng, cổng trường, mái ngói đỏ hiện ra. Bạn bè gặp nhau vồn vã , ôm nhau, nắm tay nhau, vui quá. Trong ánh mắt của bạn bè , em cảm giác đứa nào cũng mang theo bao niềm vui đến trường ,đến lớp.

Tiếng trống trường dội lên ngân vang , kéo dài.



Con đường đi học của em là con đường xanh, con đường quê, qua cổng chùa, bến đò, cầu Diệc…Rất bình dị, thân thuộc và đáng yêu lắm.



Nguyễn Đăng Quế , Lớp 3B

Trường Tiểu học Yên Định – Thanh Hóa*





Bài làm 3



Trường em ở cuối dốc Quan, nằm ở dưới chân đồi Ngọc. Sau đồi Ngọc là rừng thông xanh biếc bao la.

Từ nhà đến trường , em chỉ đi qua ba đoạn đường ngắn, non cây số . Có nhiều bạn được bố mẹ đèo xe đạp, chở xe máy đưa đến trường. Em thì đi bộ, em cho rằng, đi học như em mới thích.



Con đường quê đã được xi măng hóa phẳng lì, không còn cảnh phải lội bùn khi trời mưa như bốn năm về trước . Mỗi đoạn đường có một cảnh đẹp. Qua đình là nhìn thấy hồ sen, thấy cây gạo nở hoa đỏ rực trong mùa hè. Đoạn thứ hai đi qua chùa Cầu có dòng kênh xanh xanh, máy bơm nước phun trắng xóa lên cánh đồng màu . Đoạn thứ ba qua cầu Bèo là đã nhìn thấy mái trường ngói son tường vôi hiện lên. Bãi cỏ bên cầu Bèo có nhiều trâu bò gặm cỏ, có đàn sáo đen mỏ vàng đậu trên lưng trâu, là nơi chúng em vẫn đá bóng , thả diều.



Chúng em khoác vai nhau, chuyện trò râm ran, từng tốp ba, bốn đứa nối đuôi nhau đi học. Con đường đi học của chúng em có bướm vàng cò trắng nữa đấy. Đẹp quá con đường đi học của tuổi thơ.



Nguyễn Tùng Anh, Lớp 3A

Trường Tiểu học Yên Dũng – Bắc Giang*


 

Các chủ đề có liên quan khác

Top