leopuzz

New Member
Bút pháp ước lệ của Nguyễn Du

(Qua cảnh Thúy Kiều đưa tiễn Thúc Sinh)




Ước lệ được xem là một đặc điểm thi pháp của văn học trung đại. Trong "Truyện Kiều", Nguyễn Du sử dụng khá nhiều bút pháp ước lệ. Có điều nhà thơ sử dụng một cách hết sức linh hoạt, sáng tạo nên tránh được sáo mòn, nhàm chán. Không những thế bút pháp ước lệ của Nguyễn Du còn góp phần diễn tả một cách tinh tế, sâu sắc tâm trạng nhân vật.



Điều đó được thể hiện rất rõ qua cảnh Thuý Kiều đưa tiễn Thúc Sinh về tự thú với Hoạn Thư.



Thường thường khi chia tay, người ta hay nắm lấy áo nhau tỏ tình quyến luyến, bịn rịn. Níu áo dần trở thành một cách nói quen thuộc: "Chàng ơi buông áo em ra/ Để em đi chợ kẻo mà chợ trưa" (Ca dao). Trong buổi tiễn đưa, Kiều cũng níu áo chàng Thúc. Cho đến lúc chàng lên ngựa, nàng mới chịu "chia bào" (buông áo). Theo logic bình thường, người này có buông áo, người kia mới được lên ngược. Ở đây, Nguyễn Du cố ý sắp xếp ngược lại: "Người lên ngựa, kẻ chia bào". Theo tôi, đây là một chi tiết cần được quan tâm. Bởi vì qua cái chi tiết ngỡ như phi logic này, Nguyễn Du không chỉ thể hiện nỗi vấn vương, lưu luyến mà còn thể hiện tâm trạng đầy e sợ của Kiều. Nàng cố níu giữ Thúc Sinh cho đến giây phút cuối cùng. Kiều khuyên Thúc Sinh về tự thú với Hoạn Thư là mong muốn cuộc sống yên ổn lâu dài. Nhưng trong nửa năm chung sống, qua chàng Thúc, nàng đã biết ít nhiều về Hoạn Thư. Riêng cái uy con gái Thượng thư Bộ lại của Hoạn Thư cũng đã đủ cho Thuý Kiều e ngại. Nàng lo sợ mất chàng, mất cái chỗ dựa duy nhất giữa chốn "nước non quê người", nàng lại sẽ rơi vào cảnh bơ vơ chân trời góc bể. Vì vậy, nàng cố níu giữ chàng ngay cả khi chàng đã lên ngựa. Bằng một chi tiết có tính ước lệ, Nguyễn Du đã phần nào diễn tả được cái tâm trạng ngổn ngang trăm mối của nàng Kiều.



Rừng phong thu lúc chớm thu lá dần ngả sang màu đỏ được nhắc đến khá nhiều trong thơ cổ điển Trung Hoa. Cái màu đỏ của lá phong thu có tính ước lệ này qua tay thiên tài Nguyễn Du đã biến thành “màu quan san” - gợi sự xa xôi, cách trở. Phải thật hiểu tâm trạng bất an của Kiều khi chia tay Thúc Sinh, Nguyễn Du mới sáng tạo ra cái “màu quan san” độc đáo ấy. Nghĩa là lá phong đang ngả dần sang màu đỏ. Kiều đưa tiễn Thúc Sinh lúc mới sang thu. Nhưng "nhuốm màu quan san" lại rất phù hợp với tâm trạng lo lắng, bất an của nàng Kiều lúc này. Chỉ thay một dấu từ "nhuộm" sang "nhuốm" mà cái "màu quan san" càng thêm xa xôi, cách trở. Đây cũng là một dụng ý nghệ thuật của Nguyễn Du chăng?



Thúc Sinh đi rồi, Kiều cứ đứng nhìn theo mãi: "Dặm hồng bụi cuốn chinh an/ Trông người đã khuất mấy ngàn dâu xanh". Thường khi tả đoàn quân xuất trận mới có cảnh "dặm hồng bụi cuốn". Trong Binh xa hành của Đỗ Phủ, cùng với tiếng ngựa phi là cảnh cát bụi bay ngút trời. Người chinh phụ trong Chinh phụ ngâm : "Thét roi cầu Vị ào ào gió thu". "Bụi cuốn” nghĩa là bụi mù trời, gió ào ào… Nguyễn Du tả cảnh Thúc Sinh về Vô Tích gặp Hoạn Thư chẳng khác gì đi ra chiến trận. Theo logic bình thường thì không thật đúng. Nửa năm ăn ở với người đẹp, giờ phải chia tay, chàng Thúc chắc bịn rịn lắm. Nếu có phi thì chàng cũng chỉ phi nước kiệu thôi. Làm gì có chuyện "bụi cuốn" mù trời như thế. Ngay cả khi chia tay Hoạn Thư, vừa lên ngựa chàng đã: "thẳng ruổi nước non quê người ", vẫn không thấy Nguyễn Du miêu tả một tý bụi nào. Cho dù thẳng ruổi là phi rất nhanh, phi theo kiểu nước đại để mau về gặp lại nàng Kiều. Với tâm trạng rất háo hức, Thúc Sinh nhìn cái gì cũng đẹp: "Long lanh đáy nước in trời/ Thành xây khói biếc non phơi bóng vàng". Phi nước đại như thế thì không có một tý bụi nào. Còn "phi nước kiệu lại "dặm hồng bụi cuốn"? Đây chính là cảnh được nhìn qua tâm trạng đầy lo âu của nàng Kiều: chàng Thúc như đang đi vào nơi đầy gió bụi, chẳng khác gì ra trận. Bởi vì chàng sắp chiến đấu với Hoạn Thư - một cuộc chiến đấu không cân sức giữa anh chồng non gan và bà vợ vừa đầy uy lực, vừa đầy mưu ma, chước quỷ làm sao mà Kiều có thể yên tâm được. Một lần nữa ta hiểu thêm dụng ý nghệ thuật của Nguyễn Du qua một chi tiết tưởng như hết sức bình thường.



Sau khi tiễn đưa Thúc Sinh: "Người về chiếc bóng năm canh/ Kẻ đi muôn dặm một mình xa xôi", Kiều ngẩng lên trời và hoảng hốt: "Vầng trăng ai xẻ làm đôi…". Vầng trăng đầu tháng cũng được nhìn qua tâm trạng của nàng Kiều. Nàng đang linh cảm về một sự chia lìa, một sự "tan đàn xẻ nghé". Ca dao cũng có câu tương tự: "Vầng trăng ai xẻ làm đôi/ Đường trần ai vẽ ngược xuôi hỡi chàng?". Sau này thi sĩ Hàn Mặc Tử cũng đau đớn thốt lên: "Đêm nay còn nửa trăng thôi/ Một nửa trăng ai cắn vỡ rồi/ Ta nhớ người xa thương đứt ruột/ Gió làm nên tội buổi chia phôi" (Một nửa trăng). Nhưng theo tôi, hai câu của Nguyễn Du mang nhiều tầng nghĩa hơn. Bởi vì trăng của Nguyễn Du dù có bị xẻ làm đôi nhưng không chịu chia lìa: "Nửa in gối chiếc, nửa soi dặm trường". Phải chăng, nhà thơ mượn hai nửa vầng trăng để bày tỏ niềm cảm thông sâu sắc của mình trước cảnh chia ly của Thúc Sinh - Thuý Kiều? Và phải chăng đó cũng là mong muốn của Kiều. Kiều nhờ một nửa trăng giúp chàng Thúc thấu hiểu tâm trạng lẻ loi cô đơn của mình, một nửa kia nàng muốn trăng thay nàng soi đường cho chàng? Qua tưởng tượng của Kiều, con đường Thúc Sinh đang đi đầy gió, đầy bụi, đầy chông gai hiểm trở. Thúc Sinh thì đơn thương độc mã, ước gì nàng có thể ở bên cạnh chàng…



Rõ ràng bằng những chi tiết, những hình ảnh có tính ước lệ hết sức quen thuộc, Nguyễn Du đã biến hoá, đã nhào nặn trở thành những chi tiết nghệ thuật hết sức mới lạ, độc đáo. Nếu cứ theo logic bình thường ta tha hồ bắt bẻ nhà thơ. Song sáng tạo nghệ thuật có quy luật riêng của nó. Cái tưởng như phi lý lại rất có lý nếu ta hiểu được dụng ý tác giả. Lạ hoá bút pháp ước lệ là một trong những biệt tài của Nguyễn Du. Càng đọc, càng nghiền ngẫm Truyện Kiều, chúng ta càng khám phá nhiều điều mới mẻ trong thế giới nghệ thuật đa dạng của ông.



(Theo Văn học và Tuổi trẻ)
 

phamhoanghai_vn

New Member
Sau khi ra khỏi lầu xanh lần thứ nhất và được đoàn tụ với Thúc Sinh, Thúy Kiều được sống trong những ngày tháng ấm êm, hương lửa thêm nồng. Tuy nhiên, nàng vẫn sợ vợ cả của Thúc Sinh là Hoạn Thư nên đã giục chàng về thưa lại với Hoạn Thư để nàng xin làm lẽ. Với Kiều, đây là chuyến đi đầy lưu luyến và tràn trề niềm tin hi vọng:



"Chén đưa nhớ bữa hôm nay,



Chén mừng xin đợi ngày rày năm sau…"



Đây là đoạn trích miêu tả thành công những xúc cảm, nỗi mừng lo lẫn lộn, và vượt lên trên tất cả là nỗi niềm của một tâm hồn chất chứa những mâu thuẫn. Qua những biện pháp tu từ nghệ thuật, Nguyễn Du đã vẽ nên bức tranh phong cảnh nên thơ và bộc lộ tâm sự của người đi kẻ ở trong buổi tiễn biệt.



Cuộc chia tay được diễn tả trong 8 câu thơ, được chia thành 2 phần. Bốn câu đầu phác họa nên bức tranh thiên nhiên lúc chia tay, bốn câu sau là tâm sự của mỗi người khi tiễn biệt. Khung cảnh biệt ly, thấm đẫm nỗi buồn da diết có sức khái quát cao: "Rừng phong, thu đã nhuốm màu quan san. Dặm hồng bụi cuốn chinh an, trông người đã khuất mấy ngàn dâu xanh...". Không gian dường như thay đổi liên tục, từ cánh rừng phong đỏ thẫm, sang con đường thiên lý mà Thúc Sinh đang ruổi ngựa nơi cuối trời. Cả một màu quan tái đã hiện dần lên trong đôi mắt nàng Kiều, những cụm từ quan san, dặm hồng, rừng phong đã tạo nên ấn tượng chia ly, buồn nhưng vẫn mang sắc thái trang trọng. Đặc biệt trong 4 câu thơ này, sự xuất hiện của các từ ngữ Hán Việt đã mang lại sắc thái tu từ cho một cảnh chia ly trang trọng đầy nhung nhớ. Ngoài ra, ở những câu thơ này, tác giả còn sử dụng những thủ pháp như: hoán dụ, đảo ngữ, tượng trưng… góp phần nhấn mạnh những thuộc tính khá đặc biệt của đối tượng.



"Người lên ngựa, kẻ chia bào,



Rừng phong, thu đã nhuốm màu quan san".



Thúy Kiều buông vạt áo cũng là buông khỏi Thúc Sinh, chia bào là một hoán dụ cũng như chiếc yên ngựa của người đi xa, nó dùng để chỉ con ngựa nhưng cũng là ám chỉ người đi xa. Và cuộc ra đi này là một cuộc ra đi định mệnh, nó đã đưa cuộc đời Kiều đi sang một chặng đường mới, khổ đau, tủi nhục, ê chề. Ở một trường hợp khác, nhà thơ đã vận dụng biện pháp định danh "màu quan san" câu thơ "Rừng phong, thu đã nhuốm màu quan san" để nhấn mạnh cái cảm giác nhỏ bé, đơn độc của con người, sự mênh mông của nỗi buồn man mác trước không gian bao la, rộng lớn.



Tác giả đã dụng công miêu tả ngắn gọn nhưng thấm tình, không một lời nói, một cuộc chia ly hoàn toàn câm lặng nhưng chất chứa trong nó những hy vọng tràn trề nhưng cũng rất tâm trạng. Bốn câu thơ sau là cuộc sống đơn lẻ của mỗi người, nàng thì mòn mỏi trông mong, thao thức suốt đêm khuya, còn chàng thì một mình rong ruổi nơi dặm trường. Nghệ thuật tương phản với những cặp đối lập và được biểu hiện qua hình thức tiểu đối như người về - kẻ đi, chiếc bóng - năm canh, muôn dặm - một mình… đã tô đậm sự cách biệt giữa hai người và dường như nó cũng báo hiệu một sự cách xa mãi mãi. Riêng ở câu thơ:



"Vầng trăng ai xẻ làm đôi?



Nửa in gối chiếc, nửa soi dặm trường!"



Nguyễn Du đã vận dụng thủ pháp ẩn dụ một cách đắc địa. Vầng trăng ai xẻ ẩn dụ cho cuộc sống lứa đôi hạnh phúc bị chia loan rẽ phụng. Gối chiếc là ẩn dụ về sự cô đơn của Kiều, dặm trường là hình ảnh con đường thiên lý xa xăm.



Ngoài ra, ở câu thơ này, tác giả Truyện Kiều còn sử dụng thủ pháp ngoa dụ hay cường điệu, thậm xưng phóng đại để nhấn mạnh những thuộc tính của hoàn cảnh, tình cảnh nhằm bộc lộ nỗi đau đớn, xót xa của cuộc chia ly.



Có thể nói, cùng với thủ pháp ẩn dụ, ngoa dụ, dùng từ Hán Việt thì thủ pháp nhân cách hóa, sóng đôi cú pháp… cũng góp phần làm nên thành công của đoạn trích. Thông qua những biện pháp tu từ này, tác giả không những tái hiện được bức tranh phong cảnh lúc chia ly với những chất chứa khôn tả của người đi kẻ ở mà nhà thơ còn có thể diễn tả được thời gian đằng đẵng lẻ loi cô độc của người thiếu phụ trong một không gian thu buồn bã quá trống trải. Đoạn trích dường như đã mang lại cho người đọc cảm giác bâng khuâng đậm một nỗi buồn trước cuộc chia ly định mệnh.



*

Hạ Liên (Khoa Ngữ văn, Đại học Quy Nhơn)
 
Các chủ đề có liên quan khác
Tạo bởi Tiêu đề Blog Lượt trả lời Ngày
A Những nhân tố thúc đẩy, cản trở và phát sinh trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hoá nền kinh Luận văn Sư phạm 0
C $b Thúc đẩy kỹ năng đọc hiểu cho học sinh lớp 10 trường THPT Thạch Thành 3 thông qua việc điều chỉnh Ngoại ngữ 0
C Việc sử dụng trò chơi ngôn ngữ nhằm tạo động lực thúc đẩy học sinh lớp 10 học viết tại trường Trung Ngoại ngữ 0
A Sử dụng hoạt động khoảng trống thông tin để thúc đẩy động lực học và sự tham gia của sinh viên trong Ngoại ngữ 0
N Sử dụng các đoạn phim tiếng Anh theo ngữ cảnh nhằm thúc đẩy học sinh trong các giờ học nói : Một ngh Ngoại ngữ 0
H Trong trường hợp không có sự kiện nào phát sinh sau ngày kết thúc kỳ kế toán năm cần có thuyết minh Hỏi đáp Thuế & Kế toán 1
V Lãi vay phát sinh của khoản vay vốn có được vốn hóa vào giá trị tài sản hình thành sau khi kết thúc Hỏi đáp Thuế & Kế toán 1
T Tìm hiểu nhận thúc của học sinh trường PTTH Tây Thuỵ Anh, huyện Thái Thuỵ, tỉnh Thái Bình về HIV/AID Tài liệu chưa phân loại 0
G [Free] Đề tài Quản lý, xây dựng, thúc đẩy phong trào bồi dưỡng học sinh giỏi nhằm nâng cao số lượng, Tài liệu chưa phân loại 0
D Những giải pháp thúc đẩy phát triển nghành du lịch Ninh Bình Văn hóa, Xã hội 0

Các chủ đề có liên quan khác

Top