daigai

Well-Known Member
Link tải luận văn miễn phí cho ae Kết Nối
HƯỚNG DẪN THIẾT KẾ ĐỒ ÁN CHUẨN BỊ KỸ THUẬT KHU ĐẤT XÂY DỰNG
HƯỚNG DẪN THIẾT KẾ
ĐỒ ÁN CHUẨN BỊ KỸ THUẬT KHU ĐẤT XÂY DỰNG













Hà Nội 2009


Lời nói đầu
Để kip thời phục vụ cho công tác đào tạo hướng dẫn sinh viên, cán bộ thiết kế chuyên ngành kỹ thuật hạ tầng đô thị, PGS.TS. Trần Thị Hường (chủ trì) cùng cán bộ giảng dạy bộ môn Chuẩn bị kỹ thuật đất xây dựng trường Đại học Kiến Trúc Hà Nội đã biên soạn tài liệu này. Sách giới thiệu những nội dung cơ bản của công tác chuẩn bị kỹ thuật khu đất xây dựng, đặc biệt hướng dẫn kỹ nội dung đánh giá đất đai xây dựng. Thiết kế quy hoạch chiều cao nền khu đất xây dựng theo giai đoạn quy hoạch chung và quy hoạch chi tiết trong đồ án quy hoạch xây dựng đô thị.
Đây là tài liệu hướng dẫn đồ án thiết kế chuẩn bị kỹ thuật đất xây dựng cho sinh viên, đồng thời còn làm tài liệu tham khảo cần thiết cho các cán bộ thiết kế và những người quan tâm đến lĩnh vực này. Sách gồm 4 chương được phân công biên soạn:
- PGS.TS. Trần Thị Hường (chủ biên), chương 1 (1.1; 1.4; 1.5), chương 2.
- PGS.TS. Phạm Trọng Mạnh biên soạn mục 1.2; 1.3 (chương1)
- ThS. Vũ Hoàng Điệp biên soạn chương mở đầu.
- ThS. Nguyễn Trung Kiên biên soạn chương 3 (các ví dụ).
Trong quá trình biên soạn tài liệu, nhóm tác giả đã nhận được những ý kiến đóng góp của các chuyên gia, các đồng nghiệp trong và ngoài trường. Tuy nhiên, sách không thể tránh khỏi những thiếu sót. Chúng tui mong nhận được những ý kiến đóng góp của bạn đọc. Mọi ý kiến đóng góp xin gửi về bộ môn Chuẩn bị kỹ thuật đất xây dựng, khoa Kỹ thuật hạ tầng và môi trường Đô thị, Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội.
Nhóm tác giả.


MỤC LỤC
Lời mở đầu 2
Chương mở đầu 5
1. Nội dung cơ bản của công tác chuẩn bị kỹ thuật khu đất xây dựng 5
2. Các giai đoạn thiết kế CBKT 6
3. Mục tiêu chung của đồ án CBKT 7
4. Các yêu cầu đối với đồ án môn học CBKT 8
5. Nội dung của đồ án CBKT 8
Chương I - Đồ án CBKT1–Quy hoạch chung CBKT tỷ lệ 1/5000-1/10000 9
I.1. Nhiệm vụ của đồ án 9
I.1.1. Mục tiêu của đồ án CBKT1 9
I.1.2. Nhiệm vụ của đồ án CBKT1 9
I.1.3. Yêu cầu thuyết minh, bản vẽ 10
I.2. Đánh giá đất đai và lựa chọn đất xây dựng đô thị 12
I.2.1. Tài liệu cơ sở cần có để thiết kế 12
I.2.2. Trình tự, nội dung và phương pháp đánh giá đất XD 14
I.2.3. Thể hiện bản đồ đánh giá đất XD 21
I.2.4. Lựa chọn đất xây dựng theo điều kiện tự nhiên 21
I.3. Nghiên cứu các biện pháp CBKT khu đất xây dựng 22
I.3.1. Phân tích đánh giá tổng hợp những khó khăn về ĐKTN khu vực 22
I.3.2. Đề xuất các biện pháp CBKT cho khu đất xây dựng 22
I.4. Thiết kế QHC chiều cao nền khu đất xây dựng 25
I.4.1. Tài liệu cơ sở cần có để thiết kế 25
I.4.2. Trình tự, nội dung và phương pháp thiết kế QHCC 26
I.4.3. Xác định cao độ xây dựng 33
I.4.4. Lập bản đồ QHCT chiều cao nền khu đất XD 43
I.4.5. Ước tính khối lượng đất điều phối đất và khái toán kinh phí 46
I.5. Đánh giá phương án thiết kế và kiến nghị 47

Chương II - Đồ án CBKT2 - QHCT chiều cao nền khu đất XD 48
II.1. Nhiệm vụ đồ án CBKT2 48
II.1.1. Mục tiêu của đồ án CBKT2 48
II.1.2. Nhiệm vụ của đồ án CBKT2 48
II.1.3. Yêu cầu thuyết minh, bản vẽ 49
II.2.Thiết kế quy hoạch chi tiết chiều cao nền khu đất xây dựng 50
A. Quy hoạch chi tiết chiều cao nền khu đất xây dựng (tỷ lệ 1/2000) 50
II.2.1. Tài liệu bản đồ cần có để thiết kế 50
II.2.2. Trình tự, nội dung và phương pháp thiết kế quy hoạch
chiều cao nền khu đất xây dựng (tỷ lệ 1/2000) 50
B. Quy hoạch chi tiết chiều cao nền khu đất xây dựng (tỷ lệ 1/500) 54
II.2.1. Tài liệu bản đồ cần có để thiết kế 54
II.2.2. Trình tự, nội dung và phương pháp thiết kế quy hoạch
chiều cao nền khu đất xây dựng (tỷ lệ 1/500) 55
II.2.3. Thiết kế quy hoạch chi tiết chiều cao nền khu đất xây dựng 59
II.2.4. Tính toán khối lượng đất, điều phối đất 87
II.2.5. Dự toán kinh phí thi công nền 96
II.3. Thiết kế chi tiết các công trình kỹ thuật (tường chắn, mái taluy) 98
II.3.1. Thiết kế mái taluy 98
II.3.2. Thiết kế tường chắn 99
II.4. Đánh giá phương án thiết kế và kiến nghị 101
Chương III – Ví dụ minh hoạ 102
Tài liệu tham khảo 118
Phụ lục 119



Chương Mở đầu
1. NỘI DUNG CƠ BẢN CỦA CÔNG TÁC CHUẨN BỊ KỸ THUẬT KHU ĐẤT XÂY DỰNG
Trong thực tế, khi xây dựng đô thị rất khó tìm được một địa điểm có sẵn hoàn hảo về điều kiện tự nhiên cũng như các điều kiện khác đáp ứng ngay yêu cầu quy hoạch xây dựng đô thị. Vì vậy người ta phải tiến hành những biện pháp kỹ thuật cần thiết để cải tạo điều kiện tự nhiên của khu đất nhằm thoả mãn yêu cầu quy hoạch xây dựng đô thị. Những biện pháp kỹ thuật về sử dụng và cải tạo điều kiện tự nhiên của khu đất vào mục đích quy hoạch xây dựng đô thị được gọi là chuẩn bị kỹ thuật khu đất xây dựng đô thị.
Đây là một trong những nhiệm vụ quan trọng không thể thiếu được trong công tác quy hoạch đô thị. Nó được tiến hành trước khi xây dựng công trình.
Nội dung cơ bản của công tác CBKT khu đất xây dựng đô thị là:
- Đánh giá đất đai, lựa chọn đất xây dựng (theo điều kiện tự nhiên)
- Quy hoạch chiều cao nền khu đất xây dựng.
- Thoát nước mặt.
- Hạ nước ngầm.
- Bảo vệ khu đất xây dựng khỏi bị ngập lụt.
- Gia cố, hoàn thiện dải bờ sông, bờ hồ và các mái dốc, tường chắn....
- Những biện pháp chuẩn bị kỹ thuật đặc biệt khác, bao gồm phòng chống trượt, mương xói, hốc ngầm, dòng bùn đá; giảm nhẹ các tác động của thiên tai lũ quét, bão, động đất.....
Tuỳ theo tính chất và những đặc trưng riêng của khu đất mà các biện pháp chuẩn bị kỹ thuật có thể chia 2 nhóm như sau:
* Những biện pháp CBKT chung bao gồm đánh giá đất và thoát nước mặt. Trên tất cả mọi khu đất với các chức năng khác nhau, điều kiện tự nhiên khác nhau, đều bắt buộc phải tiến hành đánh giá đất đai, quy hoạch chiều cao nền khu đất xây dựng và thoát nước mặt.
* Những biện pháp CBKT riêng biệt bao gồm tất cả những biện pháp CBKT còn lại. Tuỳ theo mức độ phức tạp khác nhau của từng khu đất mà tiến hành những biện pháp kỹ thuật khác nhau. Tuy vậy, công tác CBKT không thể xen là riêng lẻ, tách biệt mà phải nghiên cứu toàn diện, triệt để (vì các biện pháp đó có liên quan và phụ thuộc lẫn nhau).
2. CÁC GIAI ĐOẠN THIẾT KẾ CBKT
Thực hiện đồ án CBKT khu đất xây dựng là một trong những nội dung quy hoạch hệ thống kỹ thuật hạ tầng đô thị, là một bộ phận trong toàn bộ nội dung quy hoạch xây dựng. Nó được tiến hành nghiên cứu đồng thời ở tất cả các giai đoạn quy hoạch xây dựng (quy hoạch xây dựng vùng, quy hoạch chung xây dựng đô thị và quy hoạch chi tiết xây dựng đô thị).
- Giai đoạn quy hoạch xây dựng vùng: Nhiệm vụ CBKT được thực hiện trên bản đồ tỷ lệ 1/25000 ~ 1/250000 với các nội dung chủ yếu là: đánh giá đất đai xây dựng, lập sơ đồ tổng hợp các biện pháp CBKT bảo vệ khu đất phòng tránh các điều kiện tự nhiên bất lợi (lũ lụt, úng ngập, xói lở, trượt, lún sụt, bùn đá.....). Cụ thể trong giai đoạn này phải thực hiện:
* Đánh giá đất xây dựng.
* Phân tích, đánh giá và xác định rõ các vùng có nguy cơ chịu ảnh hưởng của thiên tai và đề xuất các giải pháp phòng tránh, giảm thiểu tác hại của thiên tai;
* Xác định cao độ xây dựng cho các đô thị trong vùng, hệ thống đê chính;
* Xác định giải pháp thoát nước mưa mang tính chất vùng cho hệ thống sông suối chính, các lưu vực thoát nước chính, các công trình tiêu thủy đầu mối.
- Giai đoạn quy hoạch chung xây dựng đô thị: Nhiệm vụ CBKT được thực hiện trên bản đồ tỷ lệ 1/5.000 ~ 1/25.000, riêng đối với các đô thị loại V có thể thực hiện ở bản đồ tỷ lệ 1/2000 với các nội dung và yêu cầu sau:
* Đánh giá, xác định được các loại đất theo điều kiện tự nhiên thuận lợi, ít thuận lợi, không thuận lợi, cấm xây dựng hay hạn chế xây dựng;
* Xác định cốt (cao độ) xây dựng khống chế của từng khu vực, toàn đô thị và các trục giao thông chính đô thị, dự kiến giải pháp quy hoạch chiều cao nền xây dựng (theo hướng dốc, theo cấp nền – khi địa hình dốc lớn) và chỉ rõ khu vực cần tôn (đắp) hay hạ (đào) hay giữ nguyên không san lấp nền; dự báo khối lượng đất san nền; dự kiến nguồn đất đắp và khu vực đổ đất dư thừa;
* Xác định rõ các lưu vực và hệ thống cống thoát nước mưa chính, các hồ điều hoà dự kiến xây dựng, các công trình đầu mối trong hệ thống thoát nước mưa;
* Đề xuất các giải pháp phòng tránh và giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai (lũ, lũ quét, bão, sóng thần, triều cường......)
- Giai đoạn quy hoạch chi tiết xây dựng đô thị: Nhiệm vụ CBKT được thực hiện trên bản đồ tỷ lệ 1/500 ~ 1/2000 với các nội dung và yêu cầu sau:
Đối với quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/2000
* Quy hoạch chiều cao: phải bảo đảm khớp nối cao độ giữa các khu vực có liên quan (đường, nền công trình) và đáp ứng nhu cầu xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật và xây dựng đô thị chỉ rõ cao độ tại các điểm giao cắt đường và tại các điểm đặc biệt; quy hoạch chiều cao nền các bộ phận chức năng (độ dốc, hướng dốc và cao độ của đường, hè, nền công trình xây dựng); xác định vị trí đào đắp đất với các thông số (về khối lượng, độ cao thi công trung bình, diện tích đào - đắp).
* Hệ thống thoát nước mưa: Thiết kế mạng lưới đường cống với đầy đủ các thông số kỹ thuật (kích thước và độ dốc, vận tốc, hướng thoát, cao độ điểm đầu và điểm cuối của các đoạn cống, miệng xả); làm rõ các thông số kỹ thuật và vị trí của các hồ điều hoà dự kiến và các trạm bơm đầu mối hay cục bộ (giữ lại hay xây dựng mới với công suất bao nhiêu);
* Các công tác chuẩn bị kỹ thuật khác: xác định rõ các vị trí cần kè, ổn định nền và các tuyến đê chống lũ.
Đối với quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500
*Quy hoạch chiều cao: như quy định đối với quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/2000 và tuỳ theo địa hình nghiên cứu phải thể hiện giải pháp quy hoạch chiều cao nền bằng “đường đồng mức thiết kế”; vị trí, mặt cắt các mái dốc (ta luy), tường chắn.
* Hệ thống thoát nước mưa: Ngoài những yêu cầu như đối với quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/2000, phải xác định rõ vị trí các ga thu nước, giếng kỹ thuật, cửa xả,....
3. MỤC TIÊU CHUNG CỦA ĐỒ ÁN MÔN HỌC CBKT
Đồ án CBKT nhằm các mục tiêu:
- Giúp sinh viên hệ thống toàn bộ kiến thức phần lý thuyết của môn học để vận dụng nghiên cứu, thiết kế CBKT khu đất xây đựng (1 thành phố,1 thị xã, thị trấn, 1 khu công nghiệp hay 1 điểm dân cư) với những số liệu thực tế về điều kiện tự nhiên, hiện trạng và các dữ liệu về quy hoạch không gian và sử dụng đất.
- Giúp sinh viên nắm vững trình tự, nội dung, phương pháp thực hiện Đồ án CBKT, rèn luyện khả năng nghiên cứu, thiết kế và thể hiện ý đồ thiết kế CBKT.
4. CÁC YÊU CẦU ĐỐI VỚI ĐỒ ÁN MÔN HỌC CBKT
a. Các yêu cầu chung
- Hoàn thành đúng tiến độ thời gian và các yêu cầu của nội dung đồ án.
- Áp dụng các phương pháp tính toán, tiêu chuẩn quy phạm thiết kế hiện hành và thể hiện đồ án đạt chất lượng tốt nhất về nội dung và hình thức.
b. Yêu cầu cụ thể đối với thuyết minh và bản vẽ
Yêu cầu thuyết minh và bản vẽ của mỗi đồ án (CBKT 1 và CBKT 2) được nêu ở mục I.1.3 (Chương 1) và mục II.1.3 (chương 2) trong cuốn sách này.
5. NỘI DUNG CỦA ĐỒ ÁN MÔN HỌC CBKT
Trong chương trình đào tạo ngành kỹ thuật hạ tầng đô thị (105), môn học CBKT có 2 đồ án: đồ án CBKT 1 và CBKT 2.
- Đồ án CBKT1 (30 tiết) Quy hoạch chuẩn bị kỹ thuật trong quy hoạch chung xây dựng đô thị với một số nội dung:
* Đánh giá đất đai, lựa chọn đất xây dựng đô thị theo điều kiện tự nhiên (tỷ lệ 1/5000 ~ 1/10000).
* Nghiên cứu định hướng các biện pháp CBKT cho khu đất xây dựng.
* Quy hoạch chung chiều cao nền khu đất xây dựng (tỷ lệ 1/5000~1/10000).
- Đồ án CBKT2 (30 tiết) với nội dung: Quy hoạch chi tiết chiều cao nền khu đất xây dựng (tỷ lệ 1/500~1/2000).
Riêng nội dung thoát nước mưa đô thị sẽ trình bày trong cuốn sách “Hướng dẫn thiết kế đồ án thoát nước đô thị” cũng do bộ môn biên soạn.


Chương I
QUY HOẠCH CHUNG CBKT KHU ĐẤT XÂY DỰNG
TỶ LỆ 1/5000 – 1/10000 (ĐỒ ÁN CBKT1)
I.1. NHIỆM VỤ CỦA ĐỒ ÁN CBKT1.
I.1.1. Mục tiêu của đồ án CBKT1.
Đồ án CBKT1 nhằm mục tiêu:
- Giúp sinh viên hệ thống toàn bộ kiến thức lý thuyết của môn học để vận dụng nghiên cứu, thiết kế CBKT khu đất xây dựng ở giai đoạn quy hoạch chung xây dựng đô thị.
- Giúp sinh viên nắm vững nội dung, trình tự, phương pháp thực hiện đồ án CBKT ở giai đoạn quy hoạch chung xây dựng đô thị, đồng thời rèn luyện kỹ năng nghiên cứu, thiết kế và thể hiện ý đồ thiết kế CBKT.
I.1.2. Nhiệm vụ của đồ án CBKT1.
Đồ án CBKT1 gồm các nhiệm vụ sau:
- Đánh giá đất đai và lựa chọn đất xây dựng đô thị (theo điều kiện tự nhiên).
- Nghiên cứu (định hướng) các biện pháp CBKT khu đất xây dựng đô thị.
- Thiết kế quy hoạch chung chiều cao nền khu đất xây dựng đô thị.
Theo Khoản 1, điều 17, Nghị định của Chính phủ về quy hoạch xây dựng (số 08/2005/NĐ-CP) thì quy hoạch chung xây dựng đô thị được thực hiện trên bản đồ tỷ lệ 1/5000 ÷ 1/25000. Cụ thể:
* Đối với đô thị loại đặc biệt, loại I: 1/25000 ÷ 1/10000
* Đối với đô thị loại II và loại III: 1/10000.
* Đối với đô thị loại IV: 1/10000 ÷ 1/5000.
Riêng đối với đô thị loại V thực hiện ở tỷ lệ 1/2000. Tuy nhiên, trong phạm vi đồ án môn học, bộ môn yêu cầu sinh viên thực hiện đồ án CBKT1 (QHC) ở tỷ lệ 1/5000 ~ 1/10000.

I.1.3. Yêu cầu đối với thuyết minh và bản vẽ:
a. Yêu cầu đối với thuyết minh
Mở đầu: *Nêu sự cần thiết phải thiết kế CBKT cho khu đất xây dựng (thành phố, thị xã/thị trấn, khu công nghiệp, khu dân cư);
* Nhiệm vụ và căn cứ thiết kế CBKT khu đất xây dựng.
Chương 1 - Đặc điểm tự nhiên và hiện trạng khu vực nghiên cứu.
1.1. Đặc điểm tự nhiên
1.1.1. Vị trí địa lý
1.1.2. Điều kiện khí hậu – khí tượng
1.1.3. Điều kiện địa hình
1.1.4. Điều kiện địa chất công trình, địa chất thuỷ văn và điều kiện địa chấn
1.1.5. Điều kiện thuỷ văn, hải văn.
1.2. Đặc điểm hiện trạng
1.2.1. Giới thiệu chung về hiện trạng đô thị
1.2.2. Tính chất, quy mô dân số và diện tích
1.2.3. Đặc điểm về kinh tế - xã hội (tóm tắt)
1.2.4. Hiện trạng sử dụng đất, công trình xây dựng và hạ tầng kỹ thuật.
Chương 2. Quy hoạch xây dựng đô thị
2.1. Định hướng phát triển kinh tế - xã hội và quy mô dân số
2.2. Định hướng phát triển không gian đô thị và quy hoạch sử dụng đất.
2.3. Định hướng quy hoạch hệ thống hạ tầng kỹ thuật.
2.4. Quy hoạch xây dựng đợt đầu.
Chương 3. Công tác chuẩn bị kỹ thuật khu đất xây dựng
3.1. Đánh giá và lựa chọn đất xây dựng
3.1.1. Đánh giá đất xây dựng (theo từng yếu tố tự nhiên: khí hậu; địa hình; địa chất công trình, địa chất thuỷ văn, địa chấn; thuỷ văn, hải văn).
3.1.2. Đánh giá tổng hợp và lựa chọn đất xây dựng (theo mức độ thuận lợi của điều kiện tự nhiên).
3.1.3. Những kiến nghị với quy hoạch phát triển không gian và phân khu chức năng (cho phù hợp với từng loại đất).
3.2. Nghiên cứu các biện pháp CBKT cho khu đất xây dựng
3.2.1. Phân tích, đánh giá tổng hợp những khó khăn về điều kiện tự nhiên của đất đai trong khu vực thiết kế.
3.2.2. Đề xuất các biện pháp CBKT cho khu đất xây dựng (định hướng).
3.3. Tính toán thuỷ văn lựa chọn cao độ nền xây dựng tối thiểu
3.3.1. Tính toán thuỷ văn (cần có tài liệu thống kê về mực nước tính toán và vẽ đường tần suất)
3.3.2. Xác định cao độ nền xây dựng tối thiểu (đảm bảo khả năng thoát nước tự chảy, tránh ngập úng - ngập lụt cho khu đất).
3.4. Quy hoạch chung chiều cao nền khu đất xây dựng (QHCC)
3.4.1. Các nguyên tắc thiết kế
3.4.2. Các giải pháp và các phương án thiết kế
3.4.3. Các phương pháp thiết kế
3.4.4. Các công thức tính toán đã sử dụng trong thiết kế
3.5. Ước tính khối lượng đất và dự kiến điều phối đất
3.5.1. Nguyên tắc tính toán
3.5.2. Các công thức tính toán
3.5.3. Ứơc tính và thống kê khối lượng công tác đất
3.5.4. Dự kiến điều phối đất (nêu phương án giải quyết đất thừa - thiếu).
3.5.5. Ước tính kinh phí.
Quy cách thể hiện thuyết minh
- Thuyết minh được đóng theo khổ A4, đánh máy 1 ÷ 2 mặt, phông chữ VnTime cỡ 14, dãn dòng 1,5 line.
- Bìa giấy thường, đóng bóng kính và trang tiếp theo có nội dung hình thức như mẫu quy định của bộ môn.
b. Yêu cầu đối với bản vẽ
- Sơ đồ vị trí và liên hệ vùng, tỷ lệ 1/50.000~1/250.000
- Các bản đồ hiện trạng phục vụ cho thiết kế, tỷ lệ 1/5.000~1/10.000
- Bản đồ đánh giá đất đai xây dựng, tỷ lệ 1/5.000~1/10.000
- Bản đồ định hướng phát triển không gian, tỷ lệ 1/5.000~1/10.000
- Bản đồ quy hoạch chung chiều cao nền xây dựng, tỷ lệ 1/5.000~1/10.000
(có cả tính khối lượng đất)
I.2. ĐÁNH GIÁ ĐẤT ĐAI VÀ LỰA CHỌN ĐẤT XÂY DỰNG ĐÔ THỊ THEO ĐIỀU KIỆN TỰ NHIÊN
I.2.1. Tài liệu, bản đồ cần có để đánh giá
a. Tài liệu
Các yếu tố điều kiện tự nhiên ảnh hưởng đến việc đánh giá và lựa chọn đất đai xây dựng được thể hiện (mô tả) trên các tài liệu như bản đồ, sơ đồ, bản thống kê và các văn bản liên quan. Các tài liệu đó chính là điều kiện địa hình, khí hậu, thuỷ văn, địa chấn, địa chất công trình và địa chất thuỷ văn. Các thông tin này chia làm 2 loại: thông tin không gian (bản đồ) và thông tin thuộc tính (thống kê mô tả).
- Tài liệu khí hậu – khí tượng.
+ Mưa: tài liệu đo mưa hàng năm, đo mưa từng trận mưa, biểu đồ mưa.
+ Nắng: Tài liệu về số ngày nắng, lượng bức xạ, biểu đồ nắng.
+ Gió: Biểu đồ gió (hoa gió)
+ Nhiệt độ, độ ẩm, độ dốc hơi, độ hút ẩm bão hoà.
- Tài liệu thuỷ văn - hải văn gồm: tài liệu về sông, ngòi, kênh – mương, hồ (thuỷ văn); thuỷ triều, sóng, mực nước dâng (hải văn).
- Tài liệu địa hình: độ cao, hướng dốc của nền đất được biểu diễn bằng đường đồng mức hay cao độ hay kết hợp cao độ với đường đồng mức tự nhiên.
- Tài liệu địa chất công trình: Các tài liệu mô tả tính chất cơ lý, thế nằm của các lớp đất thông qua mặt cắt các hố khoan thăm dò, cường độ chịu tải của đất (R)
- Tài liệu về tai biến thiên nhiên như: bão, trượt lở đất, mương xói, kastơ, dòng lũ bùn đá, lũ quét…..
- Tài liệu về địa chấn: động đất, núi lửa…..
Ngoài các điều kiện tự nhiên, cần có tài liệu hiện trạng sử dụng đất và hiện trạng các công trình xây dựng.
b. Bản đồ
Để đánh giá đất đai xây dựng, người ta thường dùng các loại bản đồ sau:
- Bản đồ địa hình tỷ lệ 1/5000 hay 1/10000
Trên bản đồ này mô tả bề mặt địa hình, hệ thuỷ văn và hiện trạng các công trình xây dựng. tuỳ từng trường hợp vào mức độ phức tạp của địa hình mà bản đồ thể hiện địa hình bằng cách ghi cao độ hay đường đồng mức. Thông thường trên bản đồ tỷ lệ 1/5000 hay 1/10000 đường đồng mức có khoảng chênh cao từ 1,0m đến 5,0m (đối với vùng đồi , núi); các khu vực khác phải có cao độ tự nhiên.
- Bản đồ địa chất công trình cùng tỷ lệ với bản đồ địa hình. Trên bản đồ có thể hiện ranh giới địa chất, sự phân bố các loại đất đá, các loại khoáng sản và các hiện tượng đặc biệt của địa chất.
- Bản đồ địa chất thuỷ văn có cùng tỷ lệ với bản đồ địa hình. Trên bản đồ có mô tả sự phân bố và các đặc trưng cơ bản của nước ngầm.
- Bản đồ chuyên đề biểu diễn các yếu tố tự nhiên khác như bản đồ khí hậu, khí tượng (giờ nắng, lượng bức xạ, gió, mưa…..), các bản đồ chuyên đề thuỷ văn, các bản đồ khí tượng thuỷ văn biển, các bản đồ tai biến thiên nhiên…
Ngoài các bản đồ trên, cần có bản đồ hiện trạng sử dụng đất và hiện trạng các công trình xây dựng.
I.2.2. Trình tự, nội dung, phương pháp đánh giá đất đai xây dựng
1.2.2.1. Trình tự đánh giá đất đai theo điều kiện tự nhiên
- Đánh giá đất đai xây dựng (theo điều kiện tự nhiên) gồm các bước sau:
Bước 1: Thu thập tài liệu, số liệu liên quan đến đồ án
Bước 2: Phân tích điều kiện tự nhiên, đặc biệt cần phân tích kỹ điều kiện địa hình, địa chất công trình, địa chất thuỷ văn, thuỷ văn, khí hậu của khu vực dự kiến xây dựng đô thị và vùng phụ cận.
Bước 3: Đánh giá đất đai theo từng yếu tố (điều kiện) tự nhiên.
Bước 4: Lập bản đồ đánh giá tổng hợp đất đai xây dựng
Kết quả đánh giá tổng hợp đất đai là căn cứ quan trọng để tiến hành lựa chọn đất xây dựng và thiết kế quy hoạch không gian kiến trúc đô thị, cũng như quy hoạch hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị.
Trong 4 bước đã nêu: bước 1 thu thập tài liệu, số liệu bản đồ liên quan là cần thiết không thể thiếu được đã đề cập ở mục 1.2.1; bước phân tích điều kiện tự nhiên của khu vực xây dựng có thể được lồng ghép trong bước 3 đánh giá đất đai theo từng yếu tố của điều kiện tự nhiên. Do vậy, sẽ trình bày kỹ bước 3 và 4.
a. Đánh giá đất theo từng điều kiện tự nhiên
Trước khi tiến hành đánh giá đất đai xây dựng, cần xác định các khu đất cấm không được xây dựng. Các đất này được đánh dấu (khoanh lại) trên bản đồ. Trong quá trình đánh giá đất đai không xem xét, phân tích và đánh giá những khu đất này. Các khu đất không được xây dựng là khu đất quân sự, khu đất bảo tồn bảo tàng (di tích lịch sử văn hoá), khu mỏ, khu đất cách ly…..
Mỗi yếu tố tự nhiên đều có ảnh hưởng đến xây dựng đô thị. Để đánh giá mức độ ảnh hưởng đến xây dựng của các yếu tố tự nhiên thì chia thành 3 mức độ khác nhau: đất thuận lợi cho xây dựng (I), đất ít thuận lợi cho xây dựng (II) và đất không thuận lợi cho xây dựng (III). Ngoài ra, cần chỉ rõ những khu vực không được phép xây dựng và khu vực hạn chế xây dựng.
Thông thường đánh giá đất đai theo 6 yếu tố tự nhiên (theo TCVN 4449-1987) là: độ dốc địa hình, cường độ chịu nén của đất, thuỷ văn, mực nước ngầm, (địa chất thuỷ văn) hiện tượng địa chất đặc biệt và khí hậu.
Đối với mỗi loại công trình xây dựng (theo tính chất xây dựng), các yếu tố tự nhiên lại ảnh hưởng ở mức độ khác nhau. Bởi vì trên thực tế có khu đất thuận lợi cho việc xây dựng công trình này nhưng ít thuận lợi cho công trình khác, thậm chí nó lại thuận lợi cho việc xây dựng cho một công trình nào đó.
Ví dụ như khu đất có độ dốc i = 0,1 đến 0,3 là không thuận lợi cho việc xây dựng công trình công nghiệp nhưng lại là ít thuận lợi cho việc xây dựng nhà ở và công trình công cộng. hay là có vùng đất rất bằng phẳng, độ dốc < 0,004 là ít thuận lợi cho việc xây dựng nhà ở, công trình công cộng và công nghiệp nhưng lại là thuận lợi cho việc trồng cây xanh đô thị.
Vì vậy ảnh hưởng của điều kiện tự nhiên đến xây dựng đô thị phụ thuộc vào mức độ thuận lợi cho yêu cầu và tính chất xây dựng. Sau đây là các chỉ tiêu đánh giá đất đai dựa trên TCVN 4449-1987:
- Đánh giá đất đai xây dựng theo độ dốc địa hình
+ Khu đất thuận lợi cho xây dựng khi độ dốc từ i = 0,004 đến 0,1 đối với việc xây dựng nhà ở và công trình công cộng; và độ dốc từ 0,004 đến 0,03 đối với việc xây dựng khu công nghiệp.
+ Khu đất ít thuận lợi cho xây dựng khi độ dốc i < 0,004 và từ 0,1 đến 0,2 (0,3 vùng núi) đối với việc xây dựng nhà ở và công trình công cộng; khi độ dốc i < 0,004 và từ 0,03 đến 0,1 (vùng núi) đối với việc xây dựng khu công nghiệp.
+ Khu đất không thuận lợi cho xây dựng khi độ dốc i > 0,2 (vùng núi i > 0,3) đối với việc xây dựng nhà ở và công trình công cộng; khi độ dốc i > 0,1 đối với việc xây dựng khu công nghiệp.
- Đánh giá đất đai xây dựng theo cường độ chịu nén của đất (R)
+ Khu đất thuận lợi cho xây dựng khi cường độ chịu nén của đất R ≥ 1,5 KG/cm2 đối với việc xây dựng nhà ở, công trình công cộng và công nghiệp.
+ Khu đất ít thuận lợi cho xây dựng khi cường độ chịu nén của đất từ 1,0 đến 1,5 KG/cm2 đối với việc xây dựng nhà ở, công trình công cộng, công nghiệp.
+ Khu đất không thuận lợi cho xây dựng khi cường độ chịu nén nhỏ hơn 1,0 KG/cm2 đối với việc xây dựng nhà ở, công trình công cộng và công nghiệp.
- Đánh giá đất đai xây dựng theo yếu tố nước ngầm (địa chất thuỷ văn)
+ Khu đất thuận lợi cho xây dựng khi độ sâu mực nước ngầm cách mặt đất trên 1,5m nước ngầm không ăn mòn bê tong đối với việc xây dựng công trình nhà ở, công trình công cộng và công nghiệp.
+ Khu đất ít thuận lợi cho xây dựng khi độ sâu mực nước ngầm cách mặt đất 0,5m đến 1,5m, khi nước ngầm ăn mòn bê tông đối với việc xây dựng công trình nhà ở, công trình công cộng và công nghiệp.
+ Khu đất không thuận lợi cho xây dựng khi độ sâu mực nước ngầm cách mặt đất ≤ 0,5m, khi đất sình lầy, khi nước ngầm ăn mòn bê tông đối với việc xây dựng công trình nhà ở, công trình công cộng và công nghiệp.
- Đánh giá đất đai xây dựng theo yếu tố thuỷ văn (nguy cơ ngập lụt)
+ Khu đất thuận lợi cho xây dựng khi có lũ với tần suất 1% (100 năm xảy ra một lần) mà khu đất không bị ngập lụt.
+ Khu đất ít thuận lợi cho xây dựng khi có lũ với tần suất 4% mà khu đất không bị ngập lụt; khi có lũ tần suất 1% không bị ngập quá 1m.
+ Khu đất không thuận lợi cho xây dựng khi có lũ với tần suất 1% bị ngập lụt trên 1,0m; khi có lũ với tần suất 4% bị ngập lụt trên 0,5m.
- Đánh giá đất đai xây dựng theo yếu tố địa chất đặc biệt
+ Khu đất thuận lợi cho xây dựng nhà ở, công trình công cộng, công nghiệp khi không có hiện tượng sụt lở, khe vực và hang động (castơ) .
+ Khu đất ít thuận lợi cho xây dựng nhà ở, công trình công cộng và công nghiệp khi có hiện tượng sụt lở, khe vực nhưng có khả năng xử lý đơn giản.
+ Khu đất không thuận lợi cho xây dựng nhà ở, công trình công cộng và công nghiệp có hiện tượng sụt lở, hình thành khe vực, hang động, xử lý phức tạp.

CHƯƠNG 3.
VÍ DỤ MINH HOẠ
Để minh hoạ cho nội dung thiết kế, các tác giả lựa chọn đồ án thiết kế chuẩn bị kỹ thuật thành phố Phan Rang Tháp Chàm, tỉnh Ninh Thuận.
Các bản vẽ minh hoạ gồm có:
I . Phần Quy hoạch chung
- Sơ đồ vị trí và mối liên hệ vùng (tỉ lệ 1/25000)
- Bản đồ Hiện trạng công tác chuẩn bị kỹ thuật (tỉ lệ 1/10000)
- Bản đồ đánh giá đất:
+ Bản đồ đánh giá đất theo điều kiện địa hình (tỉ lệ 1/10000)
+ Bản đồ đánh giá đất theo điều kiện thuỷ văn (tỉ lệ 1/10000)
+ Bản đồ đánh giá đất theo điều kiện địa chất (tỉ lệ 1/10000)
+ Bản đồ đánh giá tổng hợp đất xây dựng (tỉ lệ 1/10000)
- Bản đồ định hướng phát triển không gian (tỉ lệ 1/10000)
- Bản đồ quy hoạch chiều cao (tỉ lệ 1/10000)
- Bản đồ quy hoạch mạng lưới thoát nước mưa (tỉ lệ 1/10000)
II. Phần Quy hoạch chi tiết
- Bản đồ địa hình hiện trạng (tỉ lệ 1/500)
- Bản đồ tổ chức không gian và kiến trúc cảnh quan (tỉ lệ 1/500)
- Bản đồ quy hoạch chiều cao (tỉ lệ 1/500)
- Bản vẽ tính toán khối lượng đất (tỉ lệ 1/500)
- Bản đồ quy hoạch mạng lưới thoát nước mưa (tỉ lệ 1/500)
- Bản vẽ thiết kế kỹ thuật tuyến cống và các chi tiết cấu tạo (tỉ lệ 1/500)

Link Download bản DOC
Do Drive thay đổi chính sách, nên một số link cũ yêu cầu duyệt download. các bạn chỉ cần làm theo hướng dẫn.
Password giải nén nếu cần: ket-noi.com | Bấm trực tiếp vào Link để tải:

 

Các chủ đề có liên quan khác

Top