Bronsson

New Member
Bài 11: Kể lại một việc làm thể hiện lòng biết ơn các thương binh liệt sĩ.



Bài làm



Thăm nghĩa trang Đồi Ây



Tháng mười hai năm nay, trường em phát động đợt thi đua theo chủ đề “uống nước nhớ nguồn” với mục tiêu mỗi thầy cô giáo , mỗi học sinh làm được một việc tốt có ý nghĩa để chào mừng ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam anh hùng.

Có lớp tổ chức viết thư gửi các chú bộ đội đang công tác ở hải đảo, ở các chốt biên phòng xa xôi. Có chi đội mang quà đến tặng các thương binh hiện đang điều trị gia đình. Riêng lớp 5E của chúng em lại đi chăm sóc nghĩa trang liệt sĩ.



Sáng chủ nhật, chúng em theo cô giáo Thư và bạn Nga , bạn Thành trong Ban chỉ huy Chi đội kéo đến Đồi Ây. Mỗi tổ chức phân công mang theo một công cụ như cuốc, dao, liềm, chổi...Tổ em được chỉ định mang liềm.



Đúng bảy giờ rưỡi, ba mươi chín bạn và cô giáo đã hành quân tới Đồi Ây. Nắng mùa đông vàng nhạt. Gió thổi nhẹ nhưng khá lạnh. Hàng thông hàng bạch đàn và những khóm liễu xung quanh nghĩa trang lao xao, thì thầm. Mộ bốn mươi chín liệt sĩ được xây theo bảy hàng thẳng tắp. Đó là chiến sĩ, cán bộ đơn vị pháo binh đã anh dũng hi sinh trong những trận chiến đấu bảo vệ cầu Thông năm 1972 , năm 1973. Ngôi mộ nào cũng có quốc huy với ngôi sao vàng năm cánh. Em và bạn Lê, bạn Lan cắt cỏ, nhổ những cây hoang dại quanh từng nấm mồ. Bạn Hương, bạn Quỳnh, bạn Phương đi cắt tỉa các cành liễu bì gió làm gãy, bị sâu làm cho úa vàng. Bạn Trọng, Hùng, Cư đi thay cát mới , cát vàng vào các bình hương trên các mộ chí. Cô giáo chủ nhiệm và các bạn trong Ban chỉ huy Đội đi kiểm tra đôn đốc. Khi cỏ, cành cây được vun thành đống lấp đầy các hố phía cuối nghĩa trang, cô giáo Thư và tất cả chúng em đi thắp hương lên các ngôi mộ liệt sĩ.



Cô giáo Thư cho biết máy bay Mĩ đến ném bm cầu Thông sáu trận. Cầu bị đánh sập, ta lại bắc, giặc lại phá, ta lại xây. Ba máy bay Mĩ bị quân ta bắn cháy. Dân quân, trai tráng, các mẹ trong vùng đều hăng hái, dũng cảm phục vụ chiến đấu viết nên bài ca anh hùng của quê hương.



Bốn mươi chín liệt sĩ, mỗi người ở một miền quê xa xôi : Yên Bái, Cao Bằng, Thanh Hóa, Quảng Ngãi... đã yên nghỉ vĩnh viễn tại quê hương chúng em. Cầu Thông năm xưa nay đã được bắc lại bốn nhịp, kiên cố, hiện đại. Quê em đã đổi mới. Trường Tiểu học Nguyễn Viết Xuân của chúng em đã được xây dựng thật khang trang. Đến thăm Đồi Ấy , đọc tên các liệt sĩ, lúc trở về em cứ nao nao bồi hồi mãi. Nén hương thơm mà chúng em thắp lên nghĩa trang Đồi Ây mang tặng bao nghĩa tình đối với các anh hùng liệt sĩ. Làng em cũng có 32 người con đi chiến đấu tại chiến trường miền Nam, đi mãi chưa về..



Theo Sách Văn kể chuyện lớp 5*
 

Các chủ đề có liên quan khác

Top