love_miss_o8o5

New Member
Bài 10 : Kể lại một câu em đã được nghe hay được đọc về những tấm gương sống, làm việc theo pháp luật, theo nếp sống văn minh.



Bài làm



Cầu ông Chính



Ngày nào đi học, chúng em cũng đi qua chiếc cầu gỗ bắc qua ngòi Thia. Ngòi Thia chỉ rộng độ mười lăm mét, sâu hơn hai mét, nhưng về mùa lũ nước cuồn cuộn đục ngầu.



Tháng chín năm hai ngàn, mưa to, lụt lớn. Chiếc cầu gỗ bắc qua ngòi Thia, chỉ một đêm bị lũ cuốn gần như hết sạch các mảnh ván gỗ và lan can trên cầu.



Sáng thứ hai hôm ấy, mưa đã tạnh , nước ngòi dâng đầy cuốn băng băng. Cầu đã bị trôi hết van. Hàng mấy chục học sinh Tiểu học thôn Hạ và xóm Chùa đứng ngơ ngác nhìn ngòi, nhìn cầu. Bước vào năm học mới được hai tuần, thế là bọn chúng em phải quay trở về nhà.



Bác Chính sĩ quan công binh về hưu, là Hội trưởng Hội Cựu chiến binh xã Hồng Phong đã ra tay làm sống lại cây cầu. Bác đã vận động thanh niên và các cán bộ về hưu toàn xã đốn mấy chục cây bạch đàn to, dài trong vườn bác tập kết tại chân cầu. Mấy tay thợ mộc ở xóm Chùa được bác điều động đến giúp bác một tay. Mọi thứ vật liệu khác như đinh, móc sắt, dây thép và dây cáp chằng cầu bác đều tự bỏ tiền ra mua sắm. Là kĩ sư công binh từ thời chiến tranh, nên mọi khâu kĩ thuật, bác đảm đương hết. Các cô giáo trường Tiểu học xã phục vụ nước uống và cơm trưa. Đến nửa đêm, thì cái cầu bắc qua ngòi Thia đã hoàn thành. Năm đó, em là học sinh lớp Một.



Đến nay, chiếc cầu đã trải qua năm năm trời sương gió nắng mưa, được thử thách qua ba cơn lũ lớn. Xe kéo công nông vẫn qua lại bình thường. ủy ban xã trả bác Chính năm triệu đồng gọi là tiền gỗ bạch đàn, nhưng bác Chính không nhận và nói đó là chiếc cầu tình nghĩa tặng các cháu học sinh.



Từ bấy đến nay, chiếc cầu bắc qua ngòi Thia từ làng Hạ,xóm Chùa đi sang làng Thượng, làng Trung của quê em, bà con gọi một cách thân mật là cầu ông Chính.



Lê Ngọc Lựu

Ba Vì – Hà Tây
 

Các chủ đề có liên quan khác

Top