dat_cao2000135

New Member
Mọi người vẫn nhầm tưởng đã là vitamine đều lành cả và khi sử dụng sẽ vô hại, uống càng nhiều sẽ có lợi cho cơ thể. Quan niệm đó là hoàn toàn sai lầm vì bất cứ một thức gì khi sử dụng quá liều lượng đều gây tổn hại cho cơ thể, chỉ có mức tổn hại đó nhiều hay ít mà thôi. Thật vậy ngay cả khi ăn cỗ bàn mà quá trớn cũng có thể sinh nguy hiểm, nhẹ là bội thực, nặng có thể dẫn đến viêm tụy cấp gây tử vong.



Đối với Vitamin D khi uống quá liều cũng gây nguy hại cho cơ thể, vì vậy vitamine D còn được xếp vào loại thuốc độc dược thuộc bảng B.



Vitamine D có tác dụng chống bệnh còi xương, vì khi thiếu vitamine D thì quá trình chuyển vận calcium từ máu đến xương bị trở ngại, làm cho bộ xương kém cứng cáp, chậm phát triển. Nhờ sự có mặt của vitamine D hỗ trợ sự hấp thụ calcum và phosphore để cố định lên xương, vì vậy phòng chống được bệnh loãng xương. Vitamine D còn có khả năng tăng cường sức mạnh cho cơ bắp, đồng thời góp phần vào sự hình thành và tái tạo làn da.



Các kết quả nghiên cứu gần đây cho biết vitamine D đã góp phần bảo vệ cơ thể chống lại một số bệnh ung thư, bệnh lão suy và tăng cường hệ miễn nhiễm. Trong cơ thể vitamine D hiện diện dưới hai dạng: một là vitamine D2 (Ergocalciferol) và vitamine D3 (cholécalcifrol) đều do thực phẩm cung cấp. Hai là vitamine D3 nội sinh do tế bào da tổng hợp được từ tia tử ngoại của ánh nắng mặt trời.



Nguồn vitamine D được cung cấp từ ánh nắng mặt trời nên còn được gọi là vitamine của mặt trời vì chiếm tới 50 - 70% nhu cầu vitamine D mỗi ngày đã được da tổng hợp từ tia cực tím trong ánh nắng mặt trời. Tất nhiên sự tổng hợp này còn tùy thuộc mùa hay nhiễm sắc tố của làn da và tuổi tác nữa (ở tuổi 20 tổng hợp nhiều gấp 3 lần tuổi 80).Thực phẩm cũng là nguồn cung cấp nhiều vitamine D như gan cá, sữa bò, lòng đỏ trứng, thịt... Sau khi ăn, thực phẩm vào cơ thể, vitamine D sẽ được hấp thu tại ruột non, rồi vào máu và dự trữ ở gan, cơ bắp và mô mỡ.



Đối tượng cần đến vitamine D như bé sơ sinh và trẻ em ít ra ngoài nắng. Phụ nữ đang mang thai, nhất là 3 tháng cuối thai kì, tương ứng vào lúc thai nhi đang hình thành bộ xương. Người cao tuổi ăn ít và tiếp xúc với ánh nắng mặt trời không nhiều. Hay những người mắc bệnh đường tiêu hóa gây nên kém hấp thu vitamine D từ thực phẩm. hay những người mắc bệnh da cần kiêng ra nắng. Những người phải sử dụng thuốc chống động kinh lâu dài gây trở ngại cho sự biến đổi vitamine D trong gan. Đặc biệt vitamine D rất cần thiết cho trẻ em để phòng chống còi xương và giúp bộ xương phát triển, xương rắn chắc, chóng mọc răng. Tuy nhiên với người già vitamine D cũng cần thiết bổ sung thích hợp để phòng chống loãng xương, nhuyễn xương, xương gãy chậm lành, hay chứng cơ dễ co giật.



Vậy những biểu hiện nào cho biết tình trạng cơ thể đang bị thiếu vitamine D. Đó là trẻ có hiện tượng co giật, hay đã được 15 tháng tuổi mà vẫn chưa biết đi. Trẻ thường bị mệt mỏi, đau khi chạy, đau ở xương, chân vòng kiềng. Còn với người lớn thường biểu hiện mỏi cơ bắp, xương đau dẫn đến đi lại khó khăn.



Biện pháp phòng ngừa thiếu vitamine D tốt nhất là hàng ngày đi bộ đều đặn từ 20 - 30 phút dưới ánh nắng ban mai. Thay đổi khẩu phần ăn theo thực đơn giàu calcium và vitamine D, hay có thể bổ sung thuốc polyvitamine trong đó có vitamine D.



Cần thận trọng khi sử dụng vitamine D, vì lạm dụng loại thuốc này sẽ làm tăng calcium trong máu gây nên sự lắng đọng calcium không bình thường tại thận, hay ở động mạch và cơ vân, có khi còn làm gia tăng calcium ở nước tiểu dẫn đến thành mạch bị đọng vôi khiến tăng huyết áp. Khi sử dụng liều cao vitamine D có thể gây ngộ độc mà biểu hiện lâm sàng như chán ăn, nôn, mất nước, khát, cao huyết áp, giảm cân, yếu thận, yếu cơ, đau khớp xương. Trong thời gian mang thai nếu sử dụng quá liều vitamine D có thể dẫn đến rối loạn tăng trưởng, dị dạng bào thai. Không sử dụng vitamine D cho người mắc bệnh lao phổi đang thời kì tiến triển hay bệnh nhân đang mắc bệnh ở ruột và dạ dày, bệnh cấp và mạn ở gan và thận, bệnh tăng calcium trong máu và suy tim.



Do vậy việc sử dụng thuốc nói chung, vitamine D nói riêng cũng cần có sự chỉ định của thầy thuốc chứ không thể uống tùy tiện và lạm dụng.
 

Các chủ đề có liên quan khác

Top