daigai

Well-Known Member
Link tải luận văn miễn phí cho ae Kết Nối
TIẾNG ỒN TRONG SẢN XUẤT
Giảng viên: TS.BS. Trần Văn Đại
Mục tiêu học tập:
Sau khi học xong bài này, học viên có khả năng:
1. Trình bày một số khái quát chung về tiếng ồn
2. Trình bày khái quát đo và đánh giá tiếng ồn
3. Trình bày tác hại của tiếng ồn đến con người
4. Mô tả triệu chứng lâm sàng và cận lâm sàng bệnh điếc nghề nghiệp
5. Trình bày được các biện pháp cơ bản giảm tiếng ồn trong sản xuất.
Nội dung
1. Khái quát chung về tiếng ồn trong
Trong quá trình phát triển công nghiệp, số người lao động trong môi trường có tiếng ồn ở mức gây hại ngày một tăng. Tỷ lệ người chịu tác động của tiếng ồn gây hại ở các nước công nghiệp phát triển khoảng 25% đến 30% trong tổng số những người lao động. Do vậy số người bị điếc nghề nghiệp ngày càng tăng và trở nên phổ biến, ở nhiều nước tỷ lệ điếc nghề nghiệp chiếm tới 40% trong số các bệnh nghề nghiệp được bảo hiểm. Ở nước ta tỷ lệ bệnh nhân điếc nghề nghiệp được bảo hiểm chỉ đứng sau bệnh bụi phổi - silic nghề nghiệp. Điếc nghề nghiệp là một vi chấn thương âm do tiếng ồn quá mức gây hại lên cơ quan thính giác đặc biệt là những tổn thương không hồi phục của cơ quan Corti ở tai trong.
Tiếng ồn có thể đặc trưng bằng những thông số vật lý và sinh lý hay gọi là các đại lượng âm khách quan và các đại lượng âm chủ quan. Về vật lý, âm thanh và tiếng ồn được đặc trưng bởi các đại lượng: tần số âm, áp suất âm, vận tốc âm, bước sóng âm, cường độ âm, công suất âm…Về mặt sinh lý âm thanh và tiếng ồn được đặc trưng bởi độ cao, độ to, mức to, âm sắc, thời gian tác động, mức âm…
1.1. Sóng âm
Về mặt vật lý, âm thanh là những sóng dao động xuất hiện trong các môi trường vật chất, chất khí, chất lỏng, chất rắn...gọi chung là môi trường đàn hồi khi chịu các lực kích thích. Những lực kích thích là nguồn âm (như dây đàn và màng trống khi rung hay tiếng nói - sự rung của các dây thanh v.v...), sóng dao động được gọi là sóng âm, và môi trường trong đó có sóng âm lan truyền gọi là trường âm.
Sự xuất hiện và lan truyền của sóng âm trong môi trường đàn hồi được giải thích như sau: Dao động của các nguồn âm (ví dụ màng trống) gây ra áp lực làm nén hay dãn luân phiên các phần tử môi trường (không khí) ở hai phía của nó. Khi bị kích thích như vậy, các phần tử của môi trường sẽ dao động quanh một vị trí cân bằng và truyền các dao động đó có phần tử bên cạnh nhờ vào liên kết đàn hồi giữa chúng. Đến lượt các phần tử này sẽ truyền những dao động đi xa dần nguồn âm. Như vậy sóng âm thực chất là sóng áp suất của môi trường. Khi các dao động âm truyền đến tai người, chúng sẽ tác động lên cơ quan thính giác và cho ta cảm giác âm thanh. Sự xuất hiện và lan truyền của sóng âm trong môi trường đàn hồi được minh hoạ trong hình 1.1

Hình 1.1: Minh hoạ lan truyền của sóng âm trong môi trường đàn hồi
1.2. Tần số âm
Tần số dao động âm (f) là số dao động toàn phần mà các phần tử môi trường thực hiện được trong một giây. Đơn vị tần số là Hertz (Hz).
Âm thanh và tiếng ồn có tần số trong khoảng 20 - 20.000 Hz. Các sóng âm có tần số nhỏ hơn 20 Hz gọi là hạ âm, các sóng âm có tần số trên 20.000Hz gọi là siêu âm.
1.3. Cảm giác to nhỏ - mức to
Âm thanh được gây nên bởi bất kỳ một sự rung động nào đó và lan truyền trong không khí tương tự như sự chuyển động của sóng dọc. Vì vậy nó là một dạng năng lượng cơ học và được xác định bởi các đơn vị năng lượng. Âm thanh từ nguồn phát sẽ tạo nên năng lượng và cường độ của âm thanh tại một điểm trong không gian được xác định bởi mức độ lan truyền âm lượng trên một đơn vị không gian.
Đối với một người trẻ tuổi và khoẻ mạnh, ngưỡng nghe của tai có tần số từ 20Hz đến khoảng 20.000Hz. Tuy nhiên tai người chỉ thực sự nhạy cảm với những âm thanh có tần số trong khoảng 500 đến 8.000Hz. Đối với những âm thanh có tần số trên hay dưới ngưỡng này, tai người trở nên kém nhạy cảm. Ngoài ra những người càng già cũng thường hay bị lãng tai. Những người phải tiếp xúc với nguồn tiếng ồn lớn trong một thời gian dài sẽ không cảm nhận được những âm thanh có tần số từ trung bình đến cao. Phạm vi âm thanh tai người nghe được như trên hình 1.2
Những âm thanh có cùng mức cường độ âm thanh nhưng có các tần số khác nhau lại gây nên những cảm giác khác nhau. Ngược lại những âm thanh có cường độ và tần số khác nhau lại có thể cho cùng một cảm giác về độ to. Cảm giác chủ quan về cường độ âm của cơ quan thính giác được đánh giá bằng mức to. Mức to của các âm đơn khác xác định bằng cách so sánh chúng với âm chuẩn và trị số của nó lấy bằng của âm chuẩn nếu chúng nghe to bằng nhau. Mỗi đường cong trên biểu đồ là tập hợp tất cả các âm đơn có tần số và mức âm khác nhau nhưng đều nghe to như nhau. Robinson và Dadson đã xây dựng biểu đồ các đường đồng mức to, được thể hiện trên hình 1.3














Hình 1.2: Phạm vi âm thanh tai người nghe được

Hình 1.3: Biểu đồ các đường đồng mức to
Quan sát các đường đồng mức to có thể nhận thấy:
Tai người có độ nhạy cảm rất kém ở các tần số thấp, từ 20 - 200 Hz
Độ nhạy cảm cao nhất của tai người nằm ở tần số 4000 Hz
2. Khái quát đo và đánh giá tiếng ồn
2.1. Khái quát về đo tiếng ồn
- Các máy đo và phân tích âm thanh hiện đại nhất ngày nay có thể thực hiện nhiều phép đo và đánh giá âm thanh, nhưng chưa có một máy đo nào có thể bắt chước được cách cảm nhận âm thanh của thính giác con người. Vì vậy các máy đo chỉ có thể xác định mức âm (theo đơn vị là decibel viết tắt dB) nghĩa là một giá trị mang tính vật lý.
- Để chuyển đổi một cách gần đúng các kết quả đo khách quan của máy về cảm giác chủ quan của tai người, cần đưa vào máy các mạch hiệu chỉnh tương ứng với đường đồng mức to gần mức khảo sát nhất. Tuy nhiên công việc này rất phức tạp.
- Để đơn giản công việc đó người ta chia các đường đồng mức to thành ba vùng và xác định một đường trung bình cho những vùng đó.
+ Vùng A: các đường đồng mức to từ 0 đến 40 dB (tần số 1000 Hz)
+ Vùng B: từ 40 đến 70 dB (tần số 1000 Hz)
+ Vùng C: trên 70 dB (tần số 100 Hz)
- Như vậy ta có các mạch hiệu chỉnh A, B và C tương ứng kết quả do mức âm được biểu diễn theo dBA, dBB và dBC. Sau này được bổ sung thêm mạch hiệu chỉnh D (mức theo dBD) để xét đến tác động gây nhiễu của tiếng ồn tần số cao.
- Tuy nhiên phương pháp đo như vậy quá phiền phức và đôi khi không thực hiện được. Vì vậy hiện nay để thực hiện các phép đo, đánh giá về tiêu chuẩn âm thanh, người ta quy định sử dụng mạch hiệu chỉnh A (dBA) để đánh giá tất cả âm thanh, kể cả trong đời sống, sản xuất công nghiệp, giao thông hay tiếng ồn máy bay…
- Ưu điểm của cách đánh giá này là chỉ dùng một trị số, đó là mức năng lượng âm tổng cộng trong toàn bộ phạm vi tần số bức xạ của âm thanh theo hiệu chỉnh A. Vì vậy cách đánh giá theo thang A là đơn giản, phù hợp với hướng dẫn của ISO và được chấp nhận gần như ở tất cả các nước trên thế giới.
- Tuy nhiên nhược điểm của nó là không cho biết sự phân bố năng lượng tiếng ồn theo các dải tần số, vì vậy không thuận tiện khi thiết lập những biện pháp chống tiếng ồn.
2.2. Đánh giá tiếng ồn theo Tiêu chuẩn Việt Nam tại vị trí làm việc
Định mức vệ sinh của tiếng ồn trong sản xuất là giới hạn cho phép về tiếng ồn, mà trong giới hạn đó người công nhân có thể lao động trong nhiều năm không bị bệnh nghề nghiệp do tiếng ồn. Nhưng thực tế để đạt đến giới hạn hoàn toàn hợp vệ sinh đó, đòi hỏi một chi phí khá lớn và yêu cầu kỹ thuật cao; do đó khi lập định mức về vệ sinh người ta phải lấy điều kiện "có thể chịu được" mà chưa phải là "tối ưu". Như vậy định mức vệ sinh là sự thoả hiệp giữa yêu cầu vệ sinh với khả năng kỹ thuật và kinh tế trong một giai đoạn nào đó. Mỗi nước đều có các tiêu chuẩn quốc gia, tiêu chuẩn ngành hay các quy định bắt buộc thi hành hay khuyến khích thi hành.

Tiêu chuẩn mức ồn tối đa cho phép tại các vị trí làm việc (trong sản xuất) của Việt Nam (TCVN 3985 : 1999 do Ban kỹ thuật Tiêu chuẩn TCVN/TC 42 “Âm học” biên soạn, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng đề nghị, Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường ban hành).
- Nội dung chính nêu rõ: mức ồn cho phép tại các vị trí làm việc được đánh giá bằng mức áp suất âm tương đương (mức âm) tại mọi vị trí làm việc, trong suốt ca lao động (8 giờ), đo theo đặc tính A:
+ Không được vượt quá 85 dBA,
+ Mức cực đại không được vượt quá 115 dBA.
- Nếu tổng thời gian tiếp xúc với tiếng ồn trong ngày không quá:
+ 4 giờ, mức âm cho phép là 90 dBA;
+ 2 giờ, mức âm cho phép là 95 dBA;
+ 1 giờ, mức âm cho phép là 100 dBA;
+ 30 phút, mức âm cho phép là 105 dBA;
+ 15 phút, mức âm cho phép là 110 dBA và mức cực đại không quá 115 dBA.
- Thời gian làm việc còn lại trong ngày làm việc chỉ được tiếp xúc với mức âm dưới 80 dBA.
- Mức âm cho phép đối với tiếng ồn xung quanh thấp hơn 5 dBA so với các giá trị nêu trên.
3. Tác hại của tiếng ồn đến con người
3.1. Những tác hại chung
Qua cơ quan thính giác tiếng ồn ảnh hưởng đến hệ thần kinh, trước mắt là hệ thần kinh trung ương. Điều dễ nhận thấy là tiếp xúc với tiếng ồn cao gây khó ngủ, giấc ngủ chập chờn không sâu, dễ làm thức giấc. Phụ nữ nhạy cảm với tiếng ồn khi ngủ hơn nam giới. Tiếng ồn cũng gây ảnh hưởng đến hệ thần kinh thực vật, làm xuất hiện triệu chứng và tồn tại các trạng thái ngưng trệ ở dưới vỏ đại não và rối loạn khả năng làm việc của các Trung tâm thần kinh thực vật, do đó làm mất khả năng điều khiển của chúng đối với các cơ quan nội tạng hoạt động phù hợp với môi trường bên ngoài và các yêu cầu khác. Công nhân làm việc trong điều kiện tiếng ồn mạnh và thời gian kéo dài thì hệ thần kinh thực vật của họ không hoạt động bình thường, do đó gây ảnh hưởng đến hoạt động của các cơ quan nội tạng, hệ tuần hoàn và tiêu hoá. Tiếng ồn cường độ cao có thể gây co mạch hay giãn mạch nhanh. Theo Galakhov và Katievsscaia, số người mắc bệnh cao huyết áp ở nghề có tiếng ồn cao hơn nơi không có là 10 - 20 %. Tiếng ồn cao có thể làm mất thăng bằng vì tác động đến tiền đình. Tiếng ồn gây hoa mắt, chóng mặt, choáng váng…
Tiếp xúc với tiếng ồn cao, người công nhân bị loét dạ dày có tỷ lệ cao hơn. Khi tiếp xúc với tiếng ồn trên 100 dBA, thị trường người lao động bị thu hẹp, thị lực giảm sút, khả năng phân biệt màu sắc giảm.
Công nhân làm việc ở nơi có tiếng ồn phải mất thêm 20% năng lượng để hoàn thành cùng một công việc so với công nhân làm việc ở nơi không ồn. Tiếng ồn gây căng thẳng thần kinh, làm giảm sút khả năng tập trung, do đó dễ gây tai nạn lao động.
Tiếng ồn là một trong các yếu tố của môi trường tác động xấu lên con người khi làm việc. Cùng với sự phát triển của công nghiệp, các thiết bị có công suất lớn, năng suất cao được sử dụng nhiều hơn, do đó mức ồn ngày càng tăng. Dưới tác dụng lâu dài của tiếng ồn mạnh, thính lực của công nhân bị giảm sút, có khi mất hẳn. Không những thế, tiếng ồn còn có tác hại đến các cơ quan khác của cơ thể: Hệ thần kinh, tuần hoàn, tiêu hoá v.v...
Cơ quan thính giác của con người có khả năng tự bảo vệ dưới tác dụng của tiếng ồn mạnh. Đó là khả năng thích nghi. Khi có tiếng ồn mạnh, độ nhậy của thính giác giảm xuống và sau khi tắt tiếng ồn chừng 2 - 3 phút thì thính giác lại được hồi phục lại. Nhưng khả năng thích nghi ở con người cũng có giới hạn. Theo S.E.Seibecman thì chỉ sau một phút tác dụng của tiếng ồn ở tần số 1800 - 2000 Hz với mức âm 70 - 90 dB có thể làm giảm thính lực 10 -11 dB. Nhưng nếu thời gian tác động của tiếng ồn mạnh, kéo dài thì sẽ xuất hiện hiện tượng mệt mỏi thính lực và khả năng hồi phục kém dần và cuối cùng là không thể hồi phục. Tác hại của tiếng ồn phụ thuộc vào các đặc điểm sau của tiếng ồn: mức áp suất âm; đặc tính tần số và thời gian tác dụng.
Mức ồn khoảng 30 dBA: không ảnh hưởng đến giấc ngủ; 40 dBA: không ảnh hưởng đến giấc ngủ và điều kiện làm việc trí óc; 50 dBA: gây rối giấc ngủ rõ rệt; ảnh hưởng điều kiện cho sinh hoạt và nghỉ ngơi; 65 dBA: quấy rầy công việc, sinh hoạt; bắt đầu gây ảnh hưởng xấu đến tâm lý con người; 80 dBA: chưa gây ảnh hưởng xấu đến tai khi tiếp xúc lâu dài; 85 dBA: bắt đầu gây bệnh nặng tai và bệnh điếc; 100 dBA: gây tổn thương không hồi phục ở tai; 120 dBA: gây đau tai; 150 dBA: tức khắc gây tổn thương thính giác.
Trong môi trường sản xuất, nhiều công trình nghiên cứu đã kết luận tiếng ồn mạnh, cao tần, có tính chất xung và kéo dài gây tác hại nhất. Theo Gerhard Lippold (Đức) đã thống kê cho thấy: nếu mỗi ngày công nhân làm việc 8 giờ có tiếp xúc với tiếng ồn thì sau một thời gian sẽ bị tổn thương cơ quan thính giác, gây bệnh điếc nghề nghiệp cho người lao động. Làm việc ở mức ồn 90 -100 dBA thì sau khoảng 10 - 20 năm Từ 100 - 105 dBA thì sau khoảng 10 năm trên 105 dBA thì sau khoảng 5 năm.



3.2. Bệnh điếc nghề nghiệp (ĐNN)
3.2.1. Đặc điểm bệnh ĐNN
Bệnh điếc nghề nghiệp phát triển một cách từ từ theo từng giai đoạn. Mỗi người mắc bệnh có thể có các đặc trưng riêng. Qua giải phẫu, Habermann (1890) và sau này Lange (1911) đã phát hiện thấy các tổn thương đáng kể ở cơ quan Corti của tai công nhân tiếp xúc lâu năm với tiếng ồn mạnh. Nhiều người khác đã tiến hành các cuộc giải phẫu trên cơ thể súc vật chịu tác động của tiếng ồn mạnh cũng đã phát hiện ra các tổn thương tương tự như vậy.
Bệnh điếc nghề nghiệp hoàn toàn khác biệt với điếc do tuổi già, do thuốc, hoá chất độc hay do hậu quả của viêm nhiễm tai giữa, tai trong v.v...Điếc nghề nghiệp có một số đặc điểm chính sau:
+ Điếc nghề nghiệp do tổn thương ốc tai, tổn thương tai trong.
+ Điếc đối xứng hai bên
+ Thính lực đồ có khuyến chữ V ở tần số 4000 Hz
+ Điếc nghề nghiệp không hồi phục và cũng không tự tiến triển.
Theo các thống kê thì sự giảm sút thính lực thường bắt đầu từ 6- 8 năm tuổi nghề, nhưng các biến đổi trong hệ thần kinh và các cơ quan nội tạng khác thường bắt đầu sớm hơn nhiều (sau 3 - 4 năm tuổi nghề). Độ giảm thính lực theo tần số ở các giai đoạn được minh hoạ trên hình 3.1

Hình 3.1: Độ giảm thính lực theo tần số ở các giai đoạn

3.2.2. Chẩn đoán bệnh ĐNN
* Triệu chứng lâm sàng bệnh ĐNN
Đặc điểm diễn biến rất chậm, thường là hàng chục năm mới phát hiện ra, được chia làm 3 giai đoạn như sau:
- Giai đoạn mệt mỏi thính lực hay giai đoạn thích nghi thính giác (mức nhẹ):
+ Khả năng nghe bình thường, nghe được tiếng nói thầm. Các biểu hiện: ù tai, mệt mỏi.
+ Giai đoạn này nếu ngừng tiếp xúc với tiếng ồn thì hồi phục được.
+ Nếu đo thính lực âm, chữ V thính lực chưa rõ tổn thương. Chỉ giảm sức nghe với các âm có tần số cao, nhất là ở 4000Hz.
- Giai đoạn tiềm tàng (mức trung bình):
+ Khả năng nghe nói thầm giảm: Chỉ nghe được ở khoảng 2-3m trở lại. Thời kỳ này kéo dài từ 2 - 20 năm hay hơn nữa, tuỳ từng trường hợp vào sức đề kháng của tai.
+ Nếu phát hiện được ở giai đoan này thì có thể can thiệp không cho hiện tượng phát triển đến giai đoạn điếc
+ Đo thính lực âm thể hiện rõ điếc tiếp âm thể đáy. Chữ V thính lực lõm xuống từ 40-50dB ở giai đoạn tần số từ 300-50000Hz, đỉnh là tần số 4000Hz. Giảm tính lực ở cả tần số cao 4000Hz và tần số trung bình 500-1000Hz.
- Giai đoạn điếc rõ rệt ( mức điếc nặng):
+ Khả năng nghe nói thầm chỉ còn từ 1m trở lại. Bệnh nhân nghe nói chuyện rất khó, luôn luôn nghe thấy tiếng ồn chủ quan và thường kêu bị ù tai hay nghe thấy tiếng còi rít.
+ Ở giai đoạn này có những tổn thương không phục hồi ở cơ quan Corti và dây thần kinh thính giác ở tai trong.
+ Đo thính lực âm biểu hiện điếc tiếp âm trên toàn thể loa đạo, ngưỡng nghe tăng cao ở tần số cao, tần số trung bình và cả ở tần số thấp.
* Cận lâm sàng:
- Nghiệm pháp mệt mỏi thính giác:
+ Nghiệm pháp này cho phép xác định sự mệt mỏi thính giác hay khả năng phục hồi thính lực bằng cách xác định ngưỡng nghe ở 1024Hz, theo dẫn truyền đường khí và đường xương.
+ Kết quả: Bình thường tăng ngưỡng nghe <5dB;
Nghi ngờ: tăng 5-10dB;
Không bình thường: tăng >10dB.
- Đo thính lực sơ bộ:
+ Dùng máy đo thính lực âm, đo ở tần số 1000Hz, đường khí.


Link Download bản DOC
Do Drive thay đổi chính sách, nên một số link cũ yêu cầu duyệt download. các bạn chỉ cần làm theo hướng dẫn.
Password giải nén nếu cần: ket-noi.com | Bấm trực tiếp vào Link để tải:

 

Các chủ đề có liên quan khác

Top