Ronit

New Member
Viết đoạn thân bài phần miêu tả chi tiết chiếc bàn học ở nhà của em.



HƯỚNG DẪN.



Có thể viết theo gợi ý sau:



- Mặt bàn như thế nào? Dài? Rộng bao nhiêu? Màu sắc, trang trí như thế nào?



- Chân bàn thế nào? Có mấy chân? Kiểu gì? Cao, thấp ra sao?



- Ngăn bàn: thế nào? Mấy ngăn? Rộng hẹp ra sao? Dùng để đựng đồ dùng gì?



GIẢI ĐÁP.



Em ngồi trước bàn, bên trái là một hộc tủ. Mở cánh cửa, em thấy có hai ngăn. “Chỗ này mà để đồ chơi thì hết ý” – Em thầm nghĩ. Bên tay phải chỗ ngồi là một dãy ba ngăn kéo đặt chồng lên nhau thành một hàng thẳng đứng. Ở trên lại còn một mặt bàn nhỏ có thể kéo ra khi dùng và đẩy thụt hẳn vào dưới mặt bàn chính khi không dùng đến. Trước đây, khi anh hai còn ở nhà, mỗi khi muốn đánh máy chữ, anh hai lại kéo cái mặt bàn đó ra và đặt máy lên đó. Em chắc chẳng bao giờ đụng đến cái mặt bàn phụ này.



Ngăn kéo trên cùng, em để sách và vở học ở trường và ở nhà, cùng với bút thước. Ngăn thứ hai, em để sách, truyện, báo Khăn quàng đỏ, Thiếu nhi. Còn ngăn thứ ba, sau khi suy nghĩ em quyết định nhường cho hai bạn Cúc và Mai cùng nhóm học tập với em ở nhà để đồ dùng học tập và sách vở.. và cả đồ chơi nữa.



Theo 162 bài văn chọn lọc 4*
 

gnuh_gnauq

New Member
Đề bài



Tả cái bàn em ngồi học ở nhà và kể lại những kỉ niệm của em với chiếc bàn đó.



Yêu cầu



- Thể loại: Miêu tả.

- Nội dung: Miêu tả cái bàn em ngồi học ở nhà.

- Trọng tâm: Nêu rõ một vài bộ phận của cái bàn mà em thích hay gợi cho em kỉ niệm sâu sắc nào đó.



Dàn ý



Mở bài: Giới thiệu cái bàn học mà em định tả.



Thân bài:



a. Tả bao quát



Thoạt nhìn cái bàn của em có điều gì đáng chú ý, xét về kiểu bàn, độ mới cũ, chất liệu hay màu sắc?

- Một cái bàn sắt, to lù lù như một cái giường đôi, chiếm nửa gian phòng học.

- Tuy đã cũ nhưng nước sơn vẫn còn bền màu xanh lá cây.



b. Tả chi tiết



- Mặt bàn rộng, bề ngang đủ chỗ cho hai đứa chúng em nằm nghỉ. Chiều dài của bàn thì nằm dài, vươn tay mới đụng tới mép bàn.

- Bàn to rộng như thế nhưng chỉ đủ chỗ cho hai người ngồi học, vì chân bàn được dành cho hai hộc tủ lớn. Nếu ngồi thêm thì từ bạn thứ ba trở đi không có chỗ để chân, phải ngồi nghiêng, rất khó viết.

- Hộc tủ bên tay phải là một dãy 4 ngăn kéo chồng lên nhau. Hộc tủ bên trái to, chia làm 2 ngăn chồng lên nhau. Còn một ô kéo nữa ở giữa hai hộc tủ.

- Ngăn kéo giữa, em dùng đựng đồ dùng học tập, giấy làm bài...Hộc tủ bên phải em dùng hai ngăn kéo trên còn dành cho bạn Thu Hồng dùng hai ngăn kéo dưới. Chúng em quy ước ngăn trên để sách giáo khoa và cả truyện nữa, ngăn dưới để tập vở và bài tập. Hộc to bên tay trái, chúng em cũng chia đôi, ngăn trên em dùng, còn ngăn dưới bạn Thu Hà sử dụng. Đựng gì ư? Hai đứa thống nhất đựng đồ chơi và thức ăn (chả là mỗi buổi học, chúng em đều có phút ăn xế giữa buổi).



Kết bài



Tình cảm của em đối với chiếc bàn.



Bài viết



Em được bố mẹ dành cho căn phòng học tập thật tuyệt: rộng 3m, dài 4m. Em đã kê thêm chiếc giường cá nhân ở cuối phòng để những lúc học mệt có thể ngả lưng. Tuyệt hơn nữa là em được quyền sử dụng một cái bàn mà em dám đoán chắc là thành phố rộng lớn này cũng khó mà tìm thêm được một chiếc thứ hai như vậy.



Đó là một chiếc bàn bằng sắt, nghe nói là bàn làm việc sản xuất thời Mĩ còn trú ở Miền Nam này. Bàn to và nặng lắm. Có lần, em và Thu Hồng định dịch chuyển cái bàn cho xa cửa sổ tí chút thôi mà cả hai đứa mệt bở hơi tai cũng không sao thực hiện được ý định. Một đầu bàn kê sát tường, ngay dưới khung cửa sổ trông ra phố. Hai đứa chúng em ngồi hai bên cạnh bàn, thả sức ngắm cảnh phổ phường và tận hưởng làn gió trời mát mẻ. Mặt bàn rộng đủ chỗ cho hai đứa chúng em nằm dài thoải mái, thích thú ngó nhìn đường phố sau khi học xong. Chúng em có thể nằm dài trên mặt bàn, chân đụng mép bàn rồi vươn dài cánh tay cho ngón giữa chạm mép bàn.



Mặt bàn rộng lớn thế đấy nhưng cũng chỉ có chỗ cho hai người ngồi học. Thật ra thì có lúc, cả tổ em 8 người đã ngồi vây quanh bàn trong ngày mừng sinh nhật của em. Ngồi chơi thì còn có thể ngồi thêm 4 người nữa, nhưng ngồi làm việc thì chỉ được hai người thôi. Hai hộc tủ to tướng vây kín 4 cạnh bàn, chỉ chừa đúng hai chỗ để chân khi ngồi làm việc.



Hộc tủ bên tay phải là một dãy 4 ngăn kéo chồng lên nhau. Hộc tủ bên trái to, chia làm hai ngăn chồng lên nhau. Còn một ô kéo nữa ở giữa hai hộc tủ.



Thu Hồng là bạn thân, lại học cùng nhóm với em nên em chia đều số ngăn kéo và ngăn tủ cho Thu Hồng. Chúng em quy ước: ngăn kéo trên để sách học (và cả sách truyện nữa!), còn ngăn kéo dưới để vở học, vở làm bài và giấy làm bài. Ngăn tủ ở bên tay, chúng em dùng đựng đồ chơi (và cả thức ăn nữa, vì buổi học nào chúng em cũng có ăn xế vào giữa buổi).



Từ chiếc bàn học thân thương này, em và bạn Thu Hồng đã viết được bao bài văn hay mà cô giáo đã từng đọc, biểu dương trước lớp; chúng em đã thực hiện bao bài toán khó để chiếm lấy hàng chục điểm 10 đỏ chói của cô giáo. Trong niềm vinh quang được nhà trường công nhận là Học sinh giỏi có sự giúp sức của cái bàn học này. Bàn học này đã trở thành người bạn thân thiết của em và Thu Hồng!



Nhận xét



Tả cái bàn học, người viết không chỉ liệt kê các đặc điểm một cách nhạt nhẽo. Mỗi đặc điểm của cái bàn được giới thiệu một cách khéo léo qua những mẩu chuyện, việc làm của người sử dụng bàn. Nói về sự nặng nề của cái bàn sắt, bạn kể: "Bàn to và nặng lắm. Có lần, em và Thu Hồng định dịch chuyển cái bàn cho xa cửa sổ tí chút thôi mà cả hai đứa mệt bở hơi tai..."



Cũng vì kể mỗi chi tiết của cái bàn học đều gắn với việc học tập hay vui chơi bên cái bàn nên bài văn đã kết hợp được một cách thật nhuần nhuyễn giữa miêu tả cái bàn và bộc lộ cảm xúc của người viết bài. Tuy vậy, phần kết bài, người viết không quên trình bày một cách tập trung tình cảm gắn bó với cái bàn qua việc nêu thành tích học tập của bản thân và tình bạn với Thu Hồng.





Theo Vũ Khắc Tuân*
 

Các chủ đề có liên quan khác

Top