Lập dàn ý đoạn văn tả cây phượng sau đây và nêu nhận xét về cách tác giả miêu tả cây phượng:



Phượng không phải là một đóa, không phải vài cành, phượng đây là cả một loạt, cả một vùng, cả một góc trời đỏ rực. Mỗi hoa chỉ là một phần tử của cái xã hội thắm tươi; người ta quên đóa hoa, chỉ nghĩ đến cây, đến hàng, đến những tán lớn xòe ra, trên đậu khít nhau muôn ngàn con bướm thắm.



Mùa xuân, phượng ra lá. Lá xanh um, mát rượi, ngon lành như lá me non. Lá ban đầu xếp lại còn e; dần dần xòe ra cho gió đưa đẩy. Lòng cậu học trò phơi phới làm sao! Cậu chăm lo học hành, rồi lâu cũng vô tâm quên màu lá phượng. Một hôm, bỗng đâu trên những cành cây báo ra một tin thắm: mùa hoa phượng bắt đầu! Đến giờ chơi, học trò ngạc nhiên nhìn trông: hoa nở lúc nào mà bất ngờ dữ vậy!



Bình minh của hoa phượng là một màu đỏ còn non, nếu có mưa lại càng tươi dịu. Ngày xuân dần hết, số hoa tăng, màu cũng đậm dần. Rồi hòa nhịp với mặt trời chói lọi, màu phượng mạnh mẽ kêu vang: hè đến rồi! Khắp thành phố bỗng rực lên, như đến Tết nhà nhà đều dán câu đố đỏ. Sớm mai thức dậy, cậu học trò vào hẳn trong mùa phượng.



(Xuân Diệu)



HƯỚNG DẪN.



Cần chú ý đến hai nội dung: trình tự miêu tả cây phượng và cách quan sát, ghi nhận kết quả quan sát của tác giả.



GIẢI ĐÁP.



Đoạn 1 nói về hoa phượng như một đặc trưng của cây. Đoạn văn đã gây được ấn tượng về một loài hoa đặc biệt nhiều về số lượng. Đặc điểm đó của hoa phượng được so sánh với “góc trời đỏ rực”, “xã hội thấm tươi”, “muôn ngàn con bướm thắm”.



Chú ý đến câu văn kết hợp giữa câu phủ định (không phải… không phải…) với câu khẳng định (mà là…) Nhờ đó mà ý khẳng định được mạnh thêm. Hình thức lặp liên tiếp (cả một loạt, cả một vùng, cả một góc trời… nghĩ đến cây, đến hàng, đến những tán lớn) càng nhấn mạnh đến số lượng đặc biệt nhiều của hoa phượng. Có thể coi đoạn 1 này như con mắt nhìn chung, nhìn bao quát cây phượng từ xa.



Đoạn 2 nói về lá phượng. Chú ý cách miêu tả vẻ tươi tốt của lá phượng. Tác giả ghi nhận bằng mắt nhìn (xanh um), bằng tay sờ (mát rượi), bằng lưỡi nếm (ngon lành), và cả bằng sự suy tưởng (còn e… xòe ra). Nhờ thế mà thu nhận được nhiều vẻ đẹp của lá phượng. Nếu đã coi đoạn 1 như cái nhìn từ xa, toàn thể thì đoạn 2 này như cái nhìn gần cận, bộ phận.



Đoạn 3 nói đến mùa hoa phượng. Tác giả nêu cả quá trình phát triển của hoa phượng. Mùa hoa phượng phát triển mạnh mẽ nhất là khi vào hè. Hoa phượng phát triển thành tiếng kêu vang. Hoa phượng được ví với “nhà nhà đều dán câu đối đỏ” khi Tết đến. Sự so sánh đó nói lên niềm vui của mọi học trò khi phượng nở rộ. Cây phượng từ lâu được trồng ở sân trường để tỏa bóng mát cho học sinh vui chơi. Nên đã từ lâu cây phượng (và cây bàng) đã trở thành người bạn thân thiết với cuộc đời người học trò.



Theo 162 bài văn chọn lọc 4*
 

Các chủ đề có liên quan khác

Top