daigai

Well-Known Member
Link tải luận văn miễn phí cho ae Kết Nối
Bình luận khoa học bộ luật hình sự: Tập 3 - Đinh Văn Quế

LỜI GIỚI THIỆU


Bộ luật hình sự đã được Quốc hội khoá X, kỳ họp thứ 6 thông qua ngày 21 tháng 12 năm 1999, có hiệu lực thi hành từ ngày 1 tháng 7 năm 2000 (sau đây gọi tắt là Bộ luật hình sự năm 1999). Đây là Bộ luật hình sự thay thế Bộ luật hình sự năm 1985 đã được sửa đổi, bổ sung bốn lần vào các ngày 28-12-1989, ngày 12-8-1991, ngày 22-12-1992 và ngày 10-5-1997.
Bộ luật hình sự năm 1999 không chỉ thể hiện một cách toàn diện chính sách hình sự của Đảng và Nhà nước ta trong giai đoạn hiện nay, mà còn là công cụ sắc bén trong đấu tranh phòng và chống tội phạm, đảm bảo quyền làm chủ của nhân dân, đảm bảo hiệu lực quản lý của Nhà nước, góp phần thực hiện công cuộc đổi mới, đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.
So với Bộ luật hình sự năm 1985, Bộ luật hình sự năm 1999 có nhiều quy định mới về tội phạm và hình phạt. Do đó việc hiểu và áp dụng các quy định của Bộ luật hình sự về tội phạm và hình phạt là một vấn đề rất quan trọng. Ngày 17 tháng 2 năm 2000, Thủ tướng chính phủ ra chỉ thị số 04/2000/CT-TTg về việc tổ chức thi hành Bộ luật hình sự đã nhấn mạnh: "Công tác phổ biến, tuyên truyền Bộ luật hình sự phải được tiến hành sâu rộng trong cán bộ, công chức, viên chức, chiến sỹ thuộc lực lượng vũ trang và trong nhân dân, làm cho mọi người năm được nội dung cơ bản của Bộ luật, nhất là những nội dung mới được sửa đổi bổ sung để nghiêm chỉnh chấp hành".
Với ý nghĩa trên, tiếp theo cuốn “Bình luận khoa học Bộ luật hình sự năm 1999 (phần chung)” và các cuốn "bình luận Bộ luật hình sự (phần riêng) về các tội xâm phạm tính mạng, sức khoẻ, nhân phẩm, danh dự của con người và các tội xâm phạm sở hữu” Nhà xuất bản Thành phố Hồ Chí Minh xuất bản tiếp cuốn "BÌNH LUẬN BỘ LUẬT HÌNH SỰ (PHẦN RIÊNG) CÁC TỘI XÂM PHẠM QUYỀN TỰ DO, DÂN CHỦ CỦA CÔNG DÂN VÀ CÁC TỘI XÂM PHẠM CHẾ ĐỘ HÔN NHÂN VÀ GIA ĐÌNH” của tác giả Đinh Văn Quế - Thạc sỹ Luật học, Phó chánh toà Toà hình sự Toà án nhân dân tối cao, người đã nhiều năm nghiên cứu, giảng dạy và cho công bố nhiều tác phẩm bình luận khoa học về Bộ luật hình sự và cũng là người trực tiếp tham gia xét xử nhiều vụ án về các tội xâm phạm quyền tự do, dân chủ của công dân và các tội xâm phạm chế độ hôn nhân và gia đình.

Dựa vào các quy định của chương XIII và chương XV Bộ luật hình sự năm 1999, so sánh với các quy định của Bộ luật hình sự năm 1985, đối chiếu với thực tiễn xét xử các vụ án hình sự, tác giả đã giải thích một cách khoa học về các các tội xâm phạm quyền tự do, dân chủ của công dân và các tội xâm phạm chế độ hôn nhân và gia đình, đồng thời tác giả cũng mạnh dạn nêu ra một số vấn đề cần tiếp tục hoàn thiện pháp luật hình sự ở nước ta
Xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.


MỞ ĐẦU

Chương XIII Bộ luật hình sự năm 1999 quy định các tội xâm phạm quyền tự do, dân chủ của công dân gồm 10 Điều tương ứng với 10 tội danh khác nhau. So với Chương III (phần tội phạm) Bộ luật hình sự năm 1985 quy định về các tội xâm phạm quyền tự do, dân chủ của công dân, thì Bộ luật hình sự năm 1999 quy định nhiều hơn 1 Điều (Điều 122 Bộ luật hình sự năm 1985 được tách thành 2 Điều).
Chương XV Bộ luật hình sự năm 1999 quy định các tội xâm phạm chế độ hôn nhân và gia đình gồm 7 Điều tương ứng với 8 tội danh khác nhau. So với Chương V (phần tội phạm) Bộ luật hình sự năm 1985 quy định các tội xâm phạm chế độ hôn nhân và gia đình thì nhiều hơn 2 Điều quy định thêm hai tội, đó là tội “đăng ký kết hôn trái pháp luật” và tội “từ chối hay trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng”
Các quy định của Bộ luật hình sự năm 1999 đối với các tội xâm phạm quyền tự do, dân chủ của công dân và các tội xâm phạm chế độ hôn nhân và gia đình đầy đủ hơn, chi tiết hơn, phản ảnh được thực trạng công tác đấu tranh phòng chống loại tội phạm này trong thời gian qua; giúp cho việc điều tra, truy tố mà đặc biệt là việc xét xử loại tội phạm này sẽ thuận lợi hơn trước đây.
Tuy nhiên, do những quy định của Bộ luật hình sự năm 1985 về các tội xâm phạm quyền tự do, dân chủ của công dân và các tội xâm phạm chế độ hôn nhân và gia đình còn nhiều điểm chưa được hướng dẫn và thực tiễn xét xử có nhiều trường hợp, các cơ quan tiến hành tố tụng đã gặp không ít khó khăn trong việc áp dụng Bộ luật hình sự để truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người phạm tội. Nay Bộ luật hình sự năm 1999 lại quy định thêm nhiều điểm mới hơn, nếu không được hiểu thống nhất sẽ càng khó khăn hơn trong việc áp dụng khi điều tra, truy tố, xét xử các tội xâm phạm quyền tự do, dân chủ của công dân và các tội xâm phạm chế độ hôn nhân và gia đình.
Để góp phần tìm hiểu Bộ luật hình sự năm 1999, qua thực tiễn xét xử và tổng kết công tác xét xử các tội xâm phạm quyền tự do, dân chủ của công dân và các tội xâm phạm chế độ hôn nhân và gia đình trong những năm qua, chúng tui xin phân tích những vẫn đề có tính lý luận và thực tiễn nhằm gúp bạn đọc, đặc biệt là các cán bộ công tác trong các cơ quan tiến hành tố tụng các dấu hiệu pháp lý cơ bản đối với các tội xâm phạm quyền tự do, dân chủ của công dân được quy định tại Chương XIII và các tội xâm phạm chế độ hôn nhân và gia đình quy định tại Chương XV Bộ luật hình sự năm 1999.




Phần một

CÁC TỘI XÂM PHẠM QUYỀN
TỰ DO, DÂN CHỦ CỦA CÔNG DÂN

A- ĐẶC ĐIỂM CHUNG CỦA CÁC TỘI XÂM PHẠM QUYỀN TỰ DO, DÂN CHỦ CỦA CÔNG DÂN QUY ĐỊNH TRONG BỘ LUẬT HÌNH SỰ NĂM 1999

I - NHỮNG ĐIỂM MỚI CỦA CÁC TỘI XÂM PHẠM QUYỀN TỰ DO, DÂN CHỦ CỦA CÔNG DÂN TRONG BỘ LUẬT HÌNH SỰ NĂM 1999
So với Bộ luật hình sự năm 1985 quy định về các tội xâm phạm quyền tự do, dân chủ của công dân, thì Bộ luật hình sự năm 1999 chỉ quy định thêm 1 Điều tương ứng với một tội danh mới (không kể điều luật quy định về hình phạt bổ sung), nhưng thực chất là tách Điều 122 Bộ luật hình sự năm 1985 thành hai điều luật (Điều 126 và Điều 127) quy định hai tội danh riêng biệt mà Điều 122 Bộ luật hình sự năm 1985 quy định hai hành vi phạm tội trong cùng một điều luật. Tuy nhiên, đối với các tình tiết là dấu hiệu định khung hình phạt trong các tội xâm phạm quyền tự do, dân chủ của công dân, Bộ luật hình sự năm 1999 quy định nhiều hơn, và chi tiết hơn. Tên tội danh, các khái niệm, các thuật ngữ cũng được sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với thực tiễn xét xử, phù hợp với tình hình kinh tế - xã hội của nước ta và quy định của các ngành luật khác.
Các hình phạt bổ sung trước đây Bộ luật hình sự năm 1985 quy định chung trong một điều luật (Điều 128), nay quy định ngay trong từng điều luật, nếu xét thấy tội phạm đó cần áp dụng hình phạt bổ sung đối với người phạm tội. Việc quy định này, không chỉ phản ảnh trình độ lập pháp cao hơn, mà còn có tác dụng to lớn trong việc áp dụng hình phạt bổ sung đối với người phạm tội, tránh được việc bỏ quên hay áp dụng không chính xác hình phạt bổ sung đối với người phạm tội. Quy định thêm một số hình phạt bổ sung để đáp ứng yêu cầu phòng ngừa loại tội phạm này như: hình phạt cấm hành nghề hay làm công việc nhất định mà Điều 128 Bộ luật hình sự năm 1985 chưa quy định. Tuy nhiên, Bộ luật hình sự năm 1999 không quy định hình phạt bổ sung đối với người phạm tội “buộc người lao động, cán bộ, công chức thôi việc trái pháp luật”, mà Bộ luật hình sự năm 1985 có quy định hình phạt bổ sung “cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ hai năm đến năm năm” đối với tội này. Lý do bỏ hình phạt bổ sung đối với hành vi buộc người lao động, cán bộ, công chức thôi việc trái pháp luật không được ban dự thảo Bộ luật hình sự năm 1999 giải thích, nhưng theo chúng tui việc không quy định hình phạt “cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định” đối với người phạm tội là không thoả đáng, nhất là đối với người phạm tội buộc cán bộ, công chức thôi việc trái pháp luật.

- Đối với tội bắt, giữ hay giam người trái pháp luật (Điều 123), được cấu tạo lại thành bốn khoản, trong đó khoản 4 quy định hình phạt bổ sung, riêng khoản 2 của điều luật quy định thêm 3 tình tiết là dấu hiệu định khung hình phạt, đó là: “có tổ chức; đối với người thi hành công vụ; phạm tội nhiều lần; đối với nhiều người”, ngoài tình tiết “lợi dụng chức vụ, quyền hạn” đã quy định tại khoản 2 Điều 119 Bộ luật hình sự năm 1985 về tội phạm này.
- Đối với tội xâm phạm chỗ ở của công dân (Điều 124), được cấu tạo lại thành ba khoản, trong đó khoản 3 quy định hình phạt bổ sung, riêng khoản 2 của điều luật quy định thêm 2 tình tiết là dấu hiệu định khung hình phạt, đó là: “có tổ chức; gây hậu quả nghiêm trọng”, ngoài tình tiết “lợi dụng chức vụ, quyền hạn” đã quy định tại khoản 2 Điều 120 Bộ luật hình sự năm 1985 về tội phạm này.
- Đối với tội xâm phạm bí mật hay an toàn thư tín, điện thoại, điện tín của người khác (Điều 125) được cấu tạo thành ba khoản, trong đó khoản 3 quy định hình phạt bổ sung; khoản 1 là cấu thành cơ bản được cấu tạo lại, bổ sung một số tình tiết định tội (cụ thể thêm một số hành vi ) như: “chiếm đoạt telex, fax hay các văn bản khác được truyền đưa bằng phương tiện viễn thông và máy tính” mà Điều 121 Bộ luật hình sự 1985 về tội phạm này chưa quy định; đặc biệt, cấu thành cơ bản của tội phạm này, nhà làm luật quy định các dấu hiệu làm ranh giới giữa hành vi tội phạm với hành vi chưa phải là tội phạm. Ranh giới đó là: nếu hành vi xâm phạm bí mật an toàn thư tín, điện thoại, điện tín chưa bị xử lý kỷ luật hay chưa bị xử phạt hành chính thì chưa bị coi là tội phạm. Khung hình phạt của khoản 1 Điều 125 cũng được bổ sung thêm loại hình phạt tiền là hình phạt chính. Riêng khoản 2 của điều luật được cấu tạo hoàn toàn mới mà Điều 121 Bộ luật hình sự năm 1985 không có, với 5 tình tiết định khung, đó là: “phạm tội có tổ chức; lợi dụng chức vụ, quyền hạn; phạm tội nhiều lần; gây hậu quả nghiêm trọng; tái phạm”. Ngoài hình phạt cấm đảm nhiệm chức vụ nhật định, khoản 3 của điều luật quy định thêm hình phạt tiền là hình phạt bổ sung. So với Điều 121 Bộ luật hình sự năm 1985 quy định về tội phạm này thì Điều 125 nặng hơn, vì khoản 2 của điều luật có mức cao nhất của khung hình phạt là hai năm tù (Điều 121 chỉ có một năm tù).
- Đối với tội xâm phạm quyền bầu cử, quyền ứng cử của công dân (Điều 126) là hành vi quy định tại khoản 1 cuả Điều 122 Bộ luật hình sự năm 1985 và được cấu tạo lại thành ba khoản, trong đó khoản 3 là hình phạt bổ sung; khoản 1 là cấu thành cơ bản, ngoài những hành vi đã được quy định tại khoản 1 Điều 122 Bộ luật hình sự năm 1985, nhà làm luật quy định thêm một số tình tiết là dấu hiệu định tội như: “Hành vi cưỡng ép; xâm phạm quyền ứng cử”; khung hình phạt của khoản 1 Điều 126 nhẹ hơn khoản 1 Điều 122 Bộ luật hình sự năm 1985; riêng khoản 2 của điều luật là cấu thành mới (cấu thành tăng nặng) quy định ba tình tiết định khung hình phạt, đó là: “có tổ chức; lợi dụng chức vụ, quyền hạn; gây hậu quả nghiêm trọng”.
- Đối với tội làm sai lệch kết quả bầu cử (Điều 127) là hành vi quy định tại khoản 2 cuả Điều 122 Bộ luật hình sự năm 1985 và cũng được cấu tạo lại thành ba khoản, trong đó khoản 3 là hình phạt bổ sung; khoản 1 là cấu thành cơ bản, nhà làm luật không quy định thêm tình tiết nào mới là dấu hiệu định tội; khung hình phạt của khoản 1 Điều 126 nhẹ hơn khoản 2 Điều 122 Bộ luật hình sự năm 1985; riêng khoản 2 của điều luật là cấu thành mới (cấu thành tăng nặng) quy định hai tình tiết định khung hình phạt, đó là: “có tổ chức; gây hậu quả nghiêm trọng”.
- Đối với tội buộc người lao động, cán bộ, công chức thôi việc trái pháp luật (Điều 128), chỉ có một vài thay đổi, đó là: thêm đối tượng bị xâm phạm, ngoài người lao động còn có cả cán bộ, công chức, đặc biệt nhà làm luật quy định dấu hiệu gây hậu quả nghiêm trọng là dấu hiệu bắt buộc của cấu thành tội phạm, nếu hành vi buộc người lao động, cán bộ, công chức thôi việc trái pháp luật nhưng chưa gây hậu quả nghiêm trọng thì chưa cấu thành tội phạm. Đây là điểm mới cơ bản so với tội phạm này quy định tại Điều 123 Bộ luật hình sự năm 1985.
- Đối với tội xâm phạm quyền hội họp, lập hội, quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của công dân ( Điều 129) được cấu tạo thành hai khoản, khoản 2 quy định hình phạt bổ sung, khoản 1 là cấu thành cơ bản và cũng là cấu thành tội phạm duy nhất (không có cấu thành tăng nặng hay giảm nhẹ). Đối với tội phạm này, có một thay đổi lớn, đó là: hành vi xâm phạm các quyền trên phải bị xử hành chính mà còn vi phạm thì mới cấu thành tội phạm. Ngoài ra, Điều 129 còn quy định thêm đối tượng bị xâm phạm không chỉ có quyền hội họp, lập hội, tự do tín ngưỡng mà có cả quyền theo hay không theo một tôn giáo nào
- Đối với tội xâm phạm quyền bình đẳng của phụ nữ ( Điều 130) không có gì sửa đổi, bổ sung.
- Đối với tội xâm phạm quyền tác giả ( Điều 131) được cấu tạo thành ba khoản, khoản 3 quy định hình phạt bổ sung, khoản 1 là cấu thành cơ bản, khoản 2 là cấu thành tăng nặng. Tội phạm này, về cơ bản được cấu tạo lại, quy định cụ thể từng loại hành vi xâm phạm đến quyền tác giả, đối tượng bị xâm phạm; nếu hành vi xâm phạm quyền tác giả chưa gây hậu quả nghiêm trọng hay chưa bị xử phạt hành chính, chưa bị kết án hay đã được xoá án tích thì chưa cấu thành tội phạm này; hình phạt chính nặng hơn hình phạt quy định tại Điều 126 Bộ luật hình sự năm 1985; hình phạt tiền không chỉ là hình phạt chính mà còn là hình phạt bổ sung;
- Đối với tội xâm phạm quyền khiếu nại, tố cáo ( Điều 132), về cơ bản không có sửa đổi bỏ sung lớn, chỉ bỏ từ “của công dân” ở tên tội và quy định hình phạt bỏ sung ngay trong điều luật.


II- ĐẶC ĐIỂM CHUNG CỦA CÁC TÔI XÂM PHẠM QUYỀN TỰ DO, DÂN CHỦ CỦA CÔNG DÂN
Các tội xâm phạm quyền tự do, dân chủ của công dân là những hành vi nguy hiểm cho xã hội được quy định trong Bộ luật hình sự, do người có năng lực trách nhiệm hình sự thực hiện một cách cố ý, xâm phạm đến quyền tự do, dân chủ của công dân.
1. Hành vi nguy hiểm cho xã hội
Hành vi nguy hiểm cho xã hội là hành vi đã gây ra hay đe doạ gây ra thiệt hại đáng kể đến các quan hệ xã hội được luật hình sự bảo vệ. Quan hệ xã hội được luật hình sự bảo vệ trong các tội xâm phạm quyền tự do, dân chủ của công dân là các quyền tự do, dân chủ của con người được cụ thể hoá, do Hiến pháp và pháp luật quy định. Tuy nhiên, Hiến pháp và pháp luật quy định công dân có nhiều quyền, có những quyền bị xâm phạm tới mức bị coi là tội phạm đã được quy định trong các Chương khác của Bộ luật hình sự. Ví dụ: Các tội xâm phạm sở hữu (Chương XIV); các tội xâm phạm tính mạng, sức khoẻ, nhân phẩm, danh dự con người (Chương XII)... Chương XIII chỉ quy định các tội xâm phạm quyền tự do, dân chủ, và cũng chỉ quy định một số quyền tự do, dân chủ bị xâm phạm là tội phạm. Đó là: Quyền tự do thân thể; chỗ ở; bí mật hay an toàn thư tín, điện thoại, điện tín; quyền bầu cử, ứng cử; quyền lao động; quyền hội họp, lập hội, tự do tín ngưỡng, tôn giáo; quyền bình đẳng của phụ nữ; quyền tác giả; quyền khiếu nại tố cáo.
Việc đánh giá hành vi nào là hành vi nguy hiểm cho xã hội tới mức bị coi là tội phạm khi xâm phạm đến các quyền tự do, dân chủ của công dân phụ thuộc vào tình hình phát triển của xã hội và yêu cầu đấu tranh phòng ngừa tội phạm. Nếu trước đây, hành vi chiếm đoạt thư, điện báo chưa bị xử lý kỷ luật hay xử phạt hành chính đã là hành vi nguy hiểm cho xã hội, thì nay Điều 125 Bộ luật hình sự năm 1999 quy định hành vi trên đã bị xử lý kỷ luật hay xử phạt hành chính mà còn vi phạm mới là hành vi nguy hiểm cho xã hội và được coi là hành vi phạm tội. Ngược lại, có hành vi trước đây chưa được coi là hành vi nguy hiểm cho xã hội, nhưng nay lại coi là nguy hiểm cho xã hội và được coi là tội phạm. Ví dụ: Hành vi chiếm đoạt telex, fax, trước đây chưa được coi là hành vi nguy hiểm cho xã hội, nay hành vi này được coi là hành vi nguy hiểm cho xã hội và bị coi là tội phạm.
2. Hành vi nguy hiểm cho xã hội phải được quy định trong Bộ luật hình sự
Việc nhà làm luật quy định chỉ những hành vi nguy hiểm cho xã hội được quy định trong Bộ luật hình sự mới là tội phạm là nhằm gạt bỏ việc áp dụng nguyên tắc tương tự. Chỉ có Bộ luật hình sự mới được quy định tội phạm, ngoài Bộ luật hình sự ra không có văn bản pháp luật nào khác được quy định tội pham. Trước khi Bộ luật hình sự năm 1985 được ban hành, đã có một thời gian dài các Toà án vận dụng đường lối chính sách hiện hành để xét xử một số hành vi mà pháp luật hình sự không quy định là tội phạm.
Sau khi Bộ luật hình sự năm 1985 được ban hành, cũng có nhiều ý kiến cho rằng, việc nhà làm luật quy định những hành vi nguy hiểm cho xã hội nhất thiết phải được quy định trong Bộ luật hình sự sẽ dẫn đến tình trạng hình sự hoá một cách tuyệt đối. Trong khi đó ở nhiều nước trên thế giới chỉ quy định "tội phạm là hành vi nguy hiểm cho xã hội được quy định trong luật hình sự" hay "tội phạm là hành vi trái pháp luật hình sự". Mặt khắc, tại Điều 2 Bộ luật hình sự năm 1985 cũng chỉ quy định: "Chỉ người nào phạm một tội đã được luật hình sự quy định mới phải chịu trách nhiệm hình sự", trong khi đó khái niệm tội phạm quy định tại Điều 8 Bộ luật hình sự năm 1985 lại quy định: " tội phạm là hành vi nguy hiểm cho xã hội được quy định trong Bộ luật hình sự..." Vậy là giữa khái niệm tội phạm và cơ sở trách nhiệm hình đã không được quy định thống nhất ngay trong Bộ luật hình sự, dẫn đến việc hiểu và giải thích rất khác nhau giữa khái niệm tội phạm với cơ sở trách nhiệm hình sự. Trong quá trình soạn thảo Bộ luật hình sự năm 1999, cũng có ý kiến đề nghị Bộ luật hình sự nên quy định: " Tội phạm là hành vi nguy hiểm cho xã hội được quy định trong luật hình sự." ý kiến này có nhân tố hợp lý, tránh sự sửa đổi, bổ sung Bộ luật hình sự một cách triền miên, nhưng lại không đảm bảo tính thống nhất, tập trung, dễ dẫn đến tình trạng chồng chéo, mâu thuẫn giữa văn bản này với văn bản khác. Trong điều kiện xây dựng một Nhà nước pháp quyền thì con người với đầy đủ quyền và nghĩa vụ của mình, được biết mình được làm gì, không được làm gì, nhất là các quan hệ pháp luật hình sự lại liên quan trực tiếp đến những quyền cơ bản nhất của con người kể cả quyền sống. Vì vậy, luật hình sự cần được pháp điển hoá thành Bộ luật hoàn chỉnh, nơi duy nhất quy định về tội phạm và hình phạt, đảm bảo tốt nhất cho việc thực hiện chính sách hình sự, đảm bảo quyền công dân, đảm bảo tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa. Sau hơn mười năm thi hành và qua nhiều lần thảo luận, một lần nữa Bộ luật hình sự năm 1999 vẫn khẳng định hành vi nguy hiểm cho xã hội phải được quy định trong Bộ luật hình sự mới là tội phạm, đồng thời sửa đổi Điều 2 của Bộ luật hình sự cho phù hợp với khái niệm tội phạm quy định tại Điều 8 với nội dung " Chỉ người nào phạm một tội đã được Bộ luật hình sự quy định mới phải chịu trách nhiệm hình sự".
3. Chủ thể của các tội xâm phạm quyền tự do, dân chủ của công dân là người có năng lực trách nhiệm hình sự
Chủ thể của tội phạm nói chung và của các tội xâm phạm quyền tự do, dân chủ của công dân nói riêng là người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội, nhưng không phải ai thực hiện hành vi xâm phạm quyền tự do, dân chủ của công dân cũng đều là chủ thể của tội phạm này, mà chỉ những người có năng lực trách nhiệm hình sự mới là chủ thể của tội phạm.
Bộ luật hình sự không quy định năng lực trách nhiệm hình sự là gì, mà chỉ quy định tình trạng không có năng lực trách nhiệm hình sự (Điều 13) và tuổi chịu trách nhiệm hình sự (Điều 12). Từ quy định này, chúng ta có thể hiểu chủ thể của tội phạm phải là người ở một độ tuổi nhất định và là người nhận thức được và điều khiển được hành vi của mình.
a. Tuổi chịu trách nhiệm hình sự.
Luật hình sự nước nào cũng quy định tuổi chịu trách nhiệm hình sự, nhưng không phải tất cả các nước đều quy định giống nhau, điều đó hoàn toàn tuỳ từng trường hợp vào thực tiễn đấu tranh phòng chống tội phạm của mỗi nước, vào sự phát triển về sinh học của con người ở mỗi quốc gia khác nhau: ở Anh từ 8 tuổi, ở Mỹ từ 7 tuổi, ở Thụy Điển từ 15 tuổi, ở Nga từ 14 tuổi, ở Pháp từ 13 tuổi, ở các nước đạo Hồi như Ai -Cập, Li-băng, I -Rắc từ 7 tuổi. v.v...1
Ở nước ta, căn cứ vào thực tiễn đấu tranh phòng chống tội phạm, có tham khảo luật hình sự của các nước khác trên thế giới và trong khu vực, Bộ luật hình sự đã quy định: Người đủ 14 tuổi trở lên, nhưng chưa đủ 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về những tội phạm rất nghiêm trọng do cố ý hay tội đặc biệt nghiêm trọng. Người đủ 16 tuổi trở lên phải chịu trách nhiệm hình sự về mọi tội phạm ( Điều 12 Bộ luật hình sự ).
Vấn đề đặt ra về lý luận cần giải quyết, đó là: vì sao người chưa đủ 14 tuổi lại không phải chịu trách nhiệm hình sự về hành vi nguy hiểm cho xã hội mà họ gây ra ? Khoa học luật hình sự xác định tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự chủ yếu dựa vào tiêu chuẩn về sự phát triển tâm sinh lý của con người, trong đó đặc biệt nhấn mạnh đến sự phát triển về quá trình nhận thức của con người và yêu cầu đấu tranh phòng chống tội phạm.
Người chưa đủ 14 tuổi, trí tuệ chưa phát triển đầy đủ nên chưa nhận thức được tính nguy hiểm cho xã hội về hành vi của mình, chưa đủ khả năng tự chủ khi hành động nên họ không bị coi là có lỗi về hành vi nguy hiểm cho xã hội mà họ thực hiện. Một hành vi được coi là không có lỗi cũng tức là không đủ yếu tố cấu thành tội phạm nên họ không phải chịu trách nhiệm hình sự ( loại trừ trách nhiệm hình sự ).
Người từ đủ 14 tuổi trở lên nhưng chưa đủ 16 tuổi được coi là người chưa có năng lực trách nhiệm hình sự đầy đủ. Do đó, họ chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự về một số tội phạm theo quy định của pháp luật chứ không chịu trách nhiệm hình sự về tất cả các tội phạm. Theo luật hình sự nước ta thì người từ đủ 14 tuổi trở lên nhưng chưa đủ 16 tuổi chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự về những tội phạm rất nghiêm trọng do cố ý hay tội đặc biệt nghiêm trọng (khoản 2 Điều 12 Bộ luật hình sự).
- Tội phạm ít nghiêm trọng là tội phạm gây nguy hại không lớn cho xã hội mà mức cao nhất của khung hình phạt đối với tội ấy là đến ba năm tù. Đến ba năm tù chứ không phải là ba năm tù, do đó khi xác định tội phạm ít nghiêm trọng được quy định trong Bộ luật hình sự phải căn cứ vào mức cao nhất của khung hình phạt, nếu mức cao nhất của khung hình phạt từ ba năm tù trở xuống thì đó là tội phạm ít nghiêm trọng. Đối với các tội xâm phạm quyền tự do, dân chủ của công dân, các trường hợp quy định trong các điều khoản sau đây là tội phạm ít nghiêm trọng:
Khoản 1 Điều 123; Điều 124; Điều 125; Điều 126; Điều 127; Điều 128; Điều 129; Điều 130; Điều 132 và khoản 1 Điều 133. Như vậy, hầu hết các tội xâm phạm quyền tự do, dân chủ của công dân là các tội ít nghiêm trọng.
- Tội phạm nghiêm trọng là tội phạm gây y nguy hại lớn cho xã hội mà mức cao nhất của khung hình phạt đối với tội ấy là đến bảy năm tù. Đến bảy năm tù chứ không phải là bảy năm tù, do đó khi xác định tội phạm ít nghiêm trọng được quy định trong Bộ luật hình sự phải căn cứ vào mức cao nhất của khung hình phạt, nếu mức cao nhất của khung hình phạt từ bảy năm tù trở xuống thì đó là tội phạm nghiêm trọng. Đối với các tội xâm phạm quyền tự do, dân chủ của công dân chỉ có ba trường hợp là tội phạm nghiêm trọng, đó là các tội quy định tại khoản 2 Điều 123; khoản 2 Điều 129 và khoản 2 Điều 132.
- Tội phạm rất nghiêm trọng là tội phạm gây y nguy hại rất lớn cho xã hội mà mức cao nhất của khung hình phạt đối với tội ấy là đến mười lăm năm tù. Đến mười lăm năm tù chứ không phải là mười lăm năm tù, do đó khi xác định tội phạm ít nghiêm trọng được quy định trong Bộ luật hình sự phải căn cứ vào mức cao nhất của khung hình phạt, nếu mức cao nhất của khung hình phạt từ mười lăm năm tù trở xuống thì đó là tội phạm rất nghiêm trọng. Đối với các tội xâm phạm quyền tự do, dân chủ của công dân chỉ có một trường hợp là tội phạm rất nghiêm trọng, đó là trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 123 về tội bắt, giữ hay giam người trái pháp luật. Không có trường hợp nào là tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.
- Tội phạm đặc biệt nghiêm trọng là tội phạm gây nguy hại đặc biệt lớn cho xã hội mà mức cao nhất của khung hình phạt đối với tội ấy là trên mười lăm năm tù, tù chung thân hay tử hình. Đối với các tội xâm phạm quyền tự do, dân chủ của công dân không có trường hợp nào là tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.
Nếu người từ đủ 14 tuổi trở lên nhưng chưa đủ 16 tuổi lại phạm tội do vô ý thì chỉ bị truy cứu trách nhiệm hình sự trong trường hợp tội phạm đặc biệt nghiêm trọng. Đối chiếu với các quy định về các tội xâm phạm quyền tự do, dân chủ của công dân không có tội phạm nào được thực hiện do vô ý và cũng không có trường hợp nào là tội phạm đặc biệt nghiêm trọng, nên người từ đủ 14 tuổi trở lên nhưng chưa đủ 16 tuổi lại phạm tội do vô ý xâm phạm quyền tự do, dân chủ của công dân thì không cấu thành tội phạm và không bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Một người chưa đủ 18 tuổi khi thực hiện một hành vi nguy hiểm cho xã hội, theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự thì khi điều tra, truy tố và xét xử, các cơ quan tiến hành tố tụng ( Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát và Toà án) phải xác định rõ tuổi của họ. Cách tính đủ tuổi là tính theo tuổi tròn. Ví dụ: Sinh ngày 1-1-1980 thì ngày 1-1-1994 mới đủ 14 tuổi và ngày 1-1-1996 mới đủ 16 tuổi. Trong trường hợp không có điều kiện xác định chính xác ngày sinh thì tính ngày sinh theo ngày cuối cùng của tháng sinh. Ví dụ: Chỉ biết tháng sinh của người phạm tội là tháng 4-1981 mà không biết ngày nào thì lấy ngày 30-4-1981 là ngày sinh của họ. Trường hợp cũng không có điều kiện xác định chính xác tháng sinh thì lấy ngày cuối cùng của tháng cuối cùng năm sinh là ngày sinh của người phạm tội. Ví dụ: Chỉ biết năm sinh của người phạm tội là năm 1983 thì ngày sinh của người phạm tội là ngày 31-12-1983. Các cơ quan tiến hành tố tụng trong quá trình điều tra, truy tố và xét xử phải tiến hành hết các biện pháp xác minh mà không thể chứng minh được ngày tháng năm sinh thì mới lấy ngày cuối cùng trong tháng hay tháng cuối cùng trong năm làm ngày sinh của người phạm tội. Trong hồ sơ vụ án nhất thiết phải có bản sao giấy khai sinh (nếu là trường hợp có giấy khai sinh) hay các biên bản xác minh có xác nhận của các cơ quan có thẩm quyền (nếu là trường hợp không có giấy khai sinh). Nếu có nhiều tài liệu phản ánh tuổi của người phạm tội khác nhau thì việc xác định tuổi của người phạm tội theo hướng có lợi cho họ.
b. Tình trạng không có năng lực trách nhiệm hình sự
Theo quy định tại khoản 1 Điều 13 Bộ luật hình sự, thì tình trạng không có nặng lực trách nhiệm hình sự là người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội trong khi đang mắc bệnh tâm thần hay một bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hay khả năng điều khiển hành vi của mình.
Như vậy, tiêu chuẩn ( dấu hiệu) để xác định một người không có năng lực trách nhiệm hình sự là mắc bệnh ( tiêu chuẩn y học) và tâm lý( mất khả năng nhận thức hay khả năng điều khiển). Cả hai dấu hiệu này có mối liên quan chặt chẽ với nhau, cái này là tiền đề của cái kia và ngược lại. Một người vì mắc bệnh nên mất khả năng điều khiển và bị mất khả năng điều khiển vì họ mắc bệnh.
Cho đến nay chưa có giải thích chính thức nào về trường hợp không có năng lực trách nhiệm hình sự được quy định tại Điều 13 Bộ luật hình sự. Tuy nhiên, về lý luận cũng như thực tiễn xét xử đã thừa nhận một người không có năng lực trách nhiệm hình sự khi họ mắc một trong các bệnh sau: Bệnh tâm thần kinh niên, bệnh loạn thần, bệnh si ngốc, các bệnh gây rối loạn tinh thần tạm thời.
Một người bị mắc bệnh tâm thần hay một bệnh làm mất khả năng nhận thức phải được Hội đồng giám định tâm thần xác định và kết luận. ở nước ta, ngành tâm thần học mới ra đời, nhưng đã đạt được những kết quả nhất định. Tuy nhiên, cho đến nay, những kiến thức về tâm thần học trong nhân dân và ngay trong đội ngũ cán bộ y tế còn hạn chế, chưa đáp ứng được sự đòi hỏi về phòng và chữa bệnh tâm thần cũng như việc xác định năng lực trách nhiệm hình sự đối với người mắc bệnh tâm thần thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội. Có nhiều trường hợp, có những kết luận trái ngược nhau về tình trạng không có năng lực trách nhiệm hình sự giữa các Hội đồng giám định tâm thần, làm cho việc truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người phạm tội không chính xác. Thậm chí có trường hợp kết luận của Hội đồng giám định không được các cơ quan tiến hành tố tụng chấp nhận vì kết luận đó thiếu cơ sở khoa học, không phù hợp với trạng thái tầm thần của người phạm tội.

CHƯƠNG VIII
KHEN THƯỞNG VÀ XỬ LÝ VI PHẠM

Điều 95
Cơ quan, tổ chức, cá nhân có thành tích trong việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, người tố cáo có công trong việc ngăn ngừa thiệt hại cho Nhà nước, tổ chức, cá nhân thì được khen thưởng theo quy định của pháp luật.

Điều 96
Người giải quyết khiếu nại, tố cáo nếu có một trong các hành vi sau đây thì tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật hay bị truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật:
1- Thiếu trách nhiệm trong việc giải quyết khiếu nại, tố cáo;
2- Gây phiền hà, sách nhiễu, cản trở việc thực hiện quyền khiếu nại, tố cáo;
3- Cố tình trì hoãn việc giải quyết khiếu nại, tố cáo;
4- Làm sai lệch hồ sơ vụ việc trong quá trình giải quyết khiếu nại, tố cáo;
5- Ra quyết định giải quyết khiếu nại, quyết định xử lý tố cáo trái pháp luật;
6- Không kịp thời áp dụng biện pháp cần thiết để chấm dứt hành vi vi phạm pháp luật;
7- Đe dọa, trù dập, trả thù người khiếu nại, tố cáo; bao che cho người bị khiếu nại, tố cáo;
8- Không thực hiện các yêu cầu, kiến nghị của cơ quan, tổ chức và đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân quy định tại các điều 15, 85, 86, 87, 88, 89, 91 và 93 của Luật này;
9- Vi phạm các quy định khác của pháp luật về khiếu nại, tố cáo.

Điều 97
Người tiếp công dân nếu có một trong các hành vi sau đây thì tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật hay bị truy cứu trách nhiệm hình sự:
1- Thiếu trách nhiệm trong việc tiếp công dân;
2- Gây phiền hà, sách nhiễu hay cản trở người đến trình bày khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh;
3- Vi phạm nội quy, quy chế tiếp công dân;
4- Không kịp thời xử lý hay làm sai lệch các thông tin, tài liệu do người khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh cung cấp;
5- Vi phạm các quy định khác của pháp luật về việc tiếp công dân.

Điều 98
Người có trách nhiệm chấp hành quyết định giải quyết khiếu nại, quyết định xử lý tố cáo nếu không chấp hành thì tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt hành chính hay bị truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

Điều 99
Người đứng đầu cơ quan, tổ chức có thẩm quyền mà không áp dụng biện pháp cần thiết để xử lý kịp thời đối với cá nhân vi phạm quy định tại Điều 96, Điều 97 và Điều 98 của Luật này thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật hay bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.

Điều 100
Người nào có một trong các hành vi sau đây thì tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt hành chính hay bị truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật:
1- Kích động, cưỡng ép, dụ dỗ, mua chuộc người khác khiếu nại, tố cáo sai sự thật;
2- Lợi dụng việc khiếu nại, tố cáo để xuyên tạc, vu khống, gây rối trật tự, gây thiệt hại cho cơ quan, tổ chức, cá nhân;
3- Tố cáo sai sự thật ;
4- Đe dọa, trả thù, xúc phạm người khiếu nại, tố cáo, người có trách nhiệm giải quyết khiếu nại, tố cáo;
5- Vi phạm các quy định khác của pháp luật về khiếu nại, tố cáo.

CHƯƠNG IX
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 101
Việc khiếu nại và giải quyết khiếu nại của cá nhân, cơ quan, tổ chức nước ngoài, việc tố cáo và giải quyết tố cáo của cá nhân nước ngoài tại Việt Nam được áp dụng theo quy định của Luật này, trừ trường hợp điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ký kết hay tham gia có quy định khác.

Điều 102
Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật này; căn cứ vào Luật này, các cơ quan khác của Nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội hướng dẫn việc thực hiện pháp luật về khiếu nại, tố cáo trong phạm vi cơ quan, tổ chức mình.

Điều 103
Luật này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 01 năm 1999.
Pháp lệnh khiếu nại, tố cáo của công dân ngày 7 tháng 5 năm 1991 hết hiệu lực, kể từ ngày Luật này có hiệu lực thi hành.
Những quy định trước đây trái Luật này đều bãi bỏ.
Luật này đã được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa X, kỳ họp thứ 4 thông qua ngày 02 tháng 12 năm 1998.
----------------------------------

CÙNG MỘT TÁC GIẢ

1. Giám đốc thẩm, tái thẩm về hình sự- những vấn đề lý luận và thực tiễn (NXB Chính trị Quốc gia - năm 1995)
2. Các tình tiết tăng nặng, tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự (NXB Chính trị Quốc gia - năm 2000)
3. Bình luận án (NXB thành phố Hồ Chí Minh - năm 1998)
4. Thủ tục xét xử sơ thẩm trong luật hình sự Việt Nam (NXB Chính trị Quốc gia - năm 2000)
5. Thủ tục phúc thẩm trong tố tụng hình sự Việt Nam (NXB Chính trị Quốc gia - năm 1998)
6. Thủ tục giám đốc thẩm trong luật tố tụng hình sự Việt Nam (NXB Chính trị Quốc gia - năm 1999)
7. Những trường hợp loại trừ trách nhiệm hình sự (NXB Chính trị Quốc gia - năm 1998)
8. Pháp luật- Thực tiễn và án lệ (NXB Đà Nẵng - năm 1999)
9. Thực tiễn xét xử và pháp luật hình sự (NXB Đà Nẵng - năm 2000)
10. Hình phạt và quyết định hình phạt trong luật hình sự Việt Nam (NXB Chính trị Quốc gia - năm 2000)
11. Bình luận khoa học Bộ luật hình sự năm 1999 - Phần chung (NXB thành phố Hồ Chí Minh - năm 2000)
12. Tìm hiểu tội phạm trong Bộ luật hình sự năm 1999 (NXB thành phố Hồ Chí Minh- năm 2001)
13. Tội phạm và hình phạt trong luật hình sự Việt Nam (NXB Đà Năng- năm 2001)
14. Tìm hiểu các tội xâm phạm, tính mạng, sức khoẻ, nhân phẩm, danh dự con người (NXB Đà Nẵng - năm 2001)
15. Bình luận phần riêng người bị hại 2000 Chương XII (NXB Tp Hồ Chí Minh năm 2002).
16. Bình luận phần riêng người bị hại 2000 Chương XIV (NXB Tp Hồ Chí Minh năm 2002).

Link Download bản DOC
Do Drive thay đổi chính sách, nên một số link cũ yêu cầu duyệt download. các bạn chỉ cần làm theo hướng dẫn.
Password giải nén nếu cần: ket-noi.com | Bấm trực tiếp vào Link để tải:

 
Các chủ đề có liên quan khác

Các chủ đề có liên quan khác

Top