long

New Member
Nhìn lại 20 năm đổi mới và mở cửa nền kinh tế, việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong nông nghiệp, nông thôn trên phạm vi cả nước đã đạt được những thành tựu rất quan trọng. Tuy nhiên, những thành tựu ấy chưa thực sự tương xứng với tiềm năng và lợi thế của nông nghiệp, nông thôn Việt Nam. Điều đó không những đang làm cho nông nghiệp, nông thôn tụt hậu so với công nghiệp và dịch vụ, mà còn ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển bền vững của nền kinh tế nước ta.
I - Khái quát thực trạng chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp


Nhìn một cách tổng quát, các cơ chế, chính sách đổi mới đã mang lại một sinh khí mới cho khu vực nông nghiệp (bao gồm cả nông, lâm nghiệp và thủy sản). Cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn đã có sự chuyển dịch theo hướng giảm tỷ trọng giá trị sản xuất nông nghiệp, tăng giá trị sản xuất công nghiệp và dịch vụ. Tỷ trọng nông, lâm nghiệp và thủy sản trong GDP đã giảm dần từ 24,5% năm 2000 xuống còn 20,9% năm 2005. Điều này là phù hợp với yêu cầu chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa.


Tốc độ tăng trưởng của sản xuất nông nghiệp vẫn được duy trì (chỉ tính riêng trong giai đoạn 2001 - 2005, giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 5,4%/năm, giá trị tăng thêm 3,8%/năm). Công nghiệp nông thôn đã được chú trọng, từng bước phục hồi làng nghề thủ công truyền thống, cụm công nghiệp nhỏ ở các làng nghề, phát triển làng nghề mới, nhất là phát triển công nghiệp chế biến gắn với vùng nguyên liệu... Ngoài ra, các loại hình dịch vụ, thương mại, tín dụng, kỹ thuật nông nghiệp cũng được phát triển mạnh ở nhiều vùng nông thôn.

Cơ cấu sản xuất nông nghiệp bước đầu chuyển đổi theo hướng sản xuất hàng hóa và đã xóa dần tình trạng độc canh cây lương thực. Cơ cấu diện tích các loại cây trồng có những thay đổi tích cực theo hướng nâng cao hiệu quả kinh tế, nhất là các cây phục vụ xuất khẩu. Sản phẩm xuất khẩu ở khu vực nông nghiệp đã tạo được chỗ đứng trên thị trường quốc tế. Chẳng hạn, năm 2005, Việt Nam đứng thứ nhất trên thế giới về xuất khẩu hạt tiêu, thứ hai về xuất khẩu gạo, cà-phê và hạt điều, thứ tư về cao su. Tỷ trọng hàng nông sản xuất khẩu chiếm khoảng 30% - 35% tổng khối lượng hàng nông sản. Việc đẩy mạnh xuất khẩu hàng nông sản đã tác động tích cực đến sản xuất nông nghiệp. Cơ cấu giữa trồng trọt và chăn nuôi đã có thay đổi theo hướng giảm tỷ trọng chăn nuôi, trong khi giá trị tuyệt đối của mỗi ngành đều tăng khá

Giá trị sản xuất thủy sản tăng nhanh là dấu hiệu tích cực trong chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp, nhưng giá trị sản xuất của ngành lâm nghiệp lại chiếm tỷ trọng nhỏ và có xu hướng giảm sút, mặc dù điều kiện phát triển lâm nghiệp ở nước ta rất lớn (năm 1990 giá trị sản xuất khu vực nông nghiệp chiếm 81,4%, lâm nghiệp là 7,6%, ngư nghiệp là 8,3%. Năm 2003, con số tương ứng là 76,5%, 5,0% và 18,4%). Tỷ trọng các mặt hàng nông sản xuất khẩu được chế biến còn rất thấp. Phần lớn sản phẩm xuất khẩu ở khu vực nông nghiệp có sức cạnh tranh yếu, dẫn đến xu hướng giảm đi rõ rệt trong tổng cơ cấu hàng xuất khẩu của cả nước (từ 29% - năm 2000 xuống 24,4% - năm 2005).

Chuyển dịch cơ cấu kinh tế thường kéo theo chuyển dịch cơ cấu lao động trong khu vực nông thôn, nhưng trên thực tế cơ cấu lao động chuyển dịch không đáng kể. Lao động ở khu vực nông nghiệp, nông thôn đang chiếm tỷ trọng lớn trong tổng lao động xã hội (năm 2000 chiếm 68,2%, năm 2005 chiếm 62,5%). Tỷ lệ thời gian có việc làm của lao động trong độ tuổi ở khu vực nông thôn còn thấp. Theo số liệu thống kê, năm 2000 là 74,16%, năm 2005 tăng lên 80,65%(1). Việc di chuyển lao động giữa các vùng và việc di chuyển lao động từ nông thôn ra thành thị mang tính tự phát, thời vụ đã có xu hướng gia tăng, góp phần giải quyết một phần lao động thiếu việc làm và thu nhập thấp. Lực lượng lao động trong khu vực nông nghiệp, nông thôn tăng nhanh, dẫn đến tình trạng dư thừa lao động, thiếu việc làm nghiêm trọng. Trong khi đó, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp còn chậm, thị trường lao động trong khu vực công nghiệp và dịch vụ kém phát triển nên chưa thu hút được nhiều lao động. Bên cạnh đó, trình độ kỹ thuật của lực lượng lao động trong khu vực nông nghiệp, nông thôn còn thấp. Cùng với dư thừa lao động đã xuất hiện tình trạng thiếu lao động trẻ ở một số địa phương do sự di chuyển lao động tự do ra thành thị.

Chuyển dịch cơ cấu vùng kinh tế đã có bước điều chỉnh theo hướng phát huy lợi thế so sánh của từng vùng, hình thành một số vùng trọng điểm, vùng động lực và vùng chuyên canh sản xuất nông phẩm hàng hóa (chuyên môn hóa cây trồng, vật nuôi...), đóng góp quan trọng vào sự tăng trưởng của nền kinh tế. Tuy nhiên, sự kết hợp, bổ sung cho nhau giữa các vùng còn yếu, nên chênh lệch về tốc độ phát triển giữa các vùng, nhất là giữa đô thị và nông thôn có xu hướng gia tăng.
Như vậy, về cơ bản, xu hướng chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa cũng như trong nội bộ khu vực nông nghiệp, nông thôn bước đầu đã có chuyển biến tích cực. Song, so với nhu cầu và khả năng, nhất là yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế thì tốc độ chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn diễn ra còn chậm, chưa tương xứng với tiềm năng và lợi thế sẵn có, chưa đạt yêu cầu so với đòi hỏi phát triển nền sản xuất nông nghiệp bền vững. Việc đưa tiến bộ khoa học - công nghệ vào phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn còn chậm, tuy đã xuất hiện những thành tố của một nền nông nghiệp hàng hóa, nhưng nhìn từ góc độ hiệu quả kinh tế thì vẫn còn ở trình độ thấp. Hiệu quả sử dụng vốn chưa cao, vốn đầu tư vào các khu vực kém phát triển vẫn chủ yếu hướng vào việc xóa đói, giảm cùng kiệt hơn là tập trung vào mục tiêu thị trường - mở cửa, do đó, chưa phát huy được tiềm năng, thế mạnh của các địa phương. Công nghiệp chế biến nông, lâm nghiệp và thủy sản chưa được chú trọng đầu tư đúng mức. Khả năng cạnh tranh hàng nông sản trên thị trường chưa cao. Thị trường tiêu thụ nông sản đang đặt ra nhiều vấn đề bức xúc hiện nay.
Những hạn chế trên đây do nhiều nguyên nhân chủ quan và khách quan, như: định hướng chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa đã được xác định, song chưa có chương trình đồng bộ và hệ thống; một số cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp, nông thôn chưa sát với thực tế, chưa tính hết tiềm năng và lợi thế của từng vùng miền và địa phương; hướng đầu tư còn dàn trải nên kém hiệu quả; cơ sở hạ tầng còn thiếu đồng bộ, hệ thống giao thông xuống cấp nghiêm trọng do thiếu nguồn kinh phí cho việc duy tu, bảo dưỡng định kỳ; lực lượng lao động có trình độ kỹ thuật cao còn thiếu; quan hệ cung - cầu trên thị trường, cũng như mối liên kết giữa sản xuất, chế biến và tiêu thụ nông sản chưa đồng bộ...

II - Một số giải pháp thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn

Một điều cần nhấn mạnh là, tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn ở nước ta phải “hướng tới xây dựng một nền nông nghiệp hàng hóa lớn, đa dạng, phát triển nhanh và bền vững, có năng suất, chất lượng và khả năng cạnh tranh cao”(2), mà thực chất là cải thiện nhanh chóng trình độ của nền kinh tế, nâng cao sức cạnh tranh quốc tế của các sản phẩm nói chung, sản phẩm trong khu vực nông nghiệp nói riêng. Chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp phải gắn với chuyển hướng cơ cấu đầu tư mạnh mẽ, với bước đi hợp lý trong từng giai đoạn cụ thể nhằm tận dụng tối đa lợi thế so sánh hiện có, trong đó lợi thế lớn nhất là lao động. Đây được coi là một trong những khâu quan trọng nhất.
Vì vậy, để đẩy mạnh việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, góp phần thực hiện rút ngắn công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, cần tiến hành đồng thời một hệ thống các giải pháp đồng bộ... ở đây chỉ đề cập đến một số giải pháp được coi là chủ yếu sau:

Một là, nhận thức rõ đặc trưng của nước ta, từ một nền nông nghiệp tự cung, tự cấp chuyển sang một nền nông nghiệp hàng hóa, cạnh tranh ngày càng gay gắt trên thị trường trong nước và xuất khẩu, đòi hỏi phải định hướng lại sản xuất nông nghiệp theo yêu cầu của thị trường. Nên chăng, từ nay đến năm 2010, có thể và cần giảm diện tích đất trồng lúa, giữ ổn định với một số diện tích ở những vùng có lợi thế hơn với hướng phát triển là thâm canh tăng năng suất, nâng cao chất lượng, hiệu quả sản xuất và xuất khẩu lúa gạo.
Chú trọng hiệu quả của các hoạt động nghiên cứu và triển khai, đầu tư thích đáng vào chuyển giao công nghệ, bằng con đường công nghiệp hóa công nghệ, - giải pháp căn bản và bền vững hơn cả, tạo ra sự phát triển nhảy vọt trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn. Đưa công nghệ sinh học, giống mới, quy trình sản xuất mới, công nghệ mới vào việc bảo quản, chế biến nông sản..., vào tăng trưởng của từng ngành, từng sản phẩm, từng lĩnh vực và từng vùng kinh tế sao cho phù hợp với điều kiện sinh thái cụ thể. Khuyến khích mở rộng phạm vi và nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ nông nghiệp như: trợ giúp kỹ thuật, cung cấp thông tin thị trường, hỗ trợ tài chính và hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm... Xóa bỏ tình trạng độc quyền, hạn chế rủi ro thị trường bằng việc cải thiện điều kiện mua bán sản phẩm của người nông dân; củng cố hệ thống khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư cũng như đội ngũ cán bộ làm công tác này để có thể nhanh chóng ứng dụng khoa học - công nghệ tiên tiến vào sản xuất nông nghiệp; xúc tiến công tác đào tạo nông dân cả về kỹ thuật sản xuất và quản lý kinh doanh để giúp họ chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Đặc biệt, Nhà nước có thể áp dụng các biện pháp hỗ trợ nông dân (trong khuôn khổ quy định của WTO), nhất là các chính sách về khuyến nông, đầu tư khoa học - kỹ thuật để nâng cao sản phẩm của khu vực nông nghiệp.

Đẩy mạnh phát triển công nghiệp và dịch vụ ở khu vực nông thôn. Nên chuyển một số doanh nghiệp gia công và chế biến nông sản ở thành phố, thị xã về nông thôn, đồng thời với việc phát triển các doanh nghiệp công nghiệp có quy mô vừa và nhỏ có khả năng tiếp nhận công nghệ hiện đại. Ở những vùng nông thôn, - nơi có điều kiện, có thể xây dựng các khu vực công nghiệp tập trung, các điểm công nghiệp ở nông thôn, các làng nghề gắn với thị trường trong nước và xuất khẩu; đối với các làng nghề truyền thống ở nông thôn có lịch sử lâu đời cần kết hợp giữa truyền thống và hiện đại để phát huy hiệu quả các tiềm năng hiện có, nhất là vừa đẩy mạnh phát triển sản xuất, vừa mở mang các loại hình du lịch làng nghề truyền thống.

Hai là, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn là một trong những giải pháp quan trọng của chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp nông thôn. Bài học kinh nghiệm của các nước đã công nghiệp hóa cho thấy, quy luật phổ biến là công nghiệp hóa bao giờ cũng đi cùng với đô thị hóa - một trong các giải pháp thu hẹp khoảng cách chênh lệch giữa nông thôn và thành thị. Việc hình thành mạng lưới đô thị, một mặt giữ vai trò là cực tăng trưởng trong chiến lược phát triển vùng trên phạm vi cả nước, mặt khác có điều kiện tạo thêm nhiều việc làm, thu hút một phần lao động nông nghiệp, từng bước giải quyết vấn đề dư thừa lao động ở nông thôn. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng việc bảo đảm an toàn, ổn định đời sống của lao động nông nghiệp trong quá trình chuyển dịch cơ cấu lao động giữ vai trò quan trọng trong việc ổn định và phát triển kinh tế - xã hội ở khu vực nông nghiệp - nông thôn.

Ba là, tiếp tục đổi mới và hoàn thiện các chính sách kinh tế vĩ mô như chính sách tín dụng, chính sách thuế, chính sách đất đai... nhất là hệ thống luật pháp kinh tế nhằm phát triển mạnh mẽ nền kinh tế nhiều thành phần. Khuyến khích và tạo điều kiện cho hội nông dân ở cơ sở hoạt động có hiệu quả. Tăng cường các hoạt động phổ biến, hướng dẫn, sử dụng và chuyển giao quy trình công nghệ mới với các hình thức thích hợp. Tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của kinh tế hộ - với tư cách đơn vị sản xuất hàng hóa trong nền kinh tế thị trường. Khuyến khích phát triển các doanh nghiệp tư nhân vừa và nhỏ ở nông thôn - lực lượng này giữ vai trò chủ đạo trong việc tạo ra việc làm mới thu hút một phần lao động nông nghiệp. Khuyến khích mô hình hợp tác xã kiểu mới - loại hình tổ chức kinh doanh thuộc thành phần kinh tế tập thể trong khu vực nông nghiệp. Sắp xếp lại và đổi mới doanh nghiệp nhà nước trong khu vực nông nghiệp, thực hiện đa dạng hóa hình thức sở hữu các doanh nghiệp hoạt động kinh doanh; thay đổi cơ chế hoạt động của các doanh nghiệp hoạt động công ích thành những doanh nghiệp mạnh, đóng vai trò chủ đạo trong việc thực hiện dịch vụ kỹ thuật, cung ứng giống, tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm.
Bốn là, nâng cao chất lượng công tác quy hoạch phát triển vùng trong phạm vi cả nước, quan hệ kinh tế giữa các vùng trên cơ sở phát huy tối đa lợi thế so sánh của từng vùng. Phát triển các vùng nông thôn có lợi thế so sánh, có thế mạnh về tiềm năng tự nhiên cho phép tạo nhiều việc làm và tăng thu nhập như vùng duyên hải, biển đảo, vùng miền Đông và Tây Nam Bộ... Định hướng, quy hoạch phát triển mạnh hệ thống thị trường tiêu thụ các mặt hàng nông sản, nâng cao sức mua của thị trường trong nước, mà trọng tâm là khu vực thị trường nông thôn, kể cả hệ thống chợ nông thôn.
 
Các chủ đề có liên quan khác
Tạo bởi Tiêu đề Blog Lượt trả lời Ngày
T Các nhân tố ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong thời kỳ đổi mới kinh tế từ năm 1986 đến Luận văn Kinh tế 0
T Giáo dục ngoại ngữ ở trường trung học phổ thông những năm đổi mới tại một số tỉnh thành đồng bằng Bắ Luận văn Sư phạm 0
D Nghiên cứu tiến triển của giáo học Pháp ngoại ngữ từ năm 1945 đến nay nhằm đổi mới quy trình đào tạo Luận văn Sư phạm 0
B Đổi mới tư duy kinh tế của Đảng Cộng sản Việt Nam từ năm 1986 đến nay Kinh tế chính trị 2
H Một số vấn đề về giáo dục ở Mão Điền (huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh) trong những năm đổi mới Lịch sử Việt Nam 2
T Đổi mới công tác tư tưởng trong bối cảnh bùng nổ thông tin (qua khảo sát tỉnh Hưng Yên từ năm 2006 đ Văn hóa, Xã hội 0
N Tìm hiểu về những thách thức đổi mới kỹ năng đọc hiểu của sinh viên năm thứ nhất không chuyên Anh. M Ngoại ngữ 0
T [Free] Quá trình hình thành đường lối đổi mới từ năm 76 đến 86 Tài liệu chưa phân loại 0
A [Free] Đổi mới và phát triển các Hợp tác xã nông nghiệp theo Luật hợp tác xã năm 2003 ở huyện Nam Tr Luận văn Kinh tế 0
K Những vấn đề của sự biến đổi xã hội ở Việt Nam sau 15 năm đổi mới Luận văn Kinh tế 0

Các chủ đề có liên quan khác

Top