tctuvan

New Member
Nhìn lại những vụ bạo lực học đường gây xôn xao dư luận xã hội thời gian vừa qua. Các em học sinh “trị” nhau giữa phố. Bạn bè thản nhiên ngồi xem và quay clip bằng điện thoại, không mấy ai can ngăn. Khi quay xong hình, các em khoái trá post lên mạng, rồi truyền nhau qua internet để cùng bình phẩm. Đó là một chuỗi sự vô cảm. Cho đến khi thành sự kiện “hot” thì xã hội mới bùng lên chất vấn: Vì sao giới trẻ không dũng cảm bài trừ cái xấu mà lại ngoảnh mặt làm ngơ?

Nhân loại không ngừng báo động về hiểm họa căn bệnh thế kỉ, về sự phá hủy môi sinh, về những tai họa sắc tộc, quyền lực dẫn đến sự tiêu vong của hàng vạn, hàng triệu sinh linh trên thế giới này… Thế nhưng, có những cái mất vô cùng to lớn, nguy hại và cấp bách thì lại ít được nhắc đến, ít được nêu lên một cách khẩn cấp như một căn bệnh AIDS về tinh thần. Đó chính là “hội chứng” vô cảm, tình trạng giá lạnh tâm hồn đang tồn tại trong giới trẻ.

Hội chứng” vô cảm hay nói cách khác là căn bệnh trơ cảm xúc trước niềm vui, nhất là nỗi đau của người khác, vốn dĩ là một mặt trong hai phương diện cấu trúc bản chất con người của mỗi một sinh thể người. Tính “Con” và tính “Người” luôn luôn hình thành, phát triển ở mỗi con người từ khi lọt lòng mẹ cho đến khi nhắm mắt xuôi tay. Cái thiện và cái ác luôn luôn đi song hành, theo từng bước đi, qua từng cử chỉ, hành vi của mỗi con người trong mối quan hệ với cộng đồng, với cha mẹ, anh chị em, bạn bè, bà con hàng xóm, đồng bào, đồng loại…

Châm ngôn sống của Tào Tháo: “Phải hại người trước khi người hại ta”; câu trả lời thầy của Lý Trần Quán thời Lê Mạt: “Sợ thầy không bằng sợ giặc, yêu Chúa không bằng yêu bản thân”… đều là dấu hiệu của thời buổi mà tâm lý thực dụng, chủ nghĩa ích kỉ đã trở thành phương châm xử thế. Nhân loại đã bao lần, qua bao thế hệ, trên biết bao quốc gia của hành tinh này đã nhắc đi nhắc lại những châm ngôn cao thượng của Phật, của Jeessu, của Khổng Tử hay những triết luận sâu sắc ý vị của biết bao danh nhân thời văn hóa phục hưng cho đến những nhà văn xã hội chủ nghĩa về sau. Nhưng một khi xã hội đi sâu vào thị trường, vào kinh doanh, vào hàng hóa, vào lời lỗ, vào hơn thiệt, vào được mất, vào cạnh tranh sinh tồn chỉ nhằm một mục đích tối thượng là đồng tiền, là vị ngã, thì nhất định tất cả mọi tình cảm, mọi khát vọng cao thượng có nguy cơ sẽ bị dìm xuống “dòng sông băng giá của đồng tiền”. Tiền là thước đo mọi giá trị, “tiền là Tiên, là Phật”. Nói như một nhà văn lớn, “người ta chỉ lo túi tiền rỗng đi nhưng lại không biết lo tâm hồn mình đang vơi cạn.” Tâm lí thực dụng là nguồn kích thích cho sự phát triển của tâm lí “sống chết mặc bay”, mạnh ai người ấy được. Tâm lí thực dụng xô đẩy con người nhanh chóng sảy chân vào vũng lầy sa đọa và tội lỗi.

Granhin, một nhà văn có tên tuổi trên thế giới đã kể lại câu chuyện ông thân sinh bắt ông hồi bé tự tay cầm đồng rúp trao cho người hành khất mà ông cảm giác sợ hãi vô cùng. Và Granhin kết luận rằng tình cảm nhân văn không phải tự nhiên có được mà là kết quả của sự giáo dục. Giáo dục để có ý thức và có bản năng yêu thương con người, nhạy cảm với nỗi vui buồn của con người… Đó là chân lý, là qui luật hình thành nhân cách, bản chất nhân văn của con trẻ ngay từ nhỏ. Nhà trường cũng như cha mẹ phải nhận thức được một cách sâu sắc và có kế hoạch giáo dục tỉ mỉ cụ thể để bồi dưỡng những tình cảm nhân ái cho trẻ em ngay từ khi còn măng sữa.

Nhà sư phạm nổi tiếng Xukhômlinxki kể lại kinh nghiệm giáo dục lòng nhân ái cho học sinh của ông từ những quan sát cụ thể hành vi hàng ngày của trẻ con. Chú bé học sinh của ông cầm mảnh chai rạch bụng con bọ ngựa một cách thích thú. Ông đã bình luận rằng: “Em bé này về sau có khả năng trở thành một tên sát nhân nếu nó không được giáo dục ngày từ bây giờ.” Và ông cũng kể lại câu chuyện một bà mẹ hoãn bữa tiệc mừng sinh nhật của con gái mình chỉ vì khi chiều cô con gái đã nhắc nhỏ mẹ là đến tối nhớ không cho bà nội có mặt kẻo làm mất cuộc vui của con với bạn bè. Bà mẹ đã hoãn tổ chức sinh nhật với lí do: “Bà nội con mệt, không dự được buổi sinh nhật của con!”. Xukhômlinxki đã biểu dương tình cảm, đạo đức, cũng như phương pháp giáo dục con đúng đắn nhạy cảm của bà mẹ nọ. Và ông cho rằng phải ngăn ngừa, bóp chết ngay từ nhỏ những mầm mống ích kỉ, những tình cảm thấp kém của trẻ con.

Xét từ góc độ tâm lý, PGS.TS Phạm Thanh Tâm (Viện Văn hóa, trường ĐH Văn hóa) cho rằng: “Vô cảm không phải là một căn bệnh mà là kết quả của quá trình tác động tiêu cực của gia đình, nhà trường và xã hội. Nếu sự vô cảm cứ lặp đi lặp lại nhiều lần thì hậu quả là trẻ sẽ trở nên thờ ơ, dửng dưng với tất cả những gì xảy ra xung quanh; hững hờ với hoàn cảnh, khó gây được hứng thú và cảm xúc, tình cảm.” Như vậy, bản thân cha mẹ và thầy cô giáo là những người phải có được một trình độ giáo dục thẩm mĩ nhân văn để đảm đương được công việc giáo dục cực kì khó khăn phức tạp và tế nhị này; văn hóa được hiểu theo trên cả ba bình diện ý thức, kiến thức và nghệ thuật giáo dục.

Từ bàng quan, dửng dưng, vô cảm đến nhẫn tâm chỉ cách nhau một sợi giây nhỏ bé mong manh vô hình. Xã hội càng hiện đại thì thói bàng quan và tật vô cảm càng có nguy cơ tràn lan, cũng là một điều buốt giá. Tình cảm đạo đức, tình cảm nhân văn ở con trẻ không phải là những kết quả của những lời giáo huấn đơn thuần hay là kết quả của những giờ lên lớp về đạo đức. Tình cảm ấy chỉ có thể có được thông qua những hành vi hoạt động thực tế cụ thể để con người được tập luyện dần và tự giáo dục từng bước một trên con đường hình thành một bản lĩnh nhân văn phong phú và nhạy bén

Trích đề thi văn 2015
 

Các chủ đề có liên quan khác

Top