Em hãy viết bài giới thiệu đôi nét về quê hương em.



HƯỚNG DẪN.



Giới thiệu về quê hương, các em có thể giới thiệu về một nội dung: thắng cảnh, di tích lịch sử, truyền thống văn hóa…



GIẢI ĐÁP.




Em sinh ra và lớn lên ở Tây Ninh. Nơi đây có núi Bà Đen nổi tiếng. Hằng năm, cứ vào đầu tháng giêng, lúc tiết trời mát mẻ, từng dòng người từ nhiều ngả đường hướng về núi Bà Đen ngoạn cảnh, lẽ Bà.



Đến núi Bà Đen, ta được thỏa thích ngắm cảnh rừng mai bên suối, hoa vàng óng ả, đọt lá non tơ. Đỉnh non, mây trắng bồng bềnh. Ngang sườn, chùa điện mịt mờ hương khói. Hang động đầy huyền bí. Rừng thẳm kề vực sâu. Quanh co suối khe uốn lượn. Trong rừng vượn hót, chim kêu. Đường lên núi gập ghềnh, nhưng nay đã có đường cáp treo, thật thuận tiện.



Núi Bà Đen được khách du lịch mến mộ một phần vì cảnh đẹp quyến rũ, một phần vì nơi này có chùa Linh Sơn Thánh Mẫu.



Núi Bà Đen còn là một di tích lịch sử. Trong cả hai cuộc kháng chiến, đây là căn cứ địa cách mạng của nhân dân ta.



Thị xã Tây Ninh còn có Tòa thánh Cao Đài. Tòa thánh là một công trình kiến trúc cầu kì thu hút khách đến tham quan. Tòa thánh được xây dựng trên một bãi đất rộng. Vào bên trong, khách đến thăm sẽ choáng ngợp trước cách trang trí khéo léo, sinh động trên các cây cột, các bức tường. Nên tòa nhà được lát gạch bông bóng loáng. Một không khí thanh thoát bao trùm gợi cho khách một cảm giác dễ chịu khi vào thăm.



Em yêu quê hương Tây Ninh và nguyện lớn lên sẽ góp sức xây dựng cho quê hương thêm đẹp giàu.



Theo 162 bài văn chọn lọc 4*
 

ngoclan8309

New Member
Em hãy viết bài giới thiệu đôi nét về quê hương em.



HƯỚNG DẪN.



Ở bài này, các em nên giới thiệu về một lễ hội ở quê hương.



GIẢI ĐÁP
.



Nam Định nổi tiếng với lễ hội Phủ Giầy.Khách hành hương về Vụ Bản không chỉ để thỏa nguyện tâm linh mà còn tiến hành một cuộc hành hương, du ngoạn về đất tổ. Khách đến dâng hương trước điện thờ Mầu ở Vân Cát, rồi vượt núi lên chùa Gôi, chùa Linh Sơn cúng Phật. Tiếp đó men dọc đồi thông về đỉnh núi Tiên Hương vào điện Thượng thờ Mẫu Thượng Ngàn. Trong không khí trang nghiêm, mọi người làm lễ dâng hương trước Mẫu, xem rước thỉnh kinh, rước kiệu bát cống, long đình, kiệu võng. Đi dọc cầu kiều, các cụ bà vừa đi vừa cầm phan, vừa niệm Phật rì rầm. Những đôi rồng vàng, rồng xanh uốn lượn trên đường trong nền nhạc bát âm rộn rã, trôi nhấp nhô trên cánh đồng ngô đồng đậu bát ngát xanh tươi. Mọi người sẽ xem múa rồng hội trên núi Tiên Hương, ngắm rồng bay trên nền trời xanh thẳm. Đêm đến, sẽ nghe các hội hát chầu văn, xem thả đèn trời. Những đốm lửa lung linh bay lên, bốc cao theo chiều gió làm cho bầu trời đêm hội rực sáng, lung linh, huyền ảo.



(Theo Tống Đức Hiển)*
 

tieududu_1612

New Member
Em hãy viết bài giới thiệu đôi nét về quê hương em.



HƯỚNG DẪN.



Ở bài này, các em hãy giới thiệu về một ngôi chùa, hay ngọn tháp hay dòng sông quen biết của quê hương.



GIẢI ĐÁP.




Thắng cảnh của Huế được biết đến nhiều nhất ở trong nước lẫn ngoài nước là sông Hương.



Sông Hương xưa được gọi là Lô Dung hay sông Dinh, dòng sông mang tên đẹp như tên người con gái, cái tên đầy hương vị có lẽ nhờ mùi thơm tinh khiết của những cây sâm rừng, xương bồ mọc ở đầu nguồn. Sông có hai ngọn nguồn phát xuất từ dãy Trường Sơn. Nguồn Tả Trạch từ núi Trường Động chảy về hướng Tây Bắc lao mình qua 55 ngọn thác hùng vĩ, rồi từ từ chảy ra ngã ba Bằng Lăng; nguồn Hữu Trạch ngắn hơn sau khi vượt khỏi 14 ngọn thác hiểm trở và qua khỏi bến đò Tuần thì đến ngả ba Bằng Lăng hợp với dòng Tả Trạch thành con sông Hương lặng lờ trôi ra biển Đông. Sông dài 20km từ Bằng Lăng đến cửa Thuận An, độ dốc của dòng nước so với mặt biển khoảng 1% nên nước sông chảy rất chậm.



Sông Hương đẹp từ nguồn, uốn lượn quanh co giữa núi rừng từ thác Thủ cuộn sóng về bến Tuần mang theo những mùi vị thơm của thảo mộc rừng nhiệt đới Việt Nam.

Dòng sông chầm chậm lướt qua những xóm làng vườn tược xanh tươi như Vĩ Dạ, Đông Ba, Gia Hội… quyện theo mùi thơm của các loài hoa xứ Huế như ngọc lan thoảng nhẹ, dạ lí nồng nàn, hoa cau ngan ngát, hoa sen ngào ngạt…



Quang cảnh đôi bờ, nào thành quách, phố xá, vườn hoa, chùa tháp… bóng lồng mặt nước phản chiếu lung linh làm cho dòng sông đã yêu kiều càng nên thơ nên mộng, ngày là dải lụa biếc hong ánh nắng trời, đêm là tấm thảm nhung phản chiếu trăng sao.



(Theo Lê Văn Hảo)*
 
Em hãy viết bài giới thiệu đôi nét về quê hương em.



HƯỚNG DẪN.



Các em cần giới thiệu một số lễ hội quen biết.



GIẢI ĐÁP.



Cứ vào mồng 10 tết hàng năm, hội vật mừng xuân lại được tổ chức ở trên mảnh sân phía trước đình làng, và chỉ gói gọn trong một ngày. Vật Sình chỉ phân các đô theo hai bảng tùy lứa tuổi: bảng thiếu niên từ 17 tuổi trở xuống và bảng thanh niên từ 17 tuổi trở lên.



Buổi sáng, vòng sơ kết. Thiếu niên thi đấu đến 9 giờ rưỡi. Tiếp đấy là thành niên so tài. Từng đôi, ở trần, mặc quần cộc và thắt đai



– một đô mang đai xanh, một đô buộc đai đỏ - lần lượt vào sới. Thi lễ xong là lập tức xuất chiêu. Chỉ cần thắng ba người liên tục là được dự bán kết vào buổi chiều.



Buổi chiều, vòng bán kết, không khí càng thêm sôi nổi. Các đô phải đấu loại trực tiếp để chọn hai cặp – một thiếu niên, một thanh niên – tham gia trận chung kết lúc xế tà.



Giải thưởng dành cho nhà vô địch bao giờ cũng có mâm cau trầu rượu, kèm thêm một món tiền mặt, cờ chiến thắng và tấm huy chương.



Sau khi trao giải, các bô lão bước vào đình làng cử hành nghi lễ cúng cáo thành hoàng rất trọng thể. Hội vật truyền thống làng Sình chính thức kết thúc lúc chiếc đèn giấy to tướng được thắp sáng, từ từ bay lên trời cao. Cùng bay theo chiếc đèn thăng thiên là hồi chuông trống vang rền và tiếng hò reo hoan hỉ của muôn người trẩy hội. Cử hành lễ xong thì dân làng mới thoải mái bắt tay làm lụng vì tin rằng thành hoàng sẽ phù hộ cho suốt năm được hanh thông mọi sự.



(Theo Phan – xi – păng)*
 

chaykut3_0238

New Member
Em hãy viết bài giới thiệu đôi nét về quê hương em.



HƯỚNG DẪN.



Quê hương chúng ta có nhiều lễ hội. Em hãy giới thiệu một lễ hội quen biết.



GIẢI ĐÁP.



Hội chọn vật lễ là lễ hội nông nghiệp phản ánh nét độc đáo trong sinh hoạt văn hóa – tình thần của cư dân nông nghiệp.



Làng Tiên Hương (Vụ Bản – Nam Định) có tục thi gà khá độc đáo. Hằng năm cứ đến đêm mồng 2 Tết, làm làm lễ rước đuốc lên đền Thượng núi An Thái, nơi thờ Tả Sơn Thần và Mẫu Thượng Ngàn. Dân làng đội mâm xôi gà lên đền lễ. Sau khi đặt lễ trên những hương án đặt ở sân đền, làm lễ xong, làng mới thi chọn các mâm gà, theo tiêu chuẩn “đầu công, mình cuốc, chân vàng”. Ngoài ra còn phải đảm bảo kĩ thuật luộc chín, không nứt, mổ gọn tư thế, gà ngồi đẹp trên mâm xôi, trang trí mâm lễ đẹp, gà phải to và nặng.



Chọn được mâm gà đẹp, không chỉ gia đình có mâm gà vui mà dân làng cũng hưng phấn vì tin rằng cuộc sống của làng thôn sẽ được yên bình quanh năm.



(Theo Bùi Văn Tam)*
 

konkanguaru

New Member
Em hãy viết bài giới thiệu đôi nét về quê hương em.



HƯỚNG DẪN
.



Các em nên giới thiệu thêm về trò chơi trong lễ hội.



GIẢI ĐÁP
.



Ở vùng Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc, ngày nay có trò chơi bắt chạch trong chum. Trò chơi được diễn ra trước đình làng, vào ngày mùng 6 tháng giêng hằng năm.



Sân đình được đặt rất nhiều chum, ít ra cũng từ 5, 6 chiếc trở lên. Trong chum đựng đầy nước, rồi thả một con chạch vào. Những người dự thi phải là những nam thanh nữ tú và phải tuân theo luật thi như sau: vừa ôm nhau vừa bắt chạch. Tay phải người con gái ôm ngang lưng người con trai, tay trái khoắng vào chum nước. Còn tay phải của người con trai khoắng vào chum nước, tay trái ôm lưng người con gái.



Con chạch da trơn, bơi trong nước rất nhanh, lòng chum lại rộng. Bắt ở trong chậu đã khó, huống chi lại bắt ở trong chum, vừa rộng vừa sâu, lại có đầy nước để chạch bơi lủi.



Ban giám khảo là các bô lão có uy tín trong làng, rất khắt khe trong lúc chấm giải.



Cuộc thi thu hút đông đảo thanh niên trong làng, trong vùng tham gia.



(Theo Phương Duyên)*
 

thuhang07_vt

New Member
Em hãy viết bài giới thiệu đôi nét về quê hương em.



HƯỚNG DẪN.



Các em nên giới thiệu thêm về trò chơi trong lễ hội.



GIẢI ĐÁP.



Nếu trong Nam có hô lô tô thì ở miền Trung có hô bài chòi, một trò chơi giải trí trong dân gian vùng Quảng Nam – Đà Nẵng – Phan Thiết.



Bộ bài của trò chơi bài chòi gồm 30 lá – dài bảy phân rưỡi và hai phân rưỡi bề ngang – trên có vẽ nhiều hình ảnh. Chòi được dựng theo kiểu nhà sàn cao cẳng lợp lá. Tham gia cuộc chơi gồm chín người, mỗi người ngồi trong một chòi. Chòi thứ mười dành cho người hô bài chòi được gọi là “anh hiệu”.



Khi nhập cuộc, bài được chia cho mỗi chòi ba lá, riêng anh hiệu có trong tay nguyện bộ bài. Mở đầu anh hiệu thường rao bằng hai câu thơ:



Gió xuân phảng phất ngọn tre

Hai bên cô bác lắng nghe bài chòi.



Rồi anh hiệu tuần tự rút từng lá và hô bằng cách ngâm nga hay hát có ca có kệ những câu thơ lục bát. Như khi rút lá bài “nhất trò” (có hình một người học trò), anh hô:



Đi đâu cắp sách đi hoài

Cử nhân chẳng thấy (mà) tú tài cũng không.



Ai có lá bài đó liền đánh vào chiếc mõ treo trong chòi. Anh hiệu cho người đem lá bài “nhất trò” đến giao cho và người đó có được một đôi. Chòi nào có được ba đôi thì thắng và gom số tiền do chín người đã “đậu” trước khi vào cuộc.



Người ta chơi bài chòi không để ăn thua. Thú chơi bài chòi là cốt để nghe những câu hò trầm bổng nhịp nhàng như nói thơ. Nhiều người hô bài chòi rất duyên dáng nổi tiếng khắp vùng.



(Theo Trần Văn Khê)*
 

to_du_na

New Member
Em hãy viết bài giới thiệu đôi nét về quê hương em.



HƯỚNG DẪN.



Mỗi vùng quê có đặc sản riêng. Em có thể giới thiệu một đặc sản quê hương.



GIẢI ĐÁP.



Trong dân gian có câu: “Chổi Vĩnh Trường, bánh cuốn Kênh, tương Tức Mặc, rau muống Thượng Lỗi”. Đó là các địa danh thuộc tỉnh Nam Định.



Bánh cuốn làng Kênh có bí quyết riêng và chỉ truyền nghề cho con dâu trong gia đình.



So với bánh cuốn Thanh Trì, bánh cuốn làng Kênh ăn đứt về độ mỏng, mịn và trắng của hình, độ thơm của bánh và độ đậm đà của nước chấm. công cụ làm bánh nghe đơn giản nhưng rất cầu kì. Gáo múc bột phải bằng ống nứa tép, que cất và sểu nhân phải bằng tre, tốt nhất là giang. Vung đậy nồi tráng bánh đan bằng tre, phía trong có lớp vải bảo ôn. Vung nồi phải đạt được hai yêu cầu kĩ thuật là thấm nước và giữ nhiệt, bánh mới chín nhanh. Gạo làm bánh phải là gạo Mộc Tuyền loại ngon, gạo pha tạp bánh sẽ không trắng. Bột bánh phải được xay tay bằng cối đá. Dầu tráng bánh là dầu lạc ép. Bởi dùng mỡ bánh dễ bị khô và có mùi không ngon. Ngày nay dùng dầu ô – liu phải cho bay hết hơi dầu, bánh mới thơm có độ bóng và mềm. Mộc nhĩ, hành sau khi phơi tái phi thơm phải giữ sao cho khô, nếu không bánh sẽ hấp hơi. Người ta nói bánh cuốn là “cô nàng rất khó tính”, kể cũng không ngoa. Không cẩn thận một chút là mặc dầu tráng đúng kĩ thuật, bánh vẫn nhão và từ chuyên môn trong làng bánh nói là “bánh bị ma vầy”. Ngay lá chuối để xếp bánh cũng kén lá chuối tây (goòng), nếu dùng lá chuối tiêu bánh sẽ đắng. Tốt nhất là chọn được lá có độ mềm lại không mang tính chát như lá rong đao (rong diềng). Lau rửa lá cũng không đơn giản. Vì cói sạch khô, đậy trên một lớp lá cũng phải khô, nếu không bánh cũng bị hỏng. Nước mắm chấm bánh cuốn ngày xưa phải là nước mắm Ô Long, vàng óng và thơm. Ngày nay có thể dùng nước mắm ngon. Nguyên liệu pha nước chấm gồm có: nước mắm ngon, dấm thanh, đường trắng và gia vị cổ truyền. Nước chấm được pha theo tỷ lệ đặc biệt, khi ăn được vắt thêm một lát chanh. Mùa lúa còn có vài giọt cà cuống.



(Theo Phương Thủy)*
 

Maccus

New Member
Em hãy viết bài giới thiệu đôi nét về quê hương em.



HƯỚNG DẪN.



Mỗi vùng quê có đặc sản riêng. Em có thể giới thiệu một đặc sản quê hương.



GIẢI ĐÁP
.



Gọi là bánh nhãn vì nó tròn có màu vàng sẫm như quả nhãn thật ưa nhìn.



Nguyên liệu chính làm bánh nhãn là mỡ lợn, gạo nếp, trứng gà, đường kính nhưng đều phải chọn lọc cầu kì. Nếp phải là nếp bắc, nếp cái dóc, nếp hương. Nếu lẫn nếp 352, nếp nõn tre, nếp râu, nếp thầu dầu sẽ làm hỏng bánh. Trứng gà phải tươi, mùa hè không quá bốn ngày, mùa đông không quá bảy ngày sau khi đẻ. Tuyệt đối không được dùng trứng vịt hay trứng khác thay thế, nếu trứng khác bánh sẽ không nổi và dễ cháy mất thơm ngon. Riêng mỡ lợn phải được rán thành nước đựng trong đồ sành, không được pha mỡ khác hay dầu thực vật. Đường phải trắng mới làm cho bánh mềm nhưng giòn tan, giữ độ bóng tạo cảm giác ngọt mát khi thưởng thức.



Khác với các loại bánh rán khác, bánh nhãn nhào bột không dùng nước, thay vào đó là trứng gà đánh nhuyễn luyện bột sao cho không khô, không nhão rồi mới vo bột. Khi rán phải thả bánh ngập mỡ trong chảo trước khi nổi lửa, sau đó giữ cho ngọn lửa lo ron nóng mỡ dần làm cho bánh chín thấu, phồng nổi mới vớt ra để khô. Giai đoạn sau gọi là “thăng đường” tức là nấu đường sánh lại vừa độ thì độ bánh vào “hoán” tức đảo đều với nước đường. Lớp đường này vừa ngấm thấu bánh đủ ngọt vừa làm áo bánh tạo độ bóng đẹp nhưng bảo quản độ giòn bánh được lâu. Bánh bảo quản trong điều kiện khô mát có thể kéo dài từ 25 đến 30 ngày.



Bánh nhãn ngọt vừa không ngọt sắc như kẹo, tạo cảm giác nhẹ nhàng, ăn không biết chán. Vị thơm dẻo mềm giòn của nếp, bùi béo của trứng gà, mát thanh của đường kính sẽ tan dần khi thưởng thức với ấm trà buổi sớm, với rượu buổi trưa, với tách cà phê buổi tối và đặc biệt quyến rũ thú vị làm sao khi tráng miệng sau mỗi bữa ăn.



(Theo Nguyễn Bổng)*
 

manocanhthuong

New Member
Em hãy viết bài giới thiệu đôi nét về quê hương em.



HƯỚNG DẪN.



Mỗi vùng quê có đặc sản riêng. Em có thể giới thiệu một đặc sản quê hương.



GIẢI ĐÁP.



Bún thang dùng loại bún rối, nhỏ và săn sợi. Nước dùng phải dùng một, hai con gà làm thịt luộc lấy nước. Nước gà được ninh với xương hom lợn mà không ninh với sườn sợ xương sườn tiết tủy ra làm nồng. Cua đồng để cả con rửa sạch thả vào ninh rồi vớt ra bỏ đi. Để tăng độ ngọt đậm, người ta còn cho thêm hàng lạng xá sùng dành sẵn. Nước dùng ấy có một độ ngọt đậm tôn hẳn bát bún thang lên. Nhân thang đặt lên mặt bún là thịt gà xé, thịt nạc thái nhỏ, trứng tráng mỏng thái thành sợi, giò thái rối, tôm làm thành ruốc bông, củ cải dầm nước mắm và đường. Mỗi vị đặt thành góc trên bún. Đó là thang gà. Người ta có thể thay gà bằng lươn xé nhỏ xào kĩ, đó là thang lươn hay bằng cua bể gỡ nạc, đó là thang cua.



Khi bát thang đã được sắp xong, người cho ăn còn dùng một loại nước dùng khác sôi bỏng dội qua làm bún thật nóng rồi múc nước dùng chính và mới cho gia vị vào và mời ăn. Gia vị cho thang cũng cần thiết. Trước nhất là mắm tôm, rồi đến cà cuống và rau dăm.



(Theo Vũ Ngọc Lí)*
 
Các chủ đề có liên quan khác
Tạo bởi Tiêu đề Blog Lượt trả lời Ngày
D Từ hiện tượng cá chết hàng loạt tại ven biển miền Trung, anh chị hãy viết một bài văn nghị luận trìn Văn học 0
M Hãy viết một bài văn ngắn (600 từ) trình bày suy nghĩ của anh/ chị về lòng yêu thương con người của Văn học 0
M Hãy viết một bài văn ngắn(không quá 600 từ) trình bày suy nghĩ của anh/chị về ý kiến sau: Một người Văn học 0
D Từ bài thơ "Tiến sĩ giấy” của Nguyễn Khuyến, anh (chị) hãy viết bài văn bàn về danh và thực trong cu Văn học 0
H phát biểu ý kiến về tác dụng của việc đọc sách. Anh/ chị hãy viết một bài văn ngắn (không quá 400 từ Văn học 0
N Hãy viết một bài văn ngắn(không quá 600 từ) trình bày suy nghĩ của anh/chị về ý kiến sau: “Một người Văn học 0
H Viết bài văn nghị luận bàn về ý kiến: Đừng cố gắng trờ thành người nổi tiếng mà trước hết hãy là ngư Văn học 0
F Anh (chị) hãy viết bài văn ngắn (khoảng 600 từ) trình bày suy nghĩ của mình về câu ngạn ngữ sau: Văn học thiếu nhi 0
R Em hãy viết một bài văn tả lại một cảnh đẹp của quê hương mà em thích nhất. Văn học thiếu nhi 0
T Mẹ là hình ảnh đẹp nhất trên đời. Bằng tình yêu và lòng kính trọng của mình, em hãy viết một bài văn Văn học thiếu nhi 0

Các chủ đề có liên quan khác

Top