tanfon

New Member
Đọc lại bài thơ "Rằm tháng Giêng"

Rằm xuân lồng lộng trăng soi,
Sông xuân nước lẫn màu trời thêm xuân.
Giữa dòng bàn bạc việc quân,
Khuya về bát ngát trăng ngân đầy thuyền.

Hồ Chí Minh

Ra đời đã hơn nửa thế kỷ, bài thơ "Rằm tháng Giêng" (Nguyên tiêu) của nhà thơ lớn Hồ Chí Minh vẫn không ngừng được các nhà thơ, nhà nghiên cứu văn học và người yêu thơ tìm hiểu. Giống như "ngọc càng soi càng tỏ", qua thử thách thời gian, "Rằm tháng Giêng" càng lồng lộng trăng soi. Nhất là từ năm 2002, Hội Nhà văn Việt Nam lấy ngày Rằm tháng Giêng âm lịch hàng năm làm Ngày Thơ Việt Nam thì người yêu thơ càng có dịp hiểu thêm về bài thơ nổi tiếng của Bác Hồ viết đúng tiết rằm tháng giêng năm Mậu Tý-1948, cách đây 65 xuân.

Bài thơ viết bằng chữ Hán, có bốn câu, nhưng có thể nói mỗi câu là một nét khắc hoạ tinh tế cảnh sắc thiên nhiên và cảm xúc của con người trước thiên nhiên kỳ vĩ. Trong cái khung cảnh đêm thanh vắng, nhà thơ Hồ Chí Minh cùng những người đồng sự ngồi thuyền trên dòng sông để họp bàn về một vấn đề quân cơ. Hơn nữa, đêm trăng ấy lại là trăng rằm, và trăng rằm, mười sáu bao giờ cũng được coi là đêm trăng đẹp nhất trong tháng. Cũng lại hơn thế, tháng ấy không phải là tháng bình thường, mà là tháng Giêng, mở đầu mười hai tháng trong năm. Mà tháng Giêng cũng có nghĩa là mùa xuân, một mùa đẹp nhất trong bốn mùa, mùa của vạn vật xanh tươi, cây cối đâm bông, sinh thành và phát triển. Một đêm trăng đẹp nhất trong tháng, một tháng đẹp nhất trong năm, và có lẽ cuộc họp ấy cũng là cuộc họp đầu tiên trong năm mới Mậu Tý-1948 của Bác Hồ bàn về công tác quân sự, nên được chọn trong đêm rằm đầu tiên của năm mới, mà theo tập quán người Việt Nam thì Rằm tháng Giêng linh thiêng không kém Tết Nguyên đán,"cúng cả năm không bằng rằm tháng giêng" là câu cửa miệng cha ông nhắc cháu con.

Mở đầu là đêm rằm tháng Giêng, đọc qua ngỡ như định thời gian, khung cảnh đêm trăng; nhưng đọc kỹ đã thấy cái "Rằm xuân lồng lộng trăng soi" kia rồi. Nếu có dịp đọc bản chữ Hán chúng ta thấy, chỉ với ba chữ "nguyệt chính viên", Bác Hồ đã đặc tả tận cùng cái đẹp của vầng trăng rằm tháng Giêng "lồng lộng trăng soi" vừa cao vời, vừa lộng lẫy, và như thế cái sức soi tỏ của ánh trăng mới mênh mông làm sao. Nhưng chỉ có thế vẫn chưa nói được gì nhiều về mùa xuân, tiết xuân. Phải đến câu tiếp theo: "Sông xuân nước lẫn màu trời thêm xuân", thì mới như hiển hiện ra trước mắt người đọc một cảnh xuân lộng lẫy nhường nào. Nhà thơ không chỉ tả tiết xuân đến khắp muôn nơi một cách thông thường, mà khắc hoạ cái xuân sắc ấy rõ nét đến từng đường viền chi tiết. Trong thơ ca nhiều người cũng nói đến "sông xuân", "trời xuân", nhưng "nước xuân" thì có lẽ chỉ đến bài thơ "Rằm tháng Giêng" mới gặp lần đầu. Xuân sang mà đến cả màu nước sông cũng nhuốm màu xuân xanh thì đúng là phải có một tâm hồn thi sĩ đến nhường nào mới nhìn cảnh vật một cách thi vị đến thế. Trên dòng sông xuân đẹp đến như thế, con thuyền của Bác neo đậu giữa dòng sông "sâu nơi khói sóng" để họp bàn một việc quan trọng vào bậc nhất hồi bấy giờ: quân sự. Ngay từ câu mở đầu: "Rằm xuân lồng lộng trăng soi" đến câu kết: "Khuya về bát ngát trăng ngân đầy thuyền" đều toát lên chất hào sảng, phấn chấn đến đắm say lòng người. Và như thế, dù là đang bàn một việc quan trọng như việc quân sự, thì trong ánh trăng rằm trinh nguyên giữa đêm xuân trải khắp đất trời, chỉ làm tăng thêm phấn khích, hào hứng, bớt đi cái căng thẳng, mệt mỏi trong suy tư, họp bàn.

Đọc bài "Rằm tháng Giêng", một lần nữa chúng ta thấy tình yêu thiên nhiên, đất nước ở Bác Hồ thật mênh mông, sâu nặng. Nhất là khi đọc tới câu: "Khuya về bát ngát trăng ngân đầy thuyền", gợi người đọc bao sự liên tưởng về ánh trăng ngân, hay chính lòng người cũng ngân lên, reo lên niềm sướng vui, tin tưởng trước thiên nhiên tươi đẹp nhường kia, trước thắng lợi của cuộc kháng chiến trường kỳ đang chuyển nhanh sang giai đoạn mới.

Cao Năm

Xem thêm:

Phân tích bài thơ "Rằm tháng Giêng"
 
Các chủ đề có liên quan khác
Tạo bởi Tiêu đề Blog Lượt trả lời Ngày
D Tả quang cảnh lớp học trong giờ viết bài tập làm văn Văn học thiếu nhi 0
N Có ý kiến cho rằng, cảnh thu và tình thu trong hai bài thơ Thu vịnh của Nguyễn Khuyến và Đây mùa thu Văn học 0
M Suy nghĩ của em về "thú lâm tuyền" trong bài thơ "Tức cảnh Pác Bó" của Hồ Chí Minh Văn học 3
N Thiên nhiên trong hai bài thơ "Cảnh khuya" và "Rằm tháng giêng" của Hồ Chí Minh Văn học 0
D "thú lâm tuyền" trong bài thơ "Tức cảnh Pác Bó" của Hồ Chí Minh Văn học thiếu nhi 0
M [Free] Đề tài Sử dụng khái niệm Lớp cảnh trong bài dạy vẽ tranh phong cảnh ở môn Mỹ thuật tiểu học Tài liệu chưa phân loại 0
D Biến đổi văn hóa mưu sinh của cư dân xã Hương Sơn, huyện Mỹ Đức, thành phố Hà Nội trong bối cảnh phát triển du lịch Văn hóa, Xã hội 0
D Nghiên cứu ứng dụng PLC để đo, điều khiển và cảnh báo mức nước trong bể sử dụng cảm biến alalog là module mở rộng ADC của PLC Khoa học kỹ thuật 0
D một số giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp ngành thép việt nam trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế Luận văn Kinh tế 0
D Di tích khảo cổ học cù lao rùa trong bối cảnh tiền sử đông nam bộ Văn hóa, Xã hội 0

Các chủ đề có liên quan khác

Top