iu2x

New Member
TÌM HIỂU PHƯƠNG PHÁP THUYẾT MINH TRONG VĂN BẢN



TRẦN VĂN LỢI




Cây tre Việt Nam (Nv 6- tập 2)



Nhiều giáo viên tỏ ra nuối tiếc khi trong chương trình Ngữ văn THCS mới không còn giảng dạy bài thơ Tre Việt Nam của Nguyễn Duy; nhưng bù lại, ngay ở lớp 6 học sinh đã được học bài Cây tre Việt Nam của Thép Mới – một văn bản đặc sắc không kém, thậm chí có một số mặt còn giàu giá trị hơn bài thơ trên.



Bài bút kí Cây tre Việt Nam vốn là văn bản dùng để thuyết minh cho bộ phim tài liệu cùng tên của đạo diễn người Ba Lan, nhằm ca ngợi nhân dân Việt Nam anh hùng vừa tiến hành cuộc kháng chiến chống Pháp thắng lợi. Mặc dù phải bám sát các hình ảnh của bộ phim nhưng lời văn của bài bút kí vẫn hết sức tự nhiên, uyển chuyển, thanh thoát và bố cục chặt chẽ, hoàn chỉnh. Chính vì vậy văn bản trên có thể tách ra khỏi bộ phim, đứng độc lập như chúng ta đã thấy. Ngoài việc đã giới thiệu, thuyết minh một cách khá đầy đủ, rõ nét về phẩm chất của cây tre – tượng trưng cho tâm hồn, khí chất của dân tộc Việt Nam, thì bài bút kí Cây tre Việt Nam còn là một văn bản mẫu mực về việc sử dụng rộng rãi các biện pháp tu từ: nhân hoá, so sánh, ẩn dụ, hoán dụ, điệp ngữ…cùng hệ thống từ ngữ giản dị, đậm chất dân gian, cách gieo vần nhịp nhàng đã tạo nên một tác phẩm đậm đà chất thơ, giàu hình ảnh và nhạc điệu. Bài viết này chỉ xin tìm hiểu một khía cạnh về mặt hình thức của tác phẩm đó là việc sử dụng các phương pháp thuyết minh một cách rộng rãi, mang lại hiệu quả cao trong việc giới thiệu về cây tre.



1. Phương pháp phân loại, phân tích



Để làm rõ nhận định: Cây tre là người bạn thân của nông dân Việt Nam, bạn thân của nhân dân Việt Nam, tác giả đã chia ra các ý nhỏ



Tre có mặt khắp nơi trên đất nước

Tre có những phẩm chất đáng quý như con người

Tre gắn bó với con người trong lao động, sản xuất

Tre gắn bó trong sinh hoạt hàng ngày

Tre tham gia chiến đấu chống giặc ngoại xâm cùng con người

Tre mãi là người bạn đồng hành cùng dân tộc ta



Mỗi ý nhỏ đều được tác giả trình bày bằng một đoạn văn với việc phân tích, bình luận, minh hoạ bằng những từ ngữ, hình ảnh gần gũi, giản dị. Việc trình bày thành các ý nhỏ đã tạo nên sự mạch lạc, rõ ràng của văn bản; đồng thời chứng minh một cách thuyết phục sự gắn bó thân thiết của cây tre với dân tộc Việt Nam ở nhiều phương diện: địa bàn sinh sống, phẩm chất, tính cách, sự gắn bó trong sinh hoạt, lao động và chiến đấu



2. Phương pháp nêu định nghĩa



Bằng việc sử dụng nhiều lần kiểu câu trần thuật có từ “là”: Cây tre là người bạn thân của nông dân Việt Nam, bạn thân của nhân dân Việt Nam; Tre là cánh tay của người nông dân; Tre là người nhà, tre khăng khít với đời sống hàng ngày; Tre là đồng chí chiến đấu của ta; Nhạc của trúc, nhạc của tre là khúc nhạc đồng quê…tác giả đã giới thiệu, xác lập mối quan hệ thân thiết giữa tre và con người Việt nam. Phương pháp thuyết minh này làm nổi bật sự gắn bó hết sức gần gũi, đồng cam cộng khổ của tre với con người



3. Phương pháp liệt kê



Đây là phương pháp thuyết minh được tác giả sử dụng khá rộng rãi trong văn bản, thể hiện ở những câu văn có nhiều chủ ngữ hay nhiều vị ngữ có nhiệm vụ liệt kê và tác dụng làm nổi bật, khẳng định những đặc điểm, tích chất của tre. Phép liệt kê trong câu: Tre Đồng Nai, nứa Việt Bắc, tre ngút ngàn Điện Biên Phủ, luỹ tre thân mật làng tôi…đâu đâu ta cũng có nứa tre làm bạn khẳng định nội dung: Cây tre có mặt khắp nơi và có sức sống dẻo dai. Hay phép liệt kê trong câu Rồi tre lớn lên, cứng cáp, dẻo dai, vững chắc. Tre trông thanh cao, giản dị, chí khí như người làm nổi bật nội dung: Tre có nhiều phẩm chất cao đẹp. Việc sử dụng phương pháp liệt kê đã giúp tác giả chứng minh một cách thuyết phục, cụ thể về sự gần gũi, gắn bó của cây tre với dân tộc Việt Nam



4. Phương pháp nêu ví dụ



Để chứng minh nội dung: Tre gắn bó với con người trong sinh hoạt, tác giả đã đưa ra các ví dụ minh hoạ: lạt giang buộc mềm (tre gắn liền với phong tục) que chuyền đánh chắt (gắn với trò chơi tuổi nhỏ) chiếc điếu cày (gắn với niềm vui tuổi già). Chỉ 3 ví dụ nhưng lại bao quát được sự gắn bó của cây tre ở các lĩnh vực lao động, vui chơi, sinh hoạt, đủ các lứa tuổi, các giai đoạn của cuộc đời con người. Các ví dụ này rất gần gũi, thân thuộc với con người, giúp cho điều cần chứng minh thêm cụ thể, dễ hiểu và thuyết phục hơn



5. Phương pháp so sánh



Phép so sánh cũng góp phần khẳng định sự gắn bó của cây tre trong đời sống tình cảm con người qua những câu văn nhịp nhàng, mềm mại: Giang chẻ lạt, buộc mềm, khít chặt như những mối tình quê cái thuở ban đầu thường nỉ non dưới bóng tre, bóng nứa. Hình ảnh cây tre càng trở nên gắn bó lâu bền trong tâm thức mỗi người như tình cảm với quê hương sâu nặng. Và hình ảnh cây tre càng gần gũi, mang tâm hồn, cốt cách của con người Việt Nam qua lối so sánh trực tiếp: Như tre mọc thẳng, con người không chịu khuất. Cây tre trở thành biểu tượng đầy đủ nhất, giản dị nhất của dân tộc Việt Nam.



Như vậy, để làm sáng tỏ và thuyết phục người đọc về nhận định: Cây tre là người bạn thân của nông dân Việt Nam, bạn thân của nhân dân Việt Nam, Thép Mới đã sử dụng đan xen, khéo léo hầu hết các phương pháp thuyết minh. Đây là một trong những yếu tố quan trọng góp phần làm nên sức hấp dẫn của bài bút kí Cây tre Việt Nam – một tác phẩm mẫu mực, đặc sắc ca ngợi vẻ đẹp tâm hồn, khí chất của con người Việt Nam.



Nguồn: Phongdiep.net
 

Các chủ đề có liên quan khác

Top