january.alone

New Member
ĐẶT VẤN ĐỀ
Theo Tổ chức Y tế Thế giới, sức khỏe là trạng thái thoải mái toàn diện về
thể chất, tinh thần và xã hội và không phải chỉ bao gồm có tình trạng không có
bệnh và thương tật. Trong đó năm giác quan là món quà quý giá của tạo hóa, nó
đảm bảo cho con người khả năng cảm nhận cuộc sống một cách toàn diện, và
nhờ vào đó con người mới có thể thích nghi tốt với môi trường xung quanh và
có thể phát triển.
Thính giác là một trong năm giác quan, và là một trong những giác quan
quan trọng nhất. Trong thời đại ngày nay, thính giác càng đóng vai trò quan
trọng, đóng góp vào khả năng và tốc độ thu nạp thông tin của con người, giúp họ
phát triển, học hành, chọn nghề và gây dựng sự nghiệp. Tổn thương thính giác
ảnh hưởng tới khả năng nghe là một khuyết tật nặng nề, ảnh hưởng lớn tới khả
năng giao tiếp, sức khỏe và chất lượng sống của con người, mất đi khả năng độc
lập, khả năng tự nuôi sống bản thân.
Điếc nghề nghiệp là một trong những mối đe dọa to lớn đối với sức khỏe
thính giác của người lao động. Điếc (còn gọi là nghe kém, khiếm thính…) là
tình trạng giảm sức nghe ở các tần số thông thường mà tai người bình thường có
thể có thể cảm nhận được khi đo ở điều kiện qui chuẩn. Đó là tình trạng giảm
sức nghe xảy ra khi người lao động bị phơi nhiễm tiếng ồn lớn và trong thời gian
dài. Đặc trưng của điếc nghề nghiệp là giảm sức nghe của người lao động ở
cùng một tần số ứng với tần số các tiếng ồn của môi trường lao động. Thời gian
phơi nhiễm tiếng ồn càng dài, cường độ tiếng ồn càng lớn và điều kiện vệ sinh
lao động càng kém thì tình trạng điếc nghề nghiệp càng nặng và càng khó hồi
phục.
Trong quá trình phát triển công nghiệp, số người lao động trong môi
trường có tiếng ồn ở mức gây hại ngày một tăng. Tỷ lệ người chịu tác động của
tiếng ồn gây hại ở các nước công nghiệp phát triển khoảng 25% đến 30% trong
tổng số những người lao động. Do vậy số người bị điếc nghề nghiệp ngày càng
tăng và trở nên phổ biến [1]
Đỗ Thái Sơn - Tổ 19 Y6E 1
Khóa luận tốt nghiệp bác sĩ đa khoa
Ở nhiều nước tỷ lệ điếc nghề nghiệp chiếm tới 40% trong số các bệnh
nghề nghiệp được bảo hiểm. Ở nước ta tỷ lệ bệnh nhân điếc nghề nghiệp được
bảo hiểm chỉ đứng sau bệnh bụi phổi - silic nghề nghiệp. Qua kết quả khảo sát
trên 259 công nhân được khám và đo điếc nghề nghiệp tại Bệnh viện Tai mũi
họng TP.HCM trong năm 2011, là thợ đứng máy, thợ bảo trì máy, làm việc ở
môi trường tiếng ồn thường xuyên trên 85dB, có 44/259 công nhân (chiếm tỉ lệ
17%) bị điếc nghề nghiệp [22]. Điếc nghề nghiệp là loại bệnh lý tổn thương vĩnh
viễn, không bao giờ hồi phục ngay cả khi không tiếp xúc với tiếng ồn nữa do
tiếng ồn tác động tạo nên những biến đổi ở tai trong, tập trung ở cơ quan corti
với tổn thương của tế bào nghe.
Một trong những nội dung quan trọng của Phục hồi chức năng dựa vào
cộng đồng là phòng ngừa tàn tật. Việc khảo sát và đánh giá những ảnh hưởng
của tiếng ồn trong môi trường lao động đến thính lực của người lao động là cần
thiết nhằm đưa ra những đề xuất kịp thời. Bởi vậy, em tiến hành nghiên cứu đề
tài này nhằm hai mục đích:
1. Mô tả thực trạng phơi nhiễm tiếng ồn tại một nhà máy sản xuất ô tô tại Vĩnh
Phúc.
2. Đánh giá ảnh hưởng của tiếng ồn tới sức nghe của công nhân trong nhà
máy.
Đỗ Thái Sơn - Tổ 19 Y6E 2
Khóa luận tốt nghiệp bác sĩ đa khoa
CHƯƠNG 1.
TỔNG QUAN TÀI LIỆU
1.1. ĐẠI CƯƠNG VỀ SỨC NGHE VÀ ĐIẾC
1.1.1. Sức nghe bình thường.
Người có sức nghe bình thường là người có ngưỡng nghe ở điều kiện âm
thanh chuẩn dưới 20dB (điều kiện âm thanh nền chuẩn ở phòng cách âm có âm
thanh nền là 5dB. Ngưỡng nghe một miền âm thanh ở trong phạm vi đó tai
người có thể nghe thấy: trong dải tần số từ 16 Hz đến 20000Hz nhưng nghe rõ
nhất ở khoảng tần số 500-4000Hz.
1.1.2. Định nghĩa giảm thính lực
Mọi ngưỡng nghe lớn hơn 25dB đo ở điều kiện chuẩn được coi là nghe
kém, dù đánh giá là bằng đường xương hay đường khí [6], [11]. Theo chương trình
quốc gia sàng lọc giảm thính lực Mỹ, giảm thính lực (còn gọi là điếc, khiếm
thính) là mất khả năng nghe một hay hai tai ở cường độ từ 30 – 40 dB trở lên
và ở tần số từ 500 – 4000 Hz, là vùng quan trọng đối với nhận biết ngôn ngữ và
hiểu ngôn ngữ. [11]
Ngưỡng gây đau
Vùng nghe âm nhạc
Nghe lời nói
Vùng nghe thấy
Hình 1. Ngưỡng nghe bình thường [27]
Trên biểu đồ, vùng xanh đậm là ngưỡng nghe âm thanh lời nói, mở rộng
hơn là ngưỡng nghe các âm thanh khác: âm nhạc, các âm thanh khác …
Đỗ Thái Sơn - Tổ 19 Y6E 3
Khóa luận tốt nghiệp bác sĩ đa khoa
1.2. DỊCH TỄ HỌC BỆNH ĐIẾC NGHỀ NGHIỆP
1.2.1. Thực trạng điếc nghề nghiệp trên thế giới.
Năm 2000, WHO đưa ra con số 250 triệu người bị điếc trên toàn thế giới,
chiếm 4,2% dân số. Còn ở riêng khu vực Đông Nam Á có 63 triệu người điếc từ
14 tuổi trở lên. Năm 2005, WHO thống kê có khoảng 276 triệu người bị suy yếu
hay mất thinh giác trên toàn thế giới.
Theo thống kê của Hiệp hội chống tiếng ồn quốc tế (A.I.C.B), tại các
nước công nghiệp phát triển, có 1/4-1/3 số người lao động phải làm việc trong
môi trường tiếng ồn. Điếc nghề nghiệp từ chỗ xếp hàng cuối danh sách bệnh
nghề nghiệp đến nay đã luôn đứng đầu và có xu hướng ngày càng tăng.[8]
Ở Mỹ, có khoảng mười triệu người khiếm thính có liên quan đến tiếng ồn.
Có khoảng hai mươi hai triệu người lao động có nguy cơ bị phơi nhiễm tiếng ồn
mỗi năm. Năm 2008, có khoảng 2 triệu người lao động Mỹ bị phơi nhiễm tiếng
ồn nơi làm việc và có nguy cơ bị điếc.[25]
Còn ở Úc, tiếng ồn nghề nghiệp chiếm khoảng 10% các ca mới mắc điếc
ở người lớn[26]. Trong khoảng từ 7 năm 2002 đến tháng 6 năm 2007 có khoảng
16500 trường hợp người lao động đòi được đền bù do điếc nghề nghiệp. Trong
đó, sản xuất, xây dựng, giao thông và công nghiệp kho bãi chiếm tới 65% các ca
đền bù này.
1.2.2. Thực trạng điếc nghề nghiệp ở Việt Nam.
Năm 2001, Trung tâm Tai Mũi Họng thành phố Hồ Chí Minh và Viện Tai
Mũi Họng thực hiện điều tra “Bệnh tai và nghe kém” tại 6 tỉnh trên cả nước,
trong đó chọn 3 tỉnh phía Bắc và 3 tỉnh phía Nam, thấy tỷ lệ điếc rất cao, khoảng
6% số người được điều tra.
Trong 259 công nhân đến khám bệnh nghề nghiệp ở Bệnh viện TMH Tp
Hồ Chí Minh thấy tỷ lệ điếc nghề nghiệp là 17%[22]. Qua cuộc khảo sát hơn
260 bệnh nhân đến điều trị điếc nghề nghiệp trong năm 2012 cho thấy điếc nghề
nghiệp xếp thứ tư về số lượng người mắc bệnh trong số 21 bệnh nghề nghiệp,
Đỗ Thái Sơn - Tổ 19 Y6E 4
Khóa luận tốt nghiệp bác sĩ đa khoa
nhưng chiếm đến 64,9% các trường hợp được bảo hiểm xã hội bồi thường thiệt
hại do bệnh nghề nghiệp gây ra. [5]
1.3. GIẢI PHẪU VÀ SINH LÝ CƠ QUAN THÍNH GIÁC
1.3.1. Giải phẫu.
Tai là cơ quan thính giác giữ vai trò về nhận cảm thính giác và thăng
bằng. Cấu tạo của tai gồm có ba phần là tai ngoài, tai giữa và tai trong.
1.3.1.1. Tai ngoài.
Tai ngoài gồm có hai thành phần, đó là loa tai và ống tai ngoài.
Loa tai là một sụn xơ mỏng được che phủ bởi da và được nối với những
phần xung quanh bởi các dây chằng và các cơ. Loa tai từ mặt bên của đầu nhô
lên để thu nhận sóng âm.
Ống tai ngoài từ loa tai đi vào trong để dẫn truyền các rung động âm
thanh tới màng nhĩ. [7]
1.3.1.2. Tai giữa
Ống tai ngoài Tai trong
Vành tai Màng nhĩ Tai giữa Vòi nhĩ
Hình 2. Cấu tạo của tai [27]
Phần chính của tai giữa là hòm nhĩ. Hòm nhĩ là một khoang không đều,
dẹt, nằm trong phần đá của xương thái dương. Hòm nhĩ được giới hạn ở ngoài
bởi màng nhĩ và ở trong bởi thành ngoài tai trong. Nó thông ở sau với hang
chũm và ở trước với vòi tai.
Đỗ Thái Sơn - Tổ 19 Y6E 5
Khóa luận tốt nghiệp bác sĩ đa khoa
Hòm nhĩ chứa một chuỗi ba xương nhỏ di động được nối các thành ngoài
và trong của hòm nhĩ để truyền các rung động của màng nhĩ ngang qua hòm nhĩ
tới cửa sổ bầu dục ở tai trong. Chuỗi xương nhỏ gồm ba xương là xương búa,
xương đe và xương bàn đạp. Vòi tai nối thông hòm nhĩ với tỵ hầu có tác dụng
làm cân bằng áp lực không khí trên cả hai mặt của màng nhĩ, nó dài khoảng
36mm. [7]
1.3.1.3. Tai trong
Gồm có mê đạo xương và mê đạo màng
- Mê đạo xương bao gồm tiền đình, các ống bán khuyên và ốc tai.
Tiền đình là một hốc xương có sáu thành, nằm phía trong so với hòm nhĩ,
phía sau ốc tai và phía trước các ống bán khuyên.
Các ống bán khuyên gồm ba ống nằm vuông góc với nhau và mở vào tiền
đình.
Ốc tai có hình một con ốc xoắn hai vòng rưỡi nằm trước tiền đình, đáy
hướng vào trong. Trong lòng ống xoắn ốc tai có một mảnh chạy xoắn ốc gọi là
mảnh xoắn xương. Mảnh xoắn xương và ống ốc tai chia ống xoắn ốc tai thành
hai thang: thang tiền đình ở trên và thang nhĩ ở dưới.
- Mê đạo màng gồm mê đạo tiền đình và mê đạo ốc tai.
Mê đạo tiền đình gồm soan nang và cầu nang và các ống bán khuyên
màng nằm trong các ống bán khuyên xương.
Mê đạo ốc tai là một ống màng chứa nội dịch có tên là ống ốc tai, hay là
thang giữa. [7]
1.3.1.4. Mạch máu nuôi dưỡng
Động mạch tai trong tách ra từ động mạch tiểu não trước dưới, thuộc hệ
đốt sống thân nền, động mạch này lại chia thành ba nhánh chính:
- Động mạch tiền đình cấp máu cho phần tiền đình
- Động mạch ốc tai cấp máu cho ¾ trước ốc tai
- Động mạch tiền đình - ốc tai cấp máu cho một phần tiền đình và ¼ sau ốc
tai. [7]
Đỗ Thái Sơn - Tổ 19 Y6E 6
Khóa luận tốt nghiệp bác sĩ đa khoa
1.3.1.5. Thần kinh ốc tai và đường dẫn truyền thính giác
Thần kinh ốc tai bao gồm hai loại sợi: li tâm và hướng tâm
Các sợi hướng tâm (cảm giác) của thần kinh ốc tai bắt nguồn từ các nơron
hai cực của hạch xoắn ốc tai nằm trong trụ ốc tai. Sợi gai (mỏm ngoại vi) của
nơron hai cực đi tới cơ quan xoắn (cơ quan Corti) và tiếp xúc synap với các tế
bào lông trong và các tế bào lông ngoài, các sợi trục tạo nên thần kinh ốc tai.
Các sợi li tâm có nguồn gốc từ phức hợp nhân trám trên của cầu nào.
Chúng chi phối các tế bào lông ngoài của cơ quan xoắn, kiểm soát các đặc tính
đáp ứng cảm giác của cơ quan xoắn. [7]
Đường thính trung ương: Thần kinh ốc tai đi vào thân não tại rãnh hành
cầu, sau đó đi tiếp vào các nhân ốc bụng và lưng, phức hợp trám trên, củ não
sinh tư dưới, rồi tập trung tại thùy thái dương 1 và 2 của vỏ não, đó chính là
trung khu phân tích thính giác [7]
1.3.2. Sinh lý quá trình nghe
Loa tai tập trung sóng âm trong không khí và hướng sóng âm đi dọc ống
tai ngoài để tới được màng nhĩ. Sóng âm làm rung màng nhĩ, và rung động này
lại được chuỗi xương con truyền từ màng nhĩ đến cửa sổ tiền đình. Chuyển động
của xương bàn đạp trên cửa sổ tiền đình gây ra sóng rung động của ngoại dịch
trong thang tiền đình. Sóng rung động từ ngoại dịch trong thang tiền đình tiếp
tục truyền đến ngoại dịch trong thang nhĩ rồi trở về tai giữa qua cửa sổ ốc tai.
Rung động của ngoại dịch ấn lõm ống ốc tai, gây nên rung động của nội dịch,
kích thích các tế bào thượng mô của cơ quan xoắn tạo nên xung động thần kinh.
Xung động này được phần ốc tai của thần kinh sọ VIII truyền về não [7].
1.4. PHÂN LOẠI GIẢM THÍNH LỰC (ĐIẾC)
Có nhiều cách phân loại giảm thính lực dựa trên các tiêu chí khác nhau
[10], [13].
Đỗ Thái Sơn - Tổ 19 Y6E 7
Khóa luận tốt nghiệp bác sĩ đa khoa
1.4.1. Phân loại theo kiểu giảm thính lực
1.4.1.1. Giảm thính lực dẫn truyền:
Do cản trở sự dẫn truyền âm thanh đến ốc tai. Khả năng nghe khi đo bằng
đường khí giảm đi nhưng khi đo bằng đường xương thì lại bình thường. Nguyên
nhân gây ra sự cản trở ở đây nằm ở tai ngoài hay tai giữa. Mức độ thường nhẹ.
1.4.1.2. Giảm thính lực tiếp nhận:
Do sự cản trở, gián đoạn trong quá trình các xung thần kinh được dẫn
truyền lên vỏ não. Tổn thương có thể gặp ở đây là tổn thương tế bào thính giác ở
ốc tai hay tổn thương dây thần kinh ốc tai, tổn thương dây thần kinh sọ VIII
hay tế bào của hệ thần kinh trung ương, dẫn đến điếc sâu.
1.4.1.3. Giảm thính lực hỗn hợp:
Nguyên nhân do kết hợp cả của giảm thính lực dẫn truyền và tiếp nhận.
Trường hợp này thường gây điếc sâu.
1.4.2. Phân loại theo mức độ giảm thính lực
1.4.2.1. Mức độ điếc nhẹ:
Ngưỡng nghe 30 – 40 dB, không nghe được tiếng nói thầm. Có thể cần
máy trợ thính.
1.4.2.2. Mức độ trung bình:
Ngưỡng nghe 41 – 70 dB, không nghe được tiếng nói chuyện bình
thường. Khó khăn trong học ngôn ngữ và giao tiếp bằng lời nói. Cần máy trợ
thính.
1.4.2.3. Mức độ nặng:
Ngưỡng nghe 71- 90 dB, chỉ nghe được tiếng nói to sát tai. Khó khăn
trong học ngôn ngữ và giao tiếp. Cần máy trợ thính.
1.4.2.4. Mức độ điếc sâu:
Ngưỡng nghe từ 90 dB trở lên. Hầu như không nghe được âm thanh (trừ
âm thanh thật to như tiếng sấm,…). Khó khăn trong học ngôn ngữ. Cần cấy điện
cực ốc tai.
Đỗ Thái Sơn - Tổ 19 Y6E 8
Khóa luận tốt nghiệp bác sĩ đa khoa
1.4.3. Phân loại theo vị trí tai bị tổn thương
- Giảm thính lực một bên tai
- Giảm thính lực cả hai tai
1.4.4. Phân loại giảm thính lực liên quan đến ngôn ngữ
- Giảm thính lực trước khi có ngôn ngữ: khó khăn trong việc phát triển kỹ
năng ngôn ngữ nói.
- Giảm thính lực sau khi có ngôn ngữ
1.5. TIẾNG ỒN
1.5.1. Định nghĩa
Tiếng ồn là tập hợp những âm thanh có cường độ và tần số khác nhau, sắp
xếp không có trật tự, gây cảm giác khó chịu cho người nghe, ảnh hưởng xấu đến
quá trình làm việc và nghỉ ngơi của con người. Tiếng ồn là một trong những yếu
tố gây ô nhiễm môi trường. Theo HIệp hội chống tiếng ồn Quốc tế [1], mức độ
gây hại của tiếng ồn là 85 ± 2,5dBA. Ở Việt Nam, giới hạn tiếng ồn cho phép là
85dBA. Nếu tiếp xúc với tiếng ồn trên mức gây hại trong một thời gian dài (3
tháng) mà không có các biện pháp bảo vệ sẽ dẫn đến điếc nghề nghiệp. Tiếng ồn
là một khái niệm tương đối, tùy từng người sẽ có cảm nhận về tiếng ồn khác
nhau, và chịu ảnh hưởng bởi tiếng ồn khác nhau.
Các yếu tố gây hại của tiếng ồn: có 4 yếu tố chính
- Cường độ tiếng ồn.
- Tần số của tiếng ồn.
- Thời gian tiếp xúc tiếng ồn trong ngày.
- Thời gian tiếp xúc tiếng ồn trong nhiều ngày, nhiều năm.
Cả tính chất vật lý lẫn thời gian tiếp xúc tiếng ồn đều quan trọng như nhau
1.5.2. Nguyên nhân gây tiếng ồn
Có rất nhiều nguyên nhân gây ra tiếng ồn khác nhau. Một số tiếng ồn
thường gặp trong cuộc sống như là tiếng ồn do giao thông, tiếng ồn do xây
dựng, tiếng ồn trong công nghiệp và sản xuất, tiếng ồn do sinh hoạt.
Đỗ Thái Sơn - Tổ 19 Y6E 9
Khóa luận tốt nghiệp bác sĩ đa khoa
Nguyên nhân gây điếc nghề nghiệp cũng như các rối loạn sinh lý ở người tiếp
xúc với tiếng ồn không những phụ thuộc vào bản chất tiếng ồn, các yếu tố độc
hại kết hợp mà còn bởi khả năng đáp ứng của cơ thể người tiếp xúc có tính mẫn
cảm, cơ địa nhìn chung những người bị các bệnh ở tai dễ bị điếc nghề nghiệp,
trừ các trường hợp bị xốp xơ tai, cứng khớp bàn đạp trong hệ thống dẫn truyền
âm của tai. Những người lao động trong môi trường luyện cán thép, các máy
nghiền quay và rèn búa máy đều có thể bị tác động gây hại của tiếng ồn. Ở
nước ta, các ngành sản xuất như dệt, cơ khí, điện máy, luyện kim đều xuất hiện
một tỷ lệ điếc nghề nghiệp cao.
1.5.3. Đơn vị đo tiếng ồn
Thường sử dụng đơn vị là dB (đê – xi – ben)
1.5.4. Tác hại của tiếng ồn
- Tiếng ồn 50dB: làm mất tập trung, giảm năng suất lao động
- Tiếng ồn 70dB: Gây tăng nhịp thở, nhịp tim, tăng huyết áp, mệt mỏi, giảm
sức tập trung và hứng thú với công việc
- Tiếng ồn 90dB: mệt mỏi, mất ngủ, mất cân bằng cơ thể, tổn thương thần
kinh thính giác.
- Tiếp xúc với tiếng ồn cường độ lớn trong thời gian dài gây nhiều tác động
xấu đến sức khỏe, gây suy kiệt cơ thể, tổn thương thần kinh, có thể để lại
hậu quả không thể hồi phục được.
1.6. BỆNH ĐIẾC NGHỀ NGHIỆP
Điếc nghề nghiệp là điếc do tổn thương không hồi phục ở cơ quan Corti
tai trong, dẫn đến điếc vĩnh viễn ngay cả khi thôi không tiếp xúc với tiếng ồn
nữa. Đây là bệnh xếp thứ hai trong số các bệnh nghề nghiệp được bảo hiểm ở
Việt Nam [24]
Đỗ Thái Sơn - Tổ 19 Y6E 10
Khóa luận tốt nghiệp bác sĩ đa khoa
1.6.1. Đặc điểm của bệnh điếc nghề nghiệp
- Điếc đối xứng hai bên
- Đường biểu diễn thính lực có khuyết chữ V ở tần số 4000Hz
- Điếc do tổn thương ốc tai: điếc tiếp nhận
- Điếc không hồi phục: trừ trường hợp mệt mỏi thính lực
- Điếc không tự tiến triển: ngừng tiếp xúc với tiếng ồn, điếc không tăng
thêm (trừ khi tăng lên do tuổi già)
1.6.2. Cơ chế bệnh sinh của điếc nghề nghiệp
Về cơ chế bệnh sinh của bệnh điếc nghề nghiệp đến nay được người ta
đưa ra hai vấn đề chính là cơ chế thần kinh và cơ học: cơ chế thần kinh đã được
các tác giả nghiên cứu từ cuối thế kỷ XI. Năm 1880, Habermann quan sát thấy
tiếng ồn gây nên những thương tổn ở bộ phận thần kinh của cơ quan thính giác,
ngày nay người ta quan sát thấy ở những người tiếp xúc với tiếng ồn, ngưỡng
đáp ứng của thần kinh thính giác tăng, dẫn đến mất khả năng nhạy cảm thông
thường, dần dần không cảm ứng được với âm tần có cường độ thấp.
Cơ chế cơ học. Từ năm 1918 Vitmark đã xác định ở cơ quan thính giác
người bệnh có tổn thương hệ tế bào lông tại cơ quan Corti trong giai đoạn đầu
sau đó đến sự dày lên, xơ hóa màng nhĩ và toàn bộ cơ quan Corti. Nguyên nhân
của hiện tượng này là do các tế bào chịu áp lực âm thanh mạnh lên bề mặt tế bào
cũng như các sợi lông chịu tác động thường xuyên mà dày lên và dần dần mất
cảm ứng, gây nên hiện tượng trơ về mặt cơ học cũng như thần kinh và đó là điếc
nghề nghiệp trong thực tế đã xảy ra. Một đặc điểm chung của điếc nghề nghiệp
là bao giờ cũng thấy sự thiếu hụt thính lực ở tần số cao, đặc biệt là ở tần số 4096
Hertz sau đó mới dẫn đến các âm tần khác, tiếng ồn trong sản xuất thường là từ
2.000 Hertz trở lên. Đây sẽ là tần số chính gây tổn thương vùng đáy của loa đạo,
thường thì tiếng ồn có tần số thấp sẽ gây tổn thương vùng đỉnh của loa đạo (ốc
tai) [1].
Đỗ Thái Sơn - Tổ 19 Y6E 11
Khóa luận tốt nghiệp bác sĩ đa khoa
1.6.3. Biểu hiện và tiến triển của bệnh điếc nghề nghiệp [24]
1.6.3.1. Giai đoạn đầu (mệt mỏi thính lực)
- Xảy ra sau vài tháng, ù tai, suy nhược, có thể hồi phục được
- Giảm thính lực ở 4000 Hz.
1.6.3.2. Giai đoạn tiềm tàng
- Kéo dài 1 – 7 năm
- Bệnh nhân khó cảm nhận thấy,
thường được phát hiện bằng đo
thính lực âm đơn
- Khuyết chữ V rõ, đỉnh 50 – 60
dB
(Hình bên: cả hai đường biểu diễn
thính lực hai tai đều có ngưỡng nghe
cao ở tần số 4000 Hz ở 80dB. Đỉnh
chữ V ở tần số 4000 Hz và 80 dB
[25] ).
Hình 3. Biểu đồ ngưỡng nghe điếc nghề nghiệp
1.6.3.3. Giai đoạn tiềm tàng gần hoàn toàn
- Kéo dài 10 – 15 năm
- Không nghe được tiếng nói thầm
- Khuyết chữ V mở rộng đến 2000 Hz.
1.6.3.4. Giai đoạn điếc rõ rệt
- Ù tai, nghe khó khăn
- Khuyết chữ V ở nhiều tần số, mở rộng đến 250 Hz
- Ngưỡng đau hạ thấp (bình thường ngưỡng đau > 120dB)
Đỗ Thái Sơn - Tổ 19 Y6E 12
Khóa luận tốt nghiệp bác sĩ đa khoa
1.6.3.5. Thể không điển hình
- Không khuyết ở 4000 Hz
- Đốt cháy giai đoạn
- Điếc không đối xứng
1.6.4. Chẩn đoán xác định điếc nghề nghiệp
Để chẩn đoán xác định điếc nghề nghiệp cần dựa trên 3 cơ sở:
1.6.4.1. Khám lâm sàng:
Cần khám về tai mũi họng đầy đủ để chứng tỏ không có tổn thương gì về
màng tai, tai giữa và xương chũm, cũng như không có tổn thương ở tiền đình vì
điếc nghề nghiệp chỉ gây nên tổn thương ở ốc tai của tai trong.
1.6.4.2. Có yếu tố tiếp xúc
- Tiếng ồn tại nơi làm việc vượt quá tiêu chuẩn cho phép, theo tiêu chuẩn
của Bộ Y tế là trên 85dB
- Tiếp xúc hơn 3 tháng, mỗi ngày trên 6 giờ
1.6.4.3. Đo thính lực âm hoàn chỉnh
- Biểu đồ thính lực hình V đáy ở 4000 Hz
- Nghe kém cả hai tai
- Đường khí trùng đường xương
- Sau một thời gian thính lực đồ phải không khá lên ngay cả khi nghỉ ngơi
không tiếp xúc với tiếng ồn.
1.6.5. Chẩn đoán phân biệt:
- Tai nạn lao động: những trường hợp bị điếc ngay khi mới tiếp xúc với tiếng
ồn là do chấn thương âm, do quá mẫn, thiếu phản ứng thích nghi của cơ thể,
được coi là tai nạn lao động.
- Viêm nhiễm: ở màng tai không bị tổn thương cũng gây nên điếc, nhưng biểu
đồ thính lực thể hiện một điếc truyền âm hay điếc hỗn hợp.
Đỗ Thái Sơn - Tổ 19 Y6E 13
Khóa luận tốt nghiệp bác sĩ đa khoa
- Xốp xơ tai: màng tai không bị tổn thương, vòi nhĩ thông nhưng thính lực đồ
biểu hiện một điếc hỗn hợp (có thể có trường hợp nặng về tai trong) nghiệm
pháp Gelée dương tính.
- Chấn thương: có thể gặp do chấn thương âm: có tiền sử, bị đột ngột, cũng là
điếc tiếp âm có thể một hay hai tai nhưng thường diễn biến nhanh, điếc nặng
hay điếc đặc ngay và thường có kèm theo tổn thương tiền đình.
- Nhiễm độc tai trong: thường gặp do hóa chất hay do thuốc như
Streptomycin, quinin không có tổn thương thực thể, điếc tiếp âm, tiến triển
nhanh chóng, nhưng đôi khi cũng kéo dài hàng tháng hay lâu hơn làm cho
việc chẩn đoán khó khăn. Chủ yếu dựa vào khai thác tiền sử và các biện pháp
trên ngưỡng; Phòng hộ và giám định điếc nghề nghiệp; Cần có những
phương pháp dự phòng và xử trí sớm cho người bệnh gồm hai lĩnh vực
phòng hộ: kỹ thuật và y tế.
1.7. DỰ PHÒNG VÀ GIẢI QUYẾT ĐIẾC NGHỀ NGHIỆP
1.7.1. Phòng hộ kỹ thuật
Giảm tiếng ồn từ nguồn gây tiếng ồn. Cách ly khu vực làm việc và nguồn
gây tiếng ồn. Sử dụng các biện pháp cách âm, hấp thụ tiếng ồn. Đảm bảo đạt
tiêu chuẩn cho phép về tiếng ồn ở môi trường lao động. Các biện pháp phòng hộ
kỹ thuật nhằm giảm nguồn sinh ra tiếng ồn như chống và chạm, ma sát, sử dụng
các vật liệu, công cụ mềm thay kim loại cứng Thu hồi, triệt tiêu nguồn âm:
được thực hiện qua các ống, hộp giảm âm để làm bớt cường độ nguồn âm đã
sinh ra.
Cách ly, chống phản hồi, cộng hưởng âm: bao gồm các biện pháp về kỹ
thuật và thiết kế nhằm cô lập, cách ly nguồn âm hay hấp thụ bớt âm đã sinh ra.
Tuy nhiên hiện nay các biện pháp kỹ thuật trên thường ít có hiệu quả vì thực
hiện khó khăn phức tạp và nhất là thường không phù hợp, ảnh hưởng tới quy
trình sản xuất.
Đỗ Thái Sơn - Tổ 19 Y6E 14
Khóa luận tốt nghiệp bác sĩ đa khoa
1.7.2. Phòng hộ cá nhân
Hiện đang được tập trung nghiên cứu. công cụ phòng hộ: có nhiều loại
nhưng tập trung trong hai loại hình chính. Nút tai có định hình hay không định
hình. Loa che tai đơn giản hay phức tạp như một mũ che cả tai và đầu. Các loại
công cụ này thường làm giảm từ 20 đến 45dB, như vậy sẽ đưa cường độ có hại
xuống dưới mức gây hại. Một yêu cầu cơ bản là các công cụ trên phải khít chặt
nhưng không gây khó chịu, kích thích tai và không ảnh hưởng gì đến khả năng
lao động. Tổ chức lao động nghỉ ngơi nhằm làm cho tai thích ứng được với tiếng
ồn, không bị tình trạng quá mệt mỏi. Hiện nay người ta thống nhất là nên rút
ngắn thời gian lao động trong một ngày hơn là rút ngắn thời gian trong một
tháng hay một năm, nhưng số lần và thời gian nghỉ ngơi trong một ngày thì còn
chưa thống nhất cụ thể. Vai trò của thể dục, thể thao trong phòng hộ tiếng ồn là
khá quan trọng vì nó là cơ sở cho các cơ ở vùng tai to khỏe ra nên sẽ có lợi cho
việc bảo vệ tai trong khi tiếng ồn quá mạnh. Việc tạo thời gian cho tai thích ứng,
không bị co cứng các cơ bảo vệ tai trong trước tiếng ồn quá đột ngột cũng là cần
thiết.
1.7.3. Phòng hộ y tế
Phát hiện sớm biểu hiện của bệnh, đưa ra lời khuyên về sức khỏe, hướng
dẫn cách tiếp xúc với tiếng ồn, lời khuyên về môi trường làm việc, thuyên
chuyển công tác. Chế độ nghỉ ngơi cần được tạo điều kiện để sau giờ lao động
công nhân có thể nghỉ ngơi yên tĩnh, hay nghe nhạc nhẹ, có cường độ thích hợp
nhằm cho tai được phục hồi trở lại nhanh sau những giờ tiếp xúc với tiếng ồn.
Các trường hợp suy giảm thính lực, điếc nghề nghiệp cần được lập hồ sơ cho
giám định khả năng lao động vì bệnh này không hồi phục. Trước hết phải đánh
giá sức nghe sau đó mới đánh giá khả năng lao động do mất khả năng nghe.
Kiểm tra, giám sát môi trường lao động.
Tuyên truyền giáo dục.
Đỗ Thái Sơn - Tổ 19 Y6E 15
Khóa luận tốt nghiệp bác sĩ đa khoa
1.7.4. Phòng chống điếc nghề nghiệp trên thế giới và ở Việt Nam
1.7.4.1. Phòng chống điếc nghề nghiệp trên Thế giới
Năm 1985, WHO ra nghị quyết WHA 38.19 về vấn đề điếc và nghe kém
trên toàn thế giới và lập kế hoạch để phòng chống. Đến năm 1987, WHO đã
thành lập chương trình phòng chống điếc và nghe kém.
Năm 1991, WHO/WP tổ chức hội nghị tại New Dehli chuyên đề phòng
chống điếc và nghe kém ở Châu Á.
Tháng 11/ 1994, Hội nghị chuyên đề về điếc và nghe kém của các nước
ASEAN được tổ chức tại Manila [17].
Ngày 25/4/1995, WHO quyết định lấy ngày 25/4 hàng năm làm ngày
“Quốc tế phòng chống tiếng ồn”.
Ngày 18/10/2006, WHO bắt tay với nhiều tổ chức từ thiện trên toàn thế
giới để khuyến khích sản xuất máy trợ thính với giá phải chăng, tạo điều kiện
cho người nghe kém được tiếp cận với máy trợ thính, nhất là các nước đang phát
triển hay khó khăn về kinh tế.
WHO có những chương trình phòng chống điếc như:
- Phòng ngừa và chữa trị bệnh viêm tai trong.
- Giảm thiểu tiếng động quá mạnh.
- Giảm thiểu sử dụng các dược chất có hại tới thính lực.
1.7.4.2. Phòng chống điếc nghề nghiệp ở Việt Nam.
Chính phủ Việt Nam đã sớm quan tâm đến bệnh nghề nghiệp, trong đó có
điếc do tiếng ồn. Thể hiện bằng việc ban hành Thông tư liên bộ: Bộ Y tế, Bộ
LĐTB & XH, Tổng Công đoàn Việt Nam về danh mục bệnh nghề nghiệp và chế
độ đãi ngộ người lao động, trong đó có bệnh điếc nghề nghiệp. [23]
Từ tháng 4 năm 1982 Bộ Y tế đã ra quyết định SỐ: 370 BYT/QĐ thành lập
Viện Y học Lao động trực thuộc Bộ Y tế. Viện có chức năng nghiên cứu, đề
xuất chính sách trong lĩnh vực sức khỏe nghề nghiệp [18].
Nhiều cơ quan, trung tâm nghiên cứu sức khỏe nghề nghiệp đã đưa ra
những khuyến cáo quan trọng về điếc do tiếng ồn và các biện pháp hạn chế điếc
nghề nghiệp, bảo vệ sức khỏe người lao động.[18]
Đỗ Thái Sơn - Tổ 19 Y6E 16
Khóa luận tốt nghiệp bác sĩ đa khoa
CHƯƠNG 2.
ĐỐI TƯỢNG VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU
2.1. ĐỐI TƯỢNG NGHIÊN CỨU
Tất cả các công nhân đang làm việc tại một nhà máy lắp ráp ô tô T. thuộc
địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc, được khám sức khỏe nghề nghiệp tháng 6 – 7/ 2012 tại
Bệnh viện Đại học Y Hà Nội.
2.1.1. Tiêu chuẩn chọn:
- Các cán bộ, công nhân này có thâm niên ở nhà máy ít nhất 6 tháng, làm
việc ở xưởng sản xuất lắp ráp, nơi có phơi nhiễm tiếng ồn;
- Tất cả đều được khám Tai Mũi Họng và đo thính lực.
2.1.2. Tiêu chuẩn loại trừ:
- Những công nhân trước khi vào làm việc tại nhà máy T có tiền sử bị mắc
bệnh lý của tai mũi họng dẫn đến nghe kém (kết quả khám tuyển dụng
đầu vào về tai mũi họng bình thường).
- Những người mới được tuyển dụng, làm việc ở nhà máy dưới 6 tháng.
2.1.3. Cỡ mẫu
Phương pháp lấy mẫu: toàn bộ công nhân trực tiếp sản xuất hay công tác
tại bộ phận phơi nhiễm tiếng ồn như: lắp ráp, dập, hàn, gò rèn được đo thính
lực. Tổng số 778 người thuộc mẫu nghiên cứu, do số nữ chỉ có 2 mẫu, không
mang tính thay mặt về giới nên nghiên cứu này chỉ khảo sát trên các đối tượng
phơi nhiễm là nam giới. Do vậy, mẫu nghiên cứu là 776 nam công nhân.
 
Các chủ đề có liên quan khác

Các chủ đề có liên quan khác

Top