Nelly_Shin

New Member
Link tải luận văn miễn phí cho ae Kết Nối
Hai cấp xét xử là một nguyên tắc quan trọng trong tổ chức và hoạt động của hệ thống tư pháp ở nước ta nói chung, trong đó có tư pháp dân sự. Trước khi tìm hiểu về nội dung và thực tiễn áp dụng nguyên tắc hai cấp xét xử ở nước ta, chúng ta hãy cùng tìm hiểu về khái niệm cấp xét xử và cơ sở lý luận để áp dụng nguyên tắc này.

I. KHÁI NIỆM VỀ CẤP XÉT XỬ
Trong khoa học pháp lý Liên xô cũ, người ta quan niệm cấp xét xử như là “giai đoạn xem xét vụ án tại Toà án với thẩm quyền xác định”1. Quan niệm này cũng được nhận thức tương đối phổ biến trong khoa học pháp lý nước ta. Xuất phát từ đây, người ta cho rằng trong tố tụng tồn tại các cấp xét xử là xét xử sơ thẩm, xét xử phúc thẩm, xét xử giám đốc thẩm và tái thẩm. Theo quan niệm này thì cấp xét xử đơn thuần là khái niệm tố tụng chung, thể hiện một giai đoạn xét xử nhất định trong quá trình giải quyết vụ án hình sự, dân sự, kinh tế, lao động, hành chính v.v...
Tuy nhiên, cấp xét xử là hình thức tổ chức tố tụng thể hiện quan điểm của Nhà nước về xét xử các vụ án nhằm bảo đảm tính chính xác, khách quan trong phán quyết của Toà án, bảo vệ các quyền tự do dân chủ của công dân. Vì vậy, các quốc gia áp dụng nguyên tắc vụ án có thể được tổ chức xét xử nhiều lần và tổ chức hệ thống Toà án để thực hiện nguyên tắc đó trong thực tế. Do đó cấp xét xử không đơn thuần chỉ là thủ tục tố tụng; nó còn liên quan nhiều đến cách tổ chức tố tụng, tổ chức Toà án để thực hiện việc xét xử lại vụ án.

II. CƠ SỞ LÝ LUẬN
Có hai cơ sở lý luận chủ yếu cho việc áp dụng nguyên tắc hai cấp xét xử đó là:
Thứ nhất, với quan niệm rằng thẩm phán mặc dù được đào tạo chuyên môn về luật pháp, có kinh nghiệm xét xử và được sự bổ trợ những kinh nghiệm thực tế cuộc sống của hội thẩm hay phụ thẩm khi xét xử nhưng dầu sao vẫn là những con người bình thường, tức là cũng có thể mắc những sai lầm do trình độ, nhận thức hay cảm tính cá nhân. Để khắc phục những sai sót có thể xảy ra đó, pháp luật tạo điều kiện cho các đương sự sau khi xét xử lần đầu (sơ thẩm) có cơ hội yêu cầu tòa áp cấp trên xem xét lại một lần nữa (phúc thẩm).Toà án cấp trên với hội đồng xét xử có số lượng thẩm phán nhiều hơn, có kinh nghiệm hơn sẽ là đảm bảo tốt hơn cho vụ án được giải quyết công bằng, khách quan.
Thứ hai, nguyên tắc bản án, quyết định có thể bị xem xét lại còn có tác dụng nâng cao tinh thần trách nhiệm của các thẩm phán sơ thẩm. Thực vậy, với khả năng các phán quyết của mình có thể sẽ bị phúc thẩm để xem xét lại sẽ làm cho họ cảnh giác hơn, thận trọng hơn. Mặt khác, nếu thẩm phán bị phát hiện có nhiều sai lầm trong nghiệp vụ sẽ là một dấu ấn không tốt cho việc thăng tiến trong tương lai hay tái bổ nhiệm.

III. NỘI DUNG CỦA NGUYÊN TẮC HAI CẤP XÉT XỬ
Nguyên tắc hai cấp xét xử được quy định tại các Điều 17, 245, 247, 252 Bộ luật Tố tụng dân sự với những nội dung cơ bản như sau:
Thứ nhất, về thời hạn kháng cáo, kháng nghị : Các bản án, quyết định giải quyết việc dân sự, quyết định đình chỉ hay tạm đình chỉ giải quyết vụ án dân sự của tòa án sơ thẩm khi ban hành sẽ chưa có hiệu lực pháp luật ngay mà được trù liệu một thời hạn nhất định cho các đương sự kháng cáo, viện kiểm sát kháng nghị. Hết thời hạn đó mà các chủ thể không kháng cáo, kháng nghị thì bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật, còn nếu bản án, quyết định bị kháng cáo, kháng nghị thì sẽ phải được xét xử lại theo thủ tục phúc thẩm.
Thứ hai, bản án, quyết định của tòa án cấp phúc thẩm không thể bị kháng cáo, kháng nghị mà có hiệu lực pháp luật ngay. Nhằm bảo đảm cho tính nhanh chóng của tố tụng cũng như tránh tình trạng lạm dụng quyền yêu cầu xét lại của đương sự để kéo dài vụ án, pháp luật quy định chỉ cho phép đương sự kháng cáo, viện kiểm sát kháng nghị một lần mà thôi.
Thứ ba, nội dung (phạm vi) phúc thẩm là chỉ xét lại những nội dung do đương sự kháng cáo và bị giới hạn bởi phạm vi mà bản án sơ thẩm đã giải quyết. Nói cách khác, toà phúc thẩm chỉ xét xử trong phạm vi những nội dung mà tòa sơ thẩm đã xét xử và, đương nhiên, chỉ những phần đương sự kháng cáo. Toà phúc thẩm không thể giải quyết những yêu cầu mới vì nếu như vậy sẽ vừa xét xử sơ thẩm vừa xét xử phúc thẩm ngay nên sẽ vi phạm nguyên tắc hai cấp xét xử. Tuy nhiên việc đề xuất các chứng cứ mới trước tòa phúc thẩm để biện giải cho các yêu cầu của mình là quyền của đương sự và nó hoàn toàn khác với các yêu cầu mới.
Thứ tư, những bản án, quyết định của tòa án có hiệu lực pháp luật phải được mọi chủ thể tuyệt đối chấp hành. Những bản án quyết định có hiệu lực pháp luật không thể bị thay đổi hay bãi bỏ. Giám đốc thẩm và tái thẩm không phải là một cấp xét xử mà chỉ là một thủ tục đặc biệt để xem xét lại những bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật trong những trường hợp đặc biệt do pháp luật quy định. Theo quy định của pháp luật tố tụng dân sự nước ta, các đương sự không có quyền kháng cáo giám đốc thẩm hay tái thẩm mà chỉ những người có thẩm quyền đứng đầu cơ quan tòa án hay viện kiểm sát mới có quyền quyết định.
Trong pháp luật nước ta nguyên tắc này không có ngoại lệ, tức là mọi bản án, quyết định sơ thẩm đều có thể bị phúc thẩm. Trong khi đó pháp luật tố tụng dân sự ở các nước đều áp dụng phổ biến thủ tục giản lược cho các loại tranh chấp có giá trị nhỏ. Những tranh chấp gồm cả tranh chấp về dân sự hay thương mại được xác định là nhỏ khi thấp hơn một khoản tiền cụ thể. Những tranh chấp này khi đương sự khởi kiện ở tòa án thì bắt buộc phải tuân theo thủ tục đơn giản như mô hình một số bang của Hoa Kỳ, hay có quyền lựa chọn theo thủ tục đơn giản hay theo thủ tục thường như mô hình của Nhật Bản. Bản án đối với những vụ việc này sau khi tuyên thì có hiệu lực pháp luật ngay mà không thể bị kháng cáo phúc thẩm. Đây không chỉ là thủ tục rất thuận tiện cho các đương sự trong các tranh chấp nhỏ mà còn góp phần giảm thiểu gánh nặng quá tải án dân sự ở cấp phúc thẩm. Thủ tục này là một ngoại lệ của nguyên tắc hai cấp xét xử và đang được ưa chuộng tại nhiều nước.

IV. THỰC TIỄN ÁP DỤNG NGUYÊN TẮC HAI CẤP XÉT XỬ
Thực tiễn áp dụng nguyên tắc hai cấp xét xử ở nước ta hiện nay chưa được thực hiện tốt, các quy định của pháp luật hiện hành về vấn đề này đã và đang bộc lộ những điểm chưa hợp lý dẫn đến vi phạm nguyên tắc hai cấp xét xử, ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân và làm kéo dài quá trình tố tụng.
Hiện nay, tình trạng một vụ án bị xét xử kéo dài nhiều năm vẫn còn khá phổ biến ở nước ta, thậm chí có những vụ án trải qua hàng chục lần xét xử và kéo dài hàng chục năm. Nguyên nhân là do các quy định về trình tự, thủ tục giải quyết vụ án dân sự chưa hợp lý dẫn đến một vụ án có thể phải xét xử qua nhiều lần, nhiều cấp, hết sơ thẩm, phúc thẩm, giám đốc thẩm hay tái thẩm rồi lại xét xử sơ thẩm, phúc thẩm… Nguyên nhân của tình trạng trên có thể kết luận đó là do cách quan niệm cũng như việc áp dụng trên thực tế nguyên tắc hai cấp xét xử ở nước ta chưa đúng với nguyên nghĩa và bản chất của nguyên tắc này. Cụ thể là:
Thứ nhất, ở nước ta không có sự phân biệt giữa vấn đề sự kiện và pháp lý. Vì vậy mà không chỉ tòa án cấp sơ thẩm, phúc thẩm được xem xét đến toàn bộ nội dung vụ án mà kể cả trong thủ tục giám đốc thẩm, thủ tục đặc biệt xét lại bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật, tòa án cũng xem xét lại cả các căn cứ về sự kiện cũng như về pháp lý. Đó là các quy định sau:
1. Một trong những căn cứ của kháng nghị giám đốc thẩm là “kết luận trong bản án, quyết định không phù hợp với các tình tiết khách quan của vụ án”.
2. Thẩm quyền của Hội đồng giám đốc thẩm hủy bản án, quyết định để xét xử lại khi “việc thu thập chứng cứ và chứng minh chưa thực hiện đầy đủ hay không theo đúng quy định tại chương VII của Bộ luật tố tụng dân sự”.
3. Thẩm quyền của Hội đồng giám đốc thẩm hủy bản án, quyết định để xét xử lại nếu “kết luận trong bản án, quyết định không phù hợp với những tình tiết khách quan của vụ án…”.
Đây rõ ràng là các vấn đề thuộc về sự kiện của vụ án. Việc thu thập chứng cứ hay chứng minh phải hoàn toàn do tòa án cấp sơ thẩm hay tòa án cấp phúc thẩm nơi mà phiên tòa được diễn ra công khai với sự tham gia phiên tòa của các đương sự, người làm chứng, các chứng cứ được phân tích đánh giá một cách trực tiếp quyết định. Hội đồng giám đốc thẩm chỉ xét lại vụ án trên hồ sơ do tòa án cấp sơ thẩm hay phúc thẩm chuyển giao, phiên họp giám đốc thẩm là họp kín không có sự tham gia của đương sự, người làm chứng, hơn nữa các thẩm phán giám đốc thẩm không tham gia thu thập chứng cứ, không tham gia phiên tòa sơ thẩm hay phúc thẩm. Vậy làm thế nào để kiểm định sự thu thập chứng cứ không đầy đủ, không phù hợp, không đúng thủ tục? Trong tố tụng dân sự, nghĩa vụ cung cấp chứng cứ và chứng minh thuộc về đương sự và đương sự phải chịu trách nhiệm với các chứng cứ, sự kiện mà họ cung cấp. Tòa án chỉ tiến hành thu thập chứng cứ trong những trường hợp đặc biệt mà thôi.
Về căn cứ kết luận không phù hợp với tình tiết khách quan của vụ án thì tình tiết khách quan của vụ án sẽ được hiểu là sự thật của vụ án mà không chỉ các đương sự có nghĩa vụ trình bày mà cả tòa án cũng có trách nhiệm tự tìm hiểu. Phần kết luận trong bản án, quyết định được hiểu là phần quyết định trong bản án hay phần nhận định của tòa án? Bởi vì Bộ luật tố tụng dân sự sử dụng ba thuật ngữ khác nhau là kết luận, nhận định và quyết định nên mới đặt ra vấn đề xác định nội hàm của các khái niệm trên. Nếu kết luận được hiểu là phần nhận định của tòa án, tức là phần trình bày cách hiểu của tòa án về nội dung vụ án, về sự thật vụ án qua những chứng cứ mà các bên cung cấp cũng như tòa án thu thập, qua kết quả xét xử tại phiên tòa, thì phần nội dung này hoàn toàn thuộc về vấn đề sự kiện. Nếu là vấn đề sự kiện thì nó đã được đánh giá qua việc xét xử tại cấp sơ thẩm và phúc thẩm theo nguyên tắc hai cấp xét xử nên cần được tôn trọng. Ngược lại, nếu hiểu kết luận trong bản án là phần quyết định của tòa án, tức là phần cuối cùng của bản án thì căn cứ trên phải được quy định là quyết định của bản án không phù hợp với những nhận định của tòa án. Nếu vậy, căn cứ này cũng tương tự như pháp luật một số nước quy định căn cứ cho việc phá án là bản án thiếu căn bản pháp lý. Nói cách khác, bản án, quyết định của tòa án đã phán quyết mâu thuẫn với nhận định của chính mình, do đó việc áp dụng pháp luật là hoàn toàn không có căn cứ nên nó phải bị xét lại. Thực tế đã chứng minh vì không có sự phân biệt giữa sự kiện và pháp lý nên khái niệm kết luận được hiểu theo cách thứ nhất. Hậu quả là không có sự khác biệt rõ rệt giữa tính chất của phúc thẩm và giám đốc thẩm, do đó giám đốc thẩm bị biến dạng thành cấp xét xử thứ ba.
Thứ hai, ở nước ta thẩm quyền phúc thẩm, giám đốc thẩm và tái thẩm được trao cho nhiều đơn vị xét xử. Đơn vị xét xử được hiểu có thể là một cấp tòa án cũng có thể là một bộ phận chuyên môn của tòa án nhưng có thẩm quyền xét xử độc lập. Bởi vì hệ thống tòa án nhân dân nước ta được tổ chức thành ba cấp gồm có tòa án nhân dân cấp huyện, tòa án nhân dân cấp tỉnh và Tòa án nhân dân tối cao nên khi kết hợp với nguyên tắc hai cấp xét xử đã biến mỗi cấp tòa án nước ta trở thành “đa năng”. Ngoài tòa án cấp huyện chỉ có thẩm quyền xét xử sơ thẩm thì tòa án cấp tỉnh có thẩm quyền xét xử cả bốn thủ tục là sơ thẩm, phúc thẩm, giám đốc thẩm và tái thẩm; Tòa án nhân dân tối cao có thẩm quyền xét xử phúc thẩm, giám đốc thẩm và tái thẩm. Đặc biệt hơn, trong mỗi cấp tòa án lại có nhiều đơn vị xét xử và các đơn vị xét xử này có quyền xét lại những bản án, quyết định của đơn vị xét xử khác mặc dù chúng đều thuộc một cấp tòa án. Chẳng hạn Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao có thẩm quyền xét lại những bản án, quyết định phúc thẩm của các tòa phúc thẩm hay các quyết định của các tòa chuyên trách. Tình trạng này đã biến mỗi cấp tòa án thành “đa cấp” xét xử. Chính sự “đa năng” và “đa cấp” của hệ thống tòa án nước ta đã làm biến dạng nguyên tắc hai cấp xét xử thành ba cấp, thậm chí riêng thủ tục giám đốc thẩm trên thực tế đã biến thành ba cấp trong đó một ở tòa án cấp tỉnh và hai ở Tòa án nhân dân tối cao. Hậu quả là dẫn tới quá tải vụ việc cho tòa án cấp trên, đặc biệt là Tòa án nhân dân tối cao. Với gánh nặng các vụ án ngày càng gia tăng, Tòa án nhân dân tối cao đã chú ý đến việc xét xử các vụ việc cụ thể hơn chức năng chính là tổng kết và giám sát chung.
Mặt khác, ở nước ta thẩm quyền giám đốc thẩm và tái thẩm được trao cho cả Tòa án nhân dân tối cao và tòa án nhân dân cấp tỉnh (hiện nay là 64 tỉnh, thành) đã không đảm bảo được sự thống nhất pháp luật, có chồng chéo trong giải thích và áp dụng pháp luật. Bởi vì, bản chất của thủ tục giám đốc thẩm không phải là một cấp xét xử nên không xét về nội dung vụ việc mà chỉ nhằm đảm bảo cho việc giải thích và áp dụng pháp luật được thống nhất trong phạm vi cả nước. Nhưng với sự trao quyền giám đốc thẩm cho cả các tòa án địa phương thì không thể tránh khỏi những chồng chéo, mâu thuẫn trong giải thích và áp dụng pháp luật. Điều này cũng dẫn đến hiện tượng sau khi tòa án nhân dân cấp tỉnh đã xét xử giám đốc thẩm rồi thì quyết định đó có thể lại được Tòa án nhân dân tối cao giám đốc thẩm, tái thẩm lại một lần nữa.



Link Download bản DOC
Do Drive thay đổi chính sách, nên một số link cũ yêu cầu duyệt download. các bạn chỉ cần làm theo hướng dẫn.
Password giải nén nếu cần: ket-noi.com | Bấm trực tiếp vào Link để tải:

 
Last edited by a moderator:

Các chủ đề có liên quan khác

Top