tctuvan

New Member
Link download cho anh em ketnooi

Thuật ngữ mỹ học (có người còn gọi là Thẩm mỹ học, esthétique) lần đầu tiên được nhà triết học người Đức A. Baumgarten (1714 - 1762) sử dụng vào năm 1735 trong tuyển tập các bài báo của ông nhan đề Những suy niệm triết học về các vấn đề liên quan tới sáng tác thi ca. Nhưng phải đến năm 1750 và sau đó 1758, khi hai tập Mỹ học của A. Baumgarten lần lượt ra đời thì khái niệm này mới được dùng rộng rãi.
Tuy nhiên, mỹ học như một ngành khoa học thì nảy sinh rất sớm trong lòng xã hội nô lệ ở phương Đông cũng như phương Tây. Lúc này, nó được coi như là một bộ phận của triết học - môn khoa học tìm hiểu những quy luật chung nhất của tự nhiên, xã hội và tư duy. Sự nảy nở của các học thuyết mỹ học đặc biệt rầm rộ ở Trung Quốc và Hy Lạp thời cổ đại.
Trong thời Xuân Thu – Chiến Quốc ở Trung Quốc, các khuynh hướng tự tưởng lớn như Khổng giáo, Lão giáo, Mặc giáo và Pháp gia… nảy sinh, luôn tranh giành ảnh hưởng với nhau. Các quan niệm về đạo đức, chính trị, thẩm mỹ… đua nhau phát triển. Đã xuất hiện không ít quan niệm thẩm mỹ độc đáo, rất đáng lưu tâm tìm hiểu. Cái hay là chúng thường được trình bầy dưới hình thức những câu chuyện có tính ngụ ngôn, khá sinh động và thấm thía. Chẳng hạn câu chuyện về công việc sáng tạo của họa sĩ trong Hàn Phi Tử. Người thay mặt lớn nhất của phái Pháp gia này kể rằng, có một nghệ sỹ người nước Tề, nhân Tề Công hỏi vẽ vật gì khó nhất, ông đáp: “Vẽ chó, ngựa và những con thú khác”; còn đối với câu hỏi vẽ gì dễ hơn cả thì ông đáp: “Vẽ ma, quỷ và những tà lực khác”. Liền sau đó, người họa sỹ giải thích như sau: “Hàng ngày, mọi người đều thấy ngựa và biết rõ ngựa như thế nào. Chỉ cần lầm lẫn chút ít trong bức họa là họ lập tức bàn tán. Còn ma quỷ thì chẳng có một nhận thức rõ rệt nào về chúng cả, do vậy vẽ chúng là chuyện dễ”. Hàn Phi Tử quan niệm giá trị của các tác phẩm nghệ thuật chỉ được xác định trong tương quan với người tiếp nhận chúng, mà người cảm thụ thì bao giờ cũng dùng sự từng trải của chính mình để đánh giá tác phẩm. Bởi vậy, nghệ thuật muốn có ý nghĩa phải gắn với hiện thực đời sống. Mọi tưởng tượng tách rời thực tại đều quái đản và huyễn hoặc. Sáng tạo nghệ thuật được coi là một hình thức lao động công phu là vì thế. Ý nghĩa mỹ học của câu chuyện này đâu có nhỏ và đâu có giới hạn chỉ ở thời trước.
Hy Lạp thời cổ đại cũng từng sản sinh ra nhiều nhà triết học, nhiều nhà mỹ học lỗi lạc. Một trong những tên tuổi lừng danh là Heraklite (540 - 480 TCN). Với ông, chân lý luôn là cụ thể. Ông cho rằng: “Lừa thích rơm hơn vàng”. Ông còn nói: “Nước biển sạch nhất đồng thời bẩn nhất. Đối với cá nó dùng để uống và nó vô hại. Còn đối với con người, nó không dùng để uống được và nó có hại”. Từ đó Heraklite chủ trương tính tương đối của cái đẹp. Ông nói: “Con khỉ đẹp nhất cũng là xấu so với loài người; và con người hoàn thiện nhất khi so với thần thánh cũng chỉ như một con khỉ”. Những quan niệm mỹ học sâu sắc và đặc sắc tương tự có thể dễ dàng tìm trong các công trình lý luận của các nhà tư tưởng ở Hy Lạp thời cổ đại.
Rõ ràng, các học thuyết mỹ học đã nảy sinh từ rất sớm trong lịch sử tư tưởng của nhân loại. Tuy nhiên, mỹ học với tư cách là một ngành khoa học độc lập lại phải chờ tới thời cận đại. Một trong những yếu tố quan trọng giúp mỹ học tách dần ra khỏi triết học là việc xác lập được đối tượng đặc thù của ngành khoa học này.
Phần I
ĐỐI TƯỢNG NGHIÊN CỨU CỦA MỸ HỌC
Trả lời câu hỏi “mỹ học là gì?” thực chất là đi tìm lời giải đáp cho câu hỏi “mỹ học nghiên cứu cái gì?”. Mỗi ngành khoa học - khoa học tự nhiên, khoa học xã hội hay khoa học nhân văn, muốn tồn tại như một ngành độc lập thì phải xác định đối tượng nghiên cứu chuyên biệt của mình. Từ cổ xưa, một tác giả khuyết danh của công trình nổi tiếng Về cái cao cả đã xác định hai yêu cầu cơ bản đặt nền tảng cho bất cứ một ngành khoa học nào gồm: Một là, cần xác định đối tượng nghiên cứu của mình; và hai là, cần tìm tòi và chỉ ra các phương pháp chiếm lĩnh đối tượng này. Chính Hegel trong tác phẩm Khoa học lôgic, khi trình bầy về vai trò của việc xác định đối tượng của ngành khoa học này cũng đã nói rất đúng rằng: không am hiểu đối tượng của lôgic học thì không thể nói trước nó là gì cả.
Vậy đâu là đối tượng đặc thù của mỹ học? Nói cách khác, mỹ học nghiên cứu cái gì trong thế giới thực tại muôn màu muôn vẻ? Không dễ tìm ngay được câu trả lời xác đáng. Đó là quá trình tìm tòi không mệt mỏi của nhiều nhà mỹ học danh tiếng thuộc nhiều dân tộc trong suốt chiều dài lịch sử.


Link download:
 
Top